Ám ảnh oan sai và kỳ vọng về một “lá chắn” pháp lý

(doisongphapluat.com) – Hàng loạt vụ án oan bị phanh phui trong thời gian qua đã để lại nhiều day dứt cho những người làm công tác tố tụng. 

Ép cung, nhục hình oan sai được xem là một tội ác. Việc này ban đầu vì lý do chủ quan hoặc khách quan của một số điều tra viên gây ra, nhưng chịu trách nhiệm lại thuộc Hội đồng xét xử (HĐXX), trong khi trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát lại chưa được nhắc đến nhiều.

Từ thực tế đó, giới chuyên gia kỳ vọng, Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi đang được đưa ra bàn thảo sẽ đảm bảo nguyên tắc xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Nhức nhối sau những vụ oan sai

Theo các chuyên gia pháp lý, oan sai trong tố tụng hình sự dù ở mức độ nào cũng đều dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Nó không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đối với cá nhân, gia đình của họ mà còn với xã hội, với Nhà nước là không đảm bảo công lý, công bằng xã hội và phòng ngừa tội phạm.

Qua các vụ án oan, một đặc điểm chung rất dễ nhận thấy là luôn có những vi phạm tố tụng nghiêm trọng, kết luận vụ án luôn là kết quả của sự truy xét qua áp đặt chủ quan của người tiến hành tố tụng, có dấu hiệu mớm cung, bức cung trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, những hành vi vi phạm này hầu như không chứng minh được hoặc không được HĐXX xem xét.

Ngoài vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, có thể kể đến rất nhiều những trường hợp oan sai khác được ghi nhận. Đó là các vụ Bùi Minh Hải ở Đồng Nai; Nguyễn Hồng Cầu (Hải Phòng), Lương Ngọc Phi (Thái Bình); vụ ông Trần Văn Chiến ở Tiền Giang… Trong các vụ án này, có những người đã phải chấp hành bản án chung thân về tội giết người, có người mãi đến khi mãn hạn tù trở về thì hung thủ thực sự của vụ án mới lộ diện. Một danh sách dày đã cho thấy hậu quả nhức nhối của những vụ án oan, sai.

Ai phải chịu trách nhiệm?

Thời điểm tháng 10/2014, Cục Điều tra VKSNDTC đã tống đạt quyết định khởi tố bị can với ông Phạm Tuấn Chiêm (65 tuổi, nguyên thẩm phán TAND Tối cao, người là chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xử oan ông Nguyễn Thanh Chấn). Ông Chiêm bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Có lẽ đây là lần đầu tiên một thẩm phán bị khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm làm oan người vô tội.

Sau khi bị khởi tố, ông Chiêm đã lên tiếng trần tình: “Tôi không phải loại thoái hóa, biến chất, tham nhũng. Đây là có kẻ hữu ý làm sai lệch hồ sơ vụ án, còn tôi chỉ làm đúng bổn phận theo luật. Tôi kết án theo luật, nếu VKSND Tối cao làm đúng theo trách nhiệm thì ông Chấn đã ra tù cách đây 8-9 năm rồi. Tôi không thể làm khác được, như thế là làm sai lệch hồ sơ vụ án. Còn bên VKS thì sao? Sao họ không nghĩ đến trách nhiệm của họ? Họ có vô tâm, vô cảm không khi dân người ta kêu oan nhưng họ cũng không giải quyết gì. Nếu tôi phát hiện ra, tôi sẵn sàng đề nghị người ta phải làm, dù cho phải cởi áo từ quan. Thà tôi bị kỷ luật chứ không để người dân bị oan. Tôi đã làm hết sức rồi”.

Đương nhiên, ông Chiêm không thể chối bỏ trách nhiệm của mình. Thế nhưng, những lời “gan ruột” của ông đã khiến dư luận, đặc biệt là những người làm công tác tố tụng phải suy nghĩ. Theo lẽ thông thường, bất kỳ vụ án nào đều phải trải qua các quy trình tố tụng, từ giai đoạn điều tra, truy tố cho đến xét xử. Thế nhưng, nguồn cơn dẫn đến oan, sai chính là từ giai đoạn điều tra. Bởi, CQĐT là đơn vị đầu tiên tiếp nhận, điều tra những hành vi vi phạm pháp luật. Tình trạng ép cung, mớm cung hay dùng nhục hình cũng xảy ra ở giai đoạn này.

Tuy vậy, có một thực tế mà ai cũng biết, với những người làm công tác điều tra, chẳng điều tra viên nào dại dột đến mức để lại thương tích vĩnh viễn cho nghi can. Nhiều người vẫn thường xì xầm, công an mà đánh thì đau đến chết đi sống lại nhưng chẳng bao giờ nhìn thấy vết thương.

Với những chứng tích nhục hình trên phần mềm của nghi can, thì đến khi ra tòa, chúng đã biến mất. Do đó, hầu hết những lời tố cáo bị dùng nhục hình của bị cáo đều được các thành viên của HĐXX buông một câu gọn lỏn là “không có căn cứ”. Và kết cục là dẫn đến oan sai.

Những vụ án nhùng nhằng

Chẳng hạn vụ Trần Minh Anh bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cáo trạng, Anh đã tự ký tên mình và ghi tên mẹ vợ vào yêu cầu mở tài khoản, hợp đồng mở tài khoản tại công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (Hà Nội). Sau khi mẹ vợ Anh gửi tiền vào tài khoản này, Anh giả mạo chữ ký của mẹ vợ, lập giấy ủy quyền giả mạo lừa rút hơn 3 tỉ đồng. Rắc rối là trong hồ sơ còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ như số tiền Anh rút là tiền của vợ Anh gửi cho mẹ hay là tiền của vợ chồng Anh.

Khi gửi tiền vào công ty Bảo Việt, mẹ vợ Anh có đi cùng nhưng Anh lại là người thực hiện việc gửi tiền. Khi Anh rút tiền nhiều lần, công ty biết và vẫn cho rút… TAND TP. Hà Nội đã nhiều lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để xác định các chứng cứ buộc tội…

Trên thực tế, không ít trường hợp khi trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung, cơ quan trả hồ sơ phải nêu rõ những vấn đề cần bổ sung. Bất cập là ở chỗ hiện nay tòa án (hoặc VKS) cứ ra quyết định trả hồ sơ, còn có điều tra bổ sung được hay không thì lại phụ thuộc hoàn toàn vào Cơ quan điều tra. Thế mới có chuyện hồ sơ bị trả đi trả lại tới 3, 4 lần mà kết quả điều tra vẫn chẳng có gì mới so với lúc chưa được yêu cầu điều tra bổ sung.

Vụ án giết người ở Thái Bình là một ví dụ. Trước khi xét xử, TAND tỉnh đã phải trả hồ sơ đến 2 lần. Trước đó, Cơ quan điều tra đề nghị VKS truy tố 2 bị can là Nguyễn Việt Phương và Đặng Xuân Đào về tội giết người nhưng sau đó VKS tỉnh ra quyết định đình chỉ bị can đối với Nguyễn Việt Phương. Khi quyết định trả hồ sơ, TAND tỉnh yêu cầu VKS xem xét lại có việc bỏ lọt tội phạm hay không, cũng như các chứng cứ buộc tội.

Tuy nhiên, khi phiên toà sơ thẩm được mở, thay vì bổ sung những vấn đề mà tòa án đã yêu cầu thì VKS giữ nguyên quan điểm đã truy tố đối với bị cáo Đào. Cho rằng trong vụ án này có dấu hiệu vi phạm tố tụng, các căn cứ buộc tội đối với bị cáo Đào chưa đủ sức thuyết phục, TAND tỉnh lại một lần nữa phải tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung…

Trần Quyết – Anh Văn

Comments are closed.