Đề xuất quy định ngày thành lập, ngày truyền thống

(Chinhphu.vn) – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương.

ki niem

Theo dự thảo, ngày thành lập là mốc thời gian (ngày) có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu sự ra đời bằng văn bản thành lập của cơ quan có thẩm quyền.

Ngày truyền thống là mốc thời gian (ngày) đánh dấu một sự kiện đáng ghi nhớ, quá trình hình thành hoặc phát triển được ghi nhận, có tính kế thừa, liên tục.

Theo dự thảo, việc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống phải đảm bảo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của nhà nước. Các hoạt động lễ kỷ niệm được thực hiện thống nhất, đảm bảo an toàn, trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả; không phô trương, hình thức, gây lãng phí.

Dự thảo nêu rõ, không tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi chưa có văn bản thành lập của cơ quan có thẩm quyền hoặc chưa được cấp có thẩm quyền công nhận. Bộ, UBND cấp tỉnh chỉ được tổ chức kỷ niệm ngày thành lập hoặc ngày truyền thống, không tổ chức kỷ niệm ngày tái lập. Không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (logo) và chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm và lễ kỷ niệm.

Điều kiện, thẩm quyền công nhận ngày truyền thống

Theo dự thảo, ngày truyền thống của Bộ, UBND cấp tỉnh được xét công nhận khi có đủ các điều kiện sau đây: 1- Văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc thành lập hoặc tài liệu lịch sử chứng minh sự ra đời, ngày diễn ra sự kiện đáng ghi nhớ; 2- Có tính kế thừa, liên tục và phát triển ổn định từ 10 năm trở lên; 3- Là sự kiện có ý nghĩa với đất nước, dân tộc, Bộ, địa phương.

Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận ngày truyền thống của Bộ, UBND cấp tỉnh.

Về hình thức tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống, theo dự thảo, đối với năm tròn, Bộ, UBND cấp tỉnh tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm, trong đó xác định về thời gian, địa điểm, chương trình, thành phần của lễ kỷ niệm gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ, UBND cấp tỉnh chỉ đạo, tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Đối với các năm khác, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thi đua, gặp mặt kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống; không tổ chức lễ kỷ niệm.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, theo số liệu thống kê sơ bộ, cả nước hiện có khoảng hơn 200 ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, việc công nhận ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương được nhiều cơ quan có thẩm quyền ở các cấp công nhận như: Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội vụ, Bộ chủ quản, UBND các cấp dẫn đến tình trạng tổ chức kỷ niệm tràn lan, không thống nhất về thẩm quyền công nhận; phương pháp và cách thức tổ chức khác nhau tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của từng bộ, ngành, địa phương.

Sự ra đời của Nghị định sẽ tạo được cơ sở pháp lý cho việc công nhận và tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng ở các cấp được áp dụng thực hiện một các thống nhất, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả đối với công tác quản lý nhà nước; đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong việc quy định ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng trong thời gian qua, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay.

Tuệ Văn

(Website Chính phủ)

Comments are closed.