Diễn văn tại Lễ kỷ niệm 56 năm truyền thống Học viện Hành chính Quốc gia

Buổi lễ kỷ niệm 56 năm truyền thống Học viện Hành chính Quốc gia (29/5/2015) đã diễn ra trong không khí trang trọng và để lại kỷ niệm khó quên trong lòng các đại biểu tham dự cũng như trong cá nhân mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên đã đang công tác tại Học viện. Tại buổi lễ, TS. Trần Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phụ trách và điều hành Học viện Hành chính Quốc gia đã đọc diễn văn kỷ niệm chào mừng 56 năm xây dựng và phát triển của Học viện. Sau đây, Tổ biên tập trang thông tin điện tử Học viện Hành chính Quốc gia xin trân trọng giới thiệu toàn văn Bài phát biểu của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trong Lễ kỷ niệm niệm 56 năm truyền thống Học viện Hành chính Quốc gia (29/5/1959 – 29/5/2015)

 Diễn văn tại Lễ kỷ niệm 56 năm truyền thống Học viện Hành chính Quốc gia 

của TS. Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ,

Phụ trách, điều hành Học viện Hành chính Quốc gia

Kính thưa các vị đại biểu,

Kính thưa các nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý lão thành,

Thưa các thầy cô giáo, các công chức, viên chức cùng các Nghiên cứu sinh, Học viên và sinh viên yêu quý.

Trước tiên, chúng tôi xin được chào mừng và xin trân trọng cảm ơn các vị khách quý, các thầy cô giáo, các công chức, viên chức cùng các học viên, sinh viên đã tới tham dự Lễ Kỷ niệm 56 năm Ngày thành lập Học viện Hành chính quốc gia.

Với 56 năm xây dựng và phát triển, trải qua các thăng trầm, thử thách, Học viện Hành chính quốc gia  đã và vẫn mãi  luôn là một Trung tâm quốc gia về khoa học hành chính, về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và là một địa chỉ tin cậy trong việc tư vấn, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ về khoa học hành chính, về quản lý nhà nước. Phục vụ tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Rất nhiều công chức, viên chức và sinh viên sau khi tốt nghiệp các khóa, các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện đều đã trưởng thành và có nhiều tiến bộ trong công tác, giữ các cương vị quan trọng trong hệ thống chính trị. Điều đó đã khẳng định thương hiệu của Học viện, đưa Học viện trở thành một địa chỉ có uy tín trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Trong xu thế hội nhập quốc tế, Học viện đã hợp tác với trên 50 trường đại học, hoặc cơ sở đào tạo trên thế giới như Nhật bản, Pháp, Hoa kỳ, Đức, Trung quốc, Singapor,… và đồng thời là thành viên của tổ chức quốc tế lớn về Hành chính trên thế giới: Hiệp hội quốc tế các trường và Học viện Hành chính (ISIA); Tổ chức hành chính miền Đông thế giới (EROPA); Hiệp hội các nhà hành chính châu Á (AGPA). Với vị trí quan trọng và  bề dày lịch sử, với các công hiến, thành tích của Học viện, trong Lễ kỷ niệm 56 năm này, chúng ta trân trọng cảm ơn các thế hệ nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý và đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của Học viện Hành chính quốc gia đã không ngừng bền bỉ phấn đấu, nỗ lực vượt khó, cống hiến tâm sức và trí tuệ để cùng nhau xây dựng và phát triển Học viện. Đây là niềm tự hào song cũng là trách nhiệm đặt lên vai thế hệ hôm nay phải cố gắng thế nào, phải làm gì để tiếp tục xây dựng và phát triển Học viện.

Thưa các quý vị,

Học viện chúng ta là một đơn vị sự nghiệp công lập, hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng. Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện, trong điều kiện hiện này, có 3 trụ cột chính phải được chú trọng  quan tâm: Một là hệ thống giáo trình, chương trình phải đảm bảo phù hợp, đáp ứng yêu cầu; Hai là đội ngũ giảng viên, các thầy cô giáo phải đảm bảo chất lượng (kể cả hữu cơ hay thỉnh giảng), chất lượng tôi muốn nói là bao gồm cả tư cách, phẩm chất, trình độ, kinh nghiệm và phương pháp sư phạm; Ba là cơ chế hoạt động của Học viện phải năng động, linh hoạt trong sự quản lý tập trung thống nhất, kỷ luật, kỷ cương.

Trong điều kiện Bộ Nội vụ đang tập trung giúp Chính phủ tiến hành cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trên nhiều mặt, nhiều khía cạnh như: đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo Hiến pháp 2013 với nhiều tư duy mới về quản trị quốc gia bên cạnh quản lý nhà nước, hành pháp chính trị bên cạnh hành chính công vụ; đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; cải cách công vụ, công chức, đổi mới cơ chế quản lý công chức quản lý công chức, viên chức thông qua xác định vị trí việc làm, hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh, đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý; đổi mới chế độ đánh giá CBCCVC; tinh giảm biên chế; nâng cao chất lượng thi tuyển, nâng ngạch công chức; ứng dụng công nghệ tin học vào quản lý công chức, viên chức; đẩy mạnh phân công phân cấp giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, … Học viện Hành chính quốc gia hiện trực thuộc Bộ Nội vụ, thì nhiệm vụ của Học viện Hành chính quốc gia chính là tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức nghiên cứu khoa học.  Hơn nữa, mọi hoạt động của chúng ta phải gắn và hòa chung với các hoạt động của Bộ Nội vụ. Muốn vậy, 3 trụ cột nêu trên phải được tiếp tục xây dựng và khẳng định.

Những điều chúng ta đã làm được trong thời gian vừa qua:

Một là, chúng ta đã bình tĩnh, từng bước nhưng kiên quyết sửa đổi lề lối tác phong làm việc, nhất là về kỷ luật, kỷ cương, trật tự hành chính trong mọi hoạt động của Học viện theo nguyên tắc lãnh đạo, quản lý phải nêu gương để mọi người noi theo. Ai cũng hiểu rằng, Học viện là nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thì đầu tiên và trước hết, những người làm việc tại đây phải là những cán bộ, công chức thật chuẩn, nhất là về phẩm chất, về tác phong làm việc; đi đứng, giao tiếp, cho tới trang phục, lối sống, cư xử mà hoạt động nơi công sở đòi hỏi. Có chuẩn mực, chúng ta mới có thể đào tạo được cán bộ công chức được nhân dân hài lòng trong quá trình phục vụ. Không thể dạy về hoạt động hành chính, hoạt động công vụ mà những người dạy lại không chuẩn, luôn có sai phạm hoặc khiếm khuyết trong hoạt động hành chính, hoạt động công vụ.

Hai là, chúng ta đã cùng nhau xây dựng xong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính quốc gia (đã tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp). Hiện đã gửi về Bộ Nội vụ để trình Thủ tướng xem xét, ban hành. Khi có Quyết định này, chúng ta sẽ sửa đổi, ban hành mới Quy chế làm việc, Quy chế chỉ tiêu và quy chế khác của Học viện. Cơ bản dự thảo các Quy chế này đã xong, Bộ Nội vụ sắp trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng này. Và tiếp tục triển khai xây dựng phân viện Tây Nguyên và cơ sở ở Huế.

Ba là, nhiều nội dung liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, đều đã cho triển khai và đang tiến hành như: Xác định vị trí việc làm; Đánh giá phân loại công chức, viên chức; Tiến hành quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý. Chức danh lãnh đạo Học viện sắp tới sẽ tiến hành; Chỉ đạo triển khai bổ nhiệm lại các trường hợp đã quá thời hạn bổ nhiệm và đến thời hạn bổ nhiệm; Tiến hành xây dựng Đề án và kế hoạch tinh giảm biên chế của Học viện; Tập trung giải quyết chế độ chính sách về tiền lương, phụ cấp, trợ cấp,… cho công chức, viên chức trong Học viện. Riêng việc bổ nhiệm mới, kiện toàn bộ máy lãnh đạo ở các Khoa, Ban, Cơ sở, Văn phòng của Học viện cần chờ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành xong sẽ tiến hành ngay vì việc làm này gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Học viện.

Bốn là, về nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế: Chúng ta đã thực hiện việc đổi mới tổ chức nghiên cứu khoa học gắn với các vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra, kiên quyết từ chối các đề tài nghiên cứu thiếu luận giải về sự cần thiết, về yêu cầu thực tiễn, không xác định được mục tiêu sản phẩm… Chúng ta đã thành lập Hội đồng Khoa học đào tạo sau đại học, Hội đồng đã thực sự phát huy vai trò tư vấn cho lãnh đạo Học viện trong nâng cao chất lượng quản lý chương trình và phương pháp đào tạo Thạc sỹ, Tiến sỹ hiện nay.

Để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đã thành lập Hội đồng khoa học và đào tạo gồm các nhà khoa học, nhà quản lý và cả ngoài Học viện như GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng… Hội đồng này sẽ tư vấn, tham mưu cho lãnh đạo Học viện về quản lý, đào tạo về quy trình, chương trình, phương pháp đào tạo… Tiếp tục phát huy các mối quan hệ với các tổ chức quốc tế nhằm đáp ứng công tác đào tạo, bồi dưỡng một cách thiết thực (Chương trình, giáo trình, phương pháp, giảng viên…)

Năm là, về đào tạo Đại học, Sau đại học: Kỳ thi tuyển sinh sau đại học năm 2014 đã được tổ chức khoa học, chặt chẽ, khách quan, phòng chống tiêu cực tốt, được Bộ Giáo dục và đào tạo cùng dư luận thừa nhận. Học viện đã từng bước nâng cao trách nhiệm và chất lượng của thầy hướng dẫn và tinh thần học tập nghiêm túc của học viện, sinh viên.

Sáu là, về bồi dưỡng công chức, viên chức: Tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng công chức, viên chức theo nhu cầu, theo chức danh… Đặc biệt là thí điểm mở các lớp bồi dưỡng năng lực và kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng…

Trong thời gian tới Học viện sẽ có những nhiệm vụ chính như sau:

Củng cố tổ chức, cơ chế hoạt động và xây dựng đội ngũ viên chức sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện tinh giản biên chế theo chỉ đạo của Bộ trưởng và Ban cán sự Bộ Nội vụ.

Rà soát lại để sửa đổi, hoàn thiện lại hệ thống chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, theo nhu cầu, theo kỹ năng và kể cả đại học, sau đại học.

Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo ĐH, SĐH và bồi dưỡng CCVC. Các luận án, luận văn không đạt chất lượng, yêu cầu thì kiên quyết chưa cho bảo vệ, nâng cao chất lượng Bảo vệ các Luận văn, luận án. Rà soát lại đội ngũ giáo viên, giảng viên kể cả người hướng dẫn về tiêu chuẩn, phẩm chất, điều kiện nếu không đạt yêu cầu thì cương quyết không mời, không phân công. Chỉ phân công người hướng dẫn theo đúng chuyên ngành. Đây là vấn đề gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu các Khoa, Ban và lãnh đạo Học viện. Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo. Đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, nếu gương và sự tận tụy. Cần quy định một số vấn đề để chống tiêu cực, chống yếu kém về chất lượng trong khâu đánh giá (kể cả các Hội đồng). Thực hiện ứng dựng phần mềm tin học vào đổi mới việc thi tuyển, đánh giá kết quả đào tạo. Học viện chúng ta phải tiếp tục đổi mới công tác quản lý, nội dung, chương trình phương pháp dạy và học theo hướng phát triển năng lực, tư duy sáng tạo của sinh viên và học viên.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế phục vụ tốt cho đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức.

Thưa toàn thể các quý vị, các thầy cô giáo và các bạn.

Trong Lễ kỷ niệm này, ngọn lửa truyền thống và lòng tự hào của chúng ta về lịch sử Học viện sẽ là nền tảng, là động lực mạnh mẽ để chúng ta cùng chung tay xây dựng 3 trụ cột vững chắc, tiếp tục đưa Học viện phát triển cả về chất lượng và chiều sâu.

Tôi nghĩ rằng, nếu không bắt tay vào làm thì sẽ chỉ là lời nói suông . Nếu chờ đợi cơ hổi thì không biết tới bao giờ. Nếu chỉ say sưa với truyền thống, với quá khứ thôi thì chưa đủ, Chúng ta hãy sống và nhìn về tương lai tươi sáng phía trước. Vì vậy, chúng ta cần phải giữ gìn sự đoàn kết chung tay hành động để tạo ra cơ hội, làm nên những sự đổi thay. Như thế Học viện chúng ta mới tồn tại và phát triển giữ vững niềm tự hào của chúng ta. Do đó, chúng ta cùng kêu gọi một tư duy tự hào về truyền thống mới, đó là tinh thần phục vụ, tinh thần làm việc, tinh thần trách nhiệm không thỏa mãn với các kết quả đã đạt được mà mỗi chúng ta quyết tâm giữ vững, làm việc nhiều hơn và quan tâm nhiều hơn nữa đến Học viện Hành chính Quốc gia.

Cá nhân tôi, luôn mong nhận được mọi ý kiến, mọi sự giúp đỡ của các quý vị mà mọi người trong Học viện, trong Bộ Nội vụ để điều hành hoạt động Học viện luôn đạt hiệu quả, kết quả. Mọi ý kiến sẽ luôn được trân trọng lắng nghe nhưng cần cân nhắc lựa chọn để quyết định một cách khách quan, đúng quy định của pháp luật, không vì thân sơ, không vì yêu ghét.

Chúc các vị đại biểu cùng tất cả mọi người sức khỏe và thành công. Xin cảm ơn!

Comments are closed.