Đề xuất trình tự đăng ký mẫu con dấu

Tại dự thảo Nghị định về quản lý và sử dụng con dấu, Bộ Công an đã đề xuất quy định về trình tự, thủ tục nộp, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đăng ký mẫu con dấu.
Ảnh minh họa

Cụ thể, cơ quan, tổ chức nộp 1 bộ hồ sơ về con dấu cho cơ quan đăng ký mẫu con dấu theo một trong các hình thức sau: 1- Nộp trực tiếp tại cơ quan đăng ký mẫu con dấu; 2- Nộp qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan đăng ký mẫu con dấu (trừ các văn bản, giấy tờ không được phép đăng tải qua hệ thống mạng theo quy định của pháp luật).

Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra thông tin, văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ và thực hiện theo các quy định sau: Trường hợp hồ sơ hợp lệ, đối với hồ sơ nộp trực tiếp thì viết giấy biên nhận hồ sơ, ghi rõ ngày tiếp nhận, ngày trả kết quả và giao giấy biên nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ; đối với hồ sơ nộp qua Cổng thông tin điện tử thì trao đổi thông tin với cơ quan, tổ chức ngày trả kết quả.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm hướng dẫn để hoàn thiện hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản trả lời, trong đó nêu rõ lý do.

Dự thảo nêu rõ, người được cơ quan, tổ chức cử đến liên hệ nộp hồ sơ phải có giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền, xuất trình thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng. Văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ về con dấu là bản sao có chứng thực hoặc bản sao đã được cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu bản chính.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký con dấu có trách nhiệm trả kết quả giải quyết thủ tục về con dấu cho cơ quan, tổ chức.

Cơ quan đăng ký mẫu con dấu

Theo dự thảo, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an có trách nhiệm đăng ký mẫu con dấu và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu đối với cơ quan, tổ chức và một số chức danh nhà nước gồm: 1- Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Tổng thư ký Quốc hội; 2- Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử Quốc gia, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước; 3- Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị trực thuộc; 4- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện Kiểm sát quân sự Trung ương và các đơn vị trực thuộc; 5- Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương và các đơn vị trực thuộc; 6- Cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, cơ quan quản lý thi hành án Bộ Quốc phòng; cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các đơn vị trực thuộc; 7- Cơ quan An ninh điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; cơ quan An ninh điều tra, cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng; cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; cơ quan điều tra Viện Kiểm sát quân sự Trung ương và các đơn vị trực thuộc; 8- Ban Chỉ huy quân sự Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ban Đảng ở Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán Nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị – xã hội, Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập; 9- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo, quỹ xã hội, quỹ từ thiện và tổ chức phi chính phủ khác do cơ quan có thẩm quyền ở trung ương thành lập hoặc cấp giấy phép hoạt động hoặc công nhận hoạt động và các tổ chức trực thuộc; 10- Đại sứ quán, Phòng Lãnh sự thuộc Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán, Lãnh sự quán, Tổng Lãnh sự danh dự, Lãnh sự danh dự, Phái đoàn thường trực, Phái đoàn, Phái đoàn quan sát viên thường trực và cơ quan đại diện khác thực hiện chức năng đại diện của Nhà nước Việt Nam tại tổ chức quốc tế liên Chính phủ; 11- Cơ quan, tổ chức nước ngoài không có chức năng ngoại giao do cơ quan có thẩm quyền ở trung ương cấp giấy phép hoạt động; 12- Tổ chức kinh tế do cơ quan có thẩm quyền ở trung ương thành lập hoặc cấp giấy đăng ký hoạt động hoặc cấp giấy phép hoạt động và các tổ chức trực thuộc; 13- Tổ chức khác do cơ quan có thẩm quyền ở trung ương thành lập hoặc cấp giấy phép hoạt động.

Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm đăng ký mẫu con dấu và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu đối với các cơ quan, tổ chức tại địa phương gồm: 1- Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế; 2-  Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện và tương đương, Viện Kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện Kiểm sát quân sự khu vực và các đơn vị trực thuộc; 3- Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện và tương đương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực và các đơn vị trực thuộc; 4- Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh; cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện; cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương; trại giam, trại tạm giam thuộc quân khu, Bộ Quốc phòng; trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh và các đơn vị trực thuộc; 5- Cơ quan An ninh điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh; cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện; cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương; cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương; cơ quan điều tra hình sự khu vực và các đơn vị trực thuộc; 6- Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở; 7- Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện, cơ quan thi hành án quân khu và tương đương; 8- Cơ quan chuyên môn, tổ chức sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và các tổ chức trực thuộc; 9- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo, quỹ xã hội, quỹ từ thiện và tổ chức phi chính phủ khác do cơ quan có thẩm quyền ở địa phương thành lập hoặc cấp giấy phép hoạt động hoặc công nhận tổ chức và các tổ chức trực thuộc; 10- Tổ chức kinh tế do cơ quan có thẩm quyền ở địa phương thành lập hoặc cấp giấy đăng ký hoạt động hoặc cấp giấy phép hoạt động và các tổ chức trực thuộc; 11- Cơ quan, tổ chức nước ngoài không có chức năng ngoại giao do cơ quan có thẩm quyền ở địa phương cấp giấy phép hoạt động; 12- Ủy ban bầu cử ở cấp tỉnh, Ủy ban bầu cử ở cấp huyện, Ủy ban bầu cử ở cấp xã, Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, Tổ bầu cử; 13- Tổ chức khác do cơ quan có thẩm quyền ở địa phương thành lập hoặc cấp giấy phép hoạt động.

Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Tuệ Văn

Comments are closed.