Đề xuất điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Trong đó thay vì quy định người đại diện theo pháp luật của SCIC là Tổng Giám đốc SCIC, Bộ này đề xuất người đại diện theo pháp luật của SCIC là Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc SCIC.
Ảnh minh họa

Theo dự thảo, SCIC tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật. SCIC có vốn điều lệ là 50.000 tỷ đồng.

Ngành, nghề kinh doanh chính của SCIC là: Đầu tư và quản lý vốn đầu tư theo nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ; quản lý Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, bán vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đã tiếp nhận theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, SCIC thực hiện các ngành, nghề có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính như: Đầu tư và kinh doanh vốn vào ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế theo quy định của pháp luật; cung cấp các dịch vụ tư vấn: Đầu tư, tài chính; chuyển đổi, quản trị, mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật; các ngành, nghề khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo dự thảo, Chính phủ thống nhất quản lý thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với SCIC. Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thực hiện quyền, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu theo phân công của Chính phủ hoặc ủy quyền cho Bộ Tài chính. Bộ Tài chính thực hiện quyền, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu theo phân công của Chính phủ hoặc theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ. Hội đồng thành viên của SCIC là đại diện chủ sở hữu nhà nước trực tiếp tại SCIC, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp và phần vốn góp do SCIC tiếp nhận và đầu tư.

Người đại diện theo pháp luật của SCIC là Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc SCIC. Hội đồng thành viên SCIC quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của từng Người đại diện theo pháp luật tại quy chế nội bộ, phù hợp với quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành của SCIC gồm có: Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Ban Kiểm soát các Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng, bộ máy giúp việc.

Hội đồng thành viên của SCIC có không quá 7 thành viên làm việc theo chế độ chuyên trách. Tổng giám đốc SCIC kiêm chức danh Thành viên hội đồng thành viên. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng thành viên không quá 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại không quá 2 nhiệm kỳ.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Tuệ Văn

(Website Chính Phủ)

Comments are closed.