Đề xuất quy định mới về tổ chức, hoạt động của Ban thanh tra nhân dân

Thanh tra Chính phủ đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân.
Ảnh minh họa

Thanh tra Chính phủ cho biết, sau 10 năm thực hiện, Nghị định số 99/2005/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân đã bộc lộ nhiều bất cập.

Một số quy định cụ thể tại Nghị định số 99/2005/NĐ-CP đã bộc lộ sự bất cập với thực tiễn, chẳng hạn như các quy định về phạm vi điều chỉnh của Nghị định; về tiêu chuẩn, điều kiện thành viên Ban thanh tra nhân dân; về bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên Ban thanh tra nhân dân và bầu thành viên thay thế; về tài chính và điều kiện đảm bảo tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân…

Nghị định 99/2005/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân tại cơ quan nhà nước ở các cấp từ Trung ương đến địa phương, nhất là cơ quan nhà nước cấp xã. Nghị định chưa quy định cụ thể về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn, về trách nhiệm của Ban Chấp hành công đoàn cũng như về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước đối với hoạt động của Ban thanh tra nhân dân.

Bên cạnh đó, điều kiện hoạt động của Ban thanh tra nhân dân còn nhiều khó khăn. Theo Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về kết quả Công đoàn tham gia hoạt động ở cơ sở năm 2015, tỷ lệ Ban thanh tra nhân dân hoạt động tốt hiện nay còn thấp: Trong 44.407 Ban thanh tra nhân dân được phân loại, có 51,9% hoạt động tốt (tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2014); 31,6% hoạt động khá; 16,2% hoạt động trung bình; còn lại 0,33% hoạt động yếu. Một số Ban thanh tra nhân dân ở các đơn vị, doanh nghiệp chưa xây dựng được chương trình công tác, còn lúng túng về nội dung và hình thức tổ chức giám sát. Không ít đơn vị, doanh nghiệp chưa tạo điều kiện cho Ban thanh tra nhân dân hoạt động… Một trong những nguyên nhân quan trọng của thực trạng trên là do những bất cập của Nghị định số 99/2005/NĐ-CP.

Vì vậy, để bảo đảm giá trị pháp lý, thực tiễn và sự phù hợp của các quy định về Ban thanh tra nhân dân với các văn bản pháp luật hiện hành, Thanh tra Chính phủ đã dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân nhằm thay thế Nghị định số 99/2005/NĐ-CP.

Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 41 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã đề xuất rõ quy định về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước…

Tiêu chuẩn, điều kiện thành viên Ban thanh tra nhân dân

Theo dự thảo, thành viên Ban thanh tra nhân dân phải là người trung thực, công tâm, có uy tín, có hiểu biết về chính sách, pháp luật, tự nguyện tham gia Ban thanh tra nhân dân.

Thành viên Ban thanh tra nhân dân trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, phải là người làm việc thường xuyên tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và không phải là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.

Thành viên được bầu vào Ban thanh tra nhân dân phải có thời gian công tác ít nhất bằng thời gian của nhiệm kỳ hoạt động của Ban thanh tra nhân dân. Thành viên Ban thanh tra nhân dân tại xã, phường, thị trấn phải là người thường trú tại xã, phường, thị trấn và không phải là người đương nhiệm trong Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Về số lượng thành viên Ban thanh tra nhân dân, theo dự thảo, Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn có từ 5 đến 11 thành viên. Đối với những xã, phường, thị trấn ở đồng bằng có số dân dưới 5 nghìn người thì được bầu 5 hoặc 7 thành viên; từ 5 nghìn người đến dưới 9 nghìn người thì được bầu 7 hoặc 9 thành viên; từ 9 nghìn người trở lên thì được bầu 9 hoặc 11 thành viên. Đối với những xã, phường, thị trấn ở miền núi, trung du và hải đảo, mỗi thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố được bầu 1 thành viên, nhưng số lượng thành viên Ban thanh tra nhân dân không quá 11 người.

Ban thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước có 3 hoặc 5 hoặc 7 hoặc 9 thành viên.

Thanh tra Chính phủ đang lấy ý kiến góp ý dự thảo trên Cổng Thông tin điện tử của cơ quan này.

Tuệ Văn

(Website Chính Phủ)

Comments are closed.