Đánh giá chất lượng bồi dưỡng CBCCVC

(Chinhphu.vn) – Đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) nhằm cung cấp những thông tin khách quan về thực trạng chất lượng bồi dưỡng. Căn cứ vào kết quả đánh giá chất lượng bồi dưỡng, các cơ quan, đơn vị có kế hoạch cải tiến, nâng cao chất lượng bồi dưỡng CBCCVC.

190118

Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư quy định về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, được thực hiện từ 1/3/2018.

Đối tượng đánh giá gồm: Chương trình; học viên; giảng viên; cơ sở vật chất; khóa bồi dưỡng; hiệu quả sau bồi dưỡng.

Về chương trình, đánh giá tính phù hợp của chương trình: Sự phù hợp của chương trình với mục tiêu bồi dưỡng; sự phù hợp của chương trình với học viên.

Đối với tính khoa học của chương trình, đánh giá tính chính xác của nội dung chương trình; tính cập nhật của nội dung chương trình.

Tính ứng dụng của chương trình: Mức độ đáp ứng của chương trình với nhu cầu của học viên; mức độ đáp ứng của chương trình với yêu cầu thực tiễn công việc của học viên.

Về đánh giá học viên, Thông tư nêu rõ, đánh giá mục tiêu học tập gồm: Mục tiêu học tập của học viên phù hợp với mục tiêu của khóa bồi dưỡng; mục tiêu học tập phù hợp với với năng lực của học viên.

Phương pháp học tập: Học viên có phương pháp học tập khoa học; học viên có khả năng tự học, tự nghiên cứu; học viên vận dụng thực tiễn vào quá trình học tập; học viên thể hiện sự sáng tạo trong quá trình học tập.

Thái độ học tập: Học viên chủ động trong quá trình học tập, nghiên cứu; học viên tích cực học hỏi trong quá trình học tập, nghiên cứu; học viên tham gia đầy đủ các hoạt động học tập.

Đối với giảng viên, đánh giá kiến thức của giảng viên: Kiến thức chuyên môn của giảng viên; kinh nghiệm thực tiễn của giảng viên.

Phương pháp giảng dạy của giảng viên: Sử dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy; mức độ liên hệ bài học với thực tiễn; việc hướng dẫn học viên đi thực tế, viết bài thu hoạch, làm tiểu luận, đề án.

Về hiệu quả sau bồi dưỡng: Đánh giá kiến thức chuyên môn; kiến thức nghiệp vụ; kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn;  kỹ năng giải quyết vấn đề được nâng lên…

Việc lấy ý kiến phản hồi của giảng viên, học viên về chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện bằng hình thức lấy ý kiến trực tiếp tại lớp học, phỏng vấn trực tiếp hoặc gửi phiếu về cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.

Tùy theo mức độ đạt được của chỉ số đánh giá chung về từng nội dung đánh giá, kết quả đánh giá được phân loại vào các mức tương ứng như sau: Kém, yếu, trung bình, khá, tốt.

Căn cứ vào các mức đánh giá trên, các cơ quan, tổ chức đánh giá chất lượng bồi dưỡng nghiên cứu, báo cáo với cơ quan quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng và kiến nghị, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng; khắc phục những tồn tại, yếu kém về chất lượng chương trình, chất lượng giảng viên, cơ sở vật chất, khóa bồi dưỡng và nâng cao hiệu quả học tập của học viên.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2018.

Khánh Linh

(Website Chính phủ)

Comments are closed.