Ban hành 14 văn bản QPPL trong tháng 3/2014

Trong đó, đáng chú ý là Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.

Nghị định quy định cụ thể về đối tượng hưởng nhuận bút, thù lao; nhuận bút và quỹ nhuận bút đối với tác phẩm báo in, báo điện tử, tác phẩm báo nói, báo hình; nhuận bút và phương thức tính nhuận bút đối với xuất bản phẩm.

Theo Nghị định, khung nhuận bút cho tác phẩm báo in, báo điện tử được quy định hệ số tối đa là 10 đối với tin, trả lời bạn đọc, tranh, ảnh; hệ số tối đa là 30 đối với thể loại chính luận, phóng sự, ký (một kỳ), bài phỏng vấn, sáng tác văn học, nghiên cứu; hệ số tối đa là 50 đối với trực tuyến, media. Khung nhuận bút cho tác phẩm báo nói, báo hình được quy định hệ số tối đa là 10 đối với thể loại tin, trả lời bạn đọc; hệ số tối đa là 30 đối với thể loại chính luận, phóng sự, ký (một kỳ), bài phỏng vấn, sáng tác văn học, nghiên cứu, hướng dẫn khoa học giáo dục; hệ số tối đa là 50 đối với tọa đàm, giao lưu.

Giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút bằng 10% mức tiền lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Đối với cơ quan báo chí tự bảo đảm chi phí hoạt động, việc trả nhuận bút cao hơn mức bình quân chung do Tổng biên tập quyết định căn cứ vào chất lượng, thể loại, khung hệ số nhuận bút nhưng không vượt quá hệ số tối đa tại khung nhuận bút.

* Cũng trong tháng 3, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2014/NĐ-CP về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Nghị định quy định: Nhà nước ưu tiên đầu tư, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức quốc tế, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia vào việc thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở Việt Nam theo quy định của pháp luật; thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập khi tham gia các chương trình phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo quy định. Cá nhân tham gia tổ chức, quản lý, dạy học và các công việc khác để thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được hưởng thù lao theo quy định của Nhà nước.

Theo Nghị định, đối tượng xóa mù chữ là những người trong độ tuổi từ 15 đến 60 chưa biết chữ. Chương trình giáo dục thực hiện xóa mù chữ là chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học hoặc chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.

* Ngày 5/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.

Quyết định được ban hành nhằm sửa đổi quy định hiện hành về việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước phù hợp với hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, tập trung vào việc duy trì và nâng cao hiệu quả của việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí ngân sách.

Quyết định quy định các cơ quan sau đây phải xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng: Bộ, cơ quan ngang Bộ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.

Khuyến khích các cơ quan, đơn vị sau xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo quy định tại Quyết định này: Cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài; Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; đơn vị sự nghiệp công lập.

Quyết định quy định cụ thể về: Các bước xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng; mô hình khung Hệ thống quản lý chất lượng; thuê tổ chức tư vấn, chuyên gia tư vấn độc lập; thuê tổ chức chứng nhận; nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng; nhiệm vụ của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính trong tổ chức thực hiện.

* Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam.

Theo Quyết định này, quy hoạch phát triển điện sinh khối là một trong các nội dung của quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối. Quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối bao gồm quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối quốc gia, quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối cấp tỉnh, làm cơ sở cho các hoạt động đầu tư phát triển và sử dụng nguồn năng lượng sinh khối, được điều chỉnh phù hợp với các nghiên cứu, đánh giá tiềm năng năng lượng sinh khối trong từng thời kỳ.

Việc đầu tư xây dựng dự án điện sinh khối phải phù hợp với Quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối và quy hoạch phát triển điện lực các cấp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các dự án điện sinh khối chưa có trong danh mục của quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được duyệt, chủ đầu tư chịu trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị bổ sung quy hoạch, gửi Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Trong khi Quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối chưa được phê duyệt, việc đầu tư các dự án điện sinh khối cần được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định quy định cụ thể về: Quy hoạch phát triển điện sinh khối; cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện sinh khối; trách nhiệm của các Bộ, địa phương đối với dự án điện sinh khối.

Toàn bộ Thông cáo báo chí Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong từng tháng đều được đăng tải toàn văn trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Ban hành 14 văn bản QPPL trong tháng 3/2014

Gửi phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>