Cơ chế tiền lương của VDB trong giai đoạn tái cơ cấu

(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chỉ đạo về cơ chế tiền lương đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) trong giai đoạn thực hiện tái cơ cấu Ngân hàng (2013-2015).
Ảnh minh họa

Cụ thể, tiền lương của người lao động được xác định trên cơ sở tiền lương bình quân thực hiện năm 2012 (đã được kiểm toán).

Tiền lương của viên chức quản lý Ngân hàng được thực hiện theo quy định tại Phụ lục số II kèm theo Quyết định số51/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Tiền lương của giai đoạn thực hiện tái cơ cấu Ngân hàng (2013-2015) được tính vào chi phí của Ngân hàng. Trường hợp chênh lệch thu nhỏ hơn chi, Ngân hàng được chuyển lỗ sang các năm tiếp theo để bù đắp.

Phó Thủ tướng giao Hội đồng quản lý Ngân hàng phê duyệt quỹ tiền lương của người lao động sau khi có ý kiến của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính; xây dựng quy chế phân phối, chi trả tiền lương gắn với vị trí, hiệu quả công việc, đảm bảo công khai, minh bạch.

Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động – Thương và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tiếp nhận báo cáo của Hội đồng quản lý Ngân hàng về quỹ tiền lương thực hiện của người lao động và các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến năng suất lao động, lợi nhuận (nếu có) trong giai đoạn thực hiện tái cơ cấu để kiểm tra, giám sát; tiếp nhận và phê duyệt quỹ tiền lương, thù lao thực hiện, quỹ tiền thưởng đối với viên chức quản lý.

Bộ Lao động – Thương và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn Ngân hàng xây dựng cơ chế tiền lương phù hợp với đặc thù hoạt động của Ngân hàng và thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thực hiện từ năm 2016 trở đi.

Phan Hiển

Comments are closed.