Đề xuất bớt tạm giữ, tạm giam, thay thế bằng bảo lĩnh, đặt tiền

(doisongphapluat.com) – Tại hội thảo định hướng sửa đổi toàn diện Bộ luật Tố tụng Hình sự do ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa tổ chức tại TP. Đà Nẵng, nhiều đại biểu cho rằng, cơ quan tố tụng nên bớt lạm dụng tạm giữ, tạm giam để thay thế bằng các biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền…

Đề xuất trên xuất phát từ thực tế, người bị tạm giam (chưa bị kết tội) đang bị hạn chế nhiều quyền công dân, thậm chí có ý kiến cho rằng, có không ít vụ bị mớm cung, bức cung, nhục hình xảy ra từ giai đoạn này. Đề xuất trên đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. PV báo Đời sống và Pháp luật đã trao đổi với nhiều chuyên gia pháp lý để cùng mổ xẻ vấn đề này…

Án oan và mối quan ngại tội phạm vị thành niên

Những năm gần đây, các vụ việc có dấu hiệu ép cung, bức cung, dùng nhục hình được dư luận phản ánh khá nhiều. Sau mỗi vụ, cơ quan chức năng đều nhập cuộc kiểm tra, xử lý. Có những vụ kết luận rõ như vụ 5 nguyên cán bộ công an đánh chết nghi can ở Phú Yên, nhưng có vụ phải tới khi phát hiện án oan mới lộ ra sai phạm như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, một trong những minh chứng đỉnh điểm của câu chuyện xét xử oan do ép cung, bức cung, dùng nhục hình của Cơ quan điều tra.

an-oan

Nhiều vụ án oan, nhục hình liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây. (Ảnh Internet)

Đưa ra góc nhìn khác, LS. Đỗ Toàn Thắng (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, luật cần thắt chặt hơn nữa điều kiện áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người chưa thành niên và chỉ áp dụng khi đó là biện pháp cuối cùng. Theo LS. Thắng, người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, là những đối tượng dễ bị tổn thương. Không những thế, ở lứa tuổi này khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội bị hạn chế và nhiều khi còn bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, khách quan khác. BLHS quy định, người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong đó, người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội phạm.

Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn để đảm bảo cho công tác điều tra, truy tố và xét xử. Các biện pháp ngăn chặn được áp dụng gồm: Bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm (được quy định tại Điều 79 BLTTHS). Tuy nhiên, do tính chất tâm lý đặc biệt của lứa tuổi này nên cần thận trọng lựa chọn biện pháp ngăn chặn.

Theo LS. Thắng, trước khi quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam, cơ quan tiến hành tố tụng cần phải xem xét kỹ xem có cần áp dụng các biện pháp đó không, hay có thể giao bị can cho gia đình giám sát. Trường hợp cần phải tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên, cần tính toán đến một số yếu tố. Do người chưa thành niên dễ bị tổn thương, nên cần tạo điều kiện tối đa cho cha mẹ, người thân chăm nom. Người chưa thành niên bị tạm giữ, tạm giam không được giam giữ chung với người thành niên. Đặc biệt phải trả tự do ngay nếu xét thấy không cần thiết tạm giam nữa.

Bớt tạm giữ, tạm giam, tăng bảo lĩnh

Được biết, cũng tại phiên giải trình trước Ủy ban Tư pháp của Quốc hội hồi tháng 9 vừa qua, đại diện VKSND Tối cao cho biết, Viện đã không phê chuẩn 309 lệnh bắt khẩn cấp và 1.015 quyết định gia hạn, tạm giữ; không phê chuẩn 624 lệnh bắt tạm giam, lệnh tạm giam của cơ quan điều tra (CQĐT). VKS các cấp cũng đã tiến hành 16.178 cuộc kiểm tra các nhà tạm giữ, trại tạm giam và phát hiện, ban hành 6.118 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật tại những nhà tạm giữ, tạm giam này.

Một trong những ý tưởng được đưa ra chính là đề xuất, cơ quan tố tụng nên bớt lạm dụng tạm giữ, tạm giam để thay thế bằng các biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền… Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng, tuy nhiên, trong bối cảnh nước ta hiện nay, đây là ý tưởng cần phải được xem xét, mổ xẻ và nếu áp dụng theo đề xuất này cần phải có một lộ trình thích hợp.

Theo quy định của pháp luật, một người chỉ được chứng minh là có tội khi có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Tức là, trong quá trình tạm giam, tạm giữ để phục vụ quá trình điều tra, người bị tạm giữ, tạm giam chỉ bị hạn chế một số quyền tự do nhất định, không được tiếp xúc với môi trường bên ngoài để bảo đảm bí mật điều tra hoặc ngăn chặn việc bỏ trốn… Thế nhưng, thực tế hiện nay người đang bị tạm giam (chưa bị kết tội – PV) đang bị hạn chế rất nhiều quyền mà lẽ ra mình đáng được hưởng.

Cũng chính từ việc bị hạn chế quyền mà người bị tạm giữ, tạm giam không phải lúc nào họ cũng tự mình quyết định việc có nhờ người bào chữa hay không. Câu chuyện nhờ luật sư nào, ở đâu, cũng như trao đổi về tình trạng pháp lý của mình để luật sư cho ý kiến… gặp không ít khó khăn. Bản thân PV báo Đời sống và Pháp luật từng được người nhà bị can, bị cáo kể cho nghe không biết câu chuyện tréo ngoe do không biết được thân nhân mình bị giam ở đâu?!

Anh Văn – Ngân Giang – Vũ Phương

Comments are closed.