Đối thoại chính sách phát triển ngành ô tô Việt Nam: “Ô tô Việt Nam ra đời muộn…”

Thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô VN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Bộ Công thương (ngày 27.4) đã tổ chức buổi Tọa đàm: “Đối thoại Chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam”. Hàng loạt ý kiến đối thoại phân tích cơ chế, chính sách theo định hướng tại Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam; hiện trạng và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, từng bước xây dựng ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam đã được đưa ra bàn thảo.

Lại xin hỗ trợ từ thuế
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã được triển khai theo tiến trình phát triển của đất nước. Tuy nhiên, các chính sách chưa đủ mạnh để thúc đẩy hoạt động phát triển thị trường ô tô. Để khắc phục, chúng ta cần đẩy mạnh các hoạt động với đối tác chiến lược, ngành công nghiệp hỗ trợ và chính sách nhà nước để phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam. Đặc biệt là chính sách khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất 3 dòng xe ưu tiên phát triển có công suất tối thiểu 100.000 xe/năm.Ngành công nghiệp sản xuất ô tô hiện có tổng năng lực sản xuất – lắp ráp khoảng 460 ngàn xe/năm, phần lớn dừng ở mức lắp ráp giản đơn. Năm 2014, ngành ô tô Việt Nam có dấu hiệu tăng trưởng 35%, chỉ sau Singapore (39%).
Lý giải nguyên nhân của tình trạng nêu trên, Bộ Công thương cho rằng là do ngành ô tô Việt Nam ra đời muộn hơn so với các nước trong khu vực, ngành công nghiệp hỗ trợ và hạ tầng giao thông chưa phát triển đồng bộ và mức sống người dân chưa cao nên dung lượng thị trường còn nhỏ.
Nhiều ý kiến thảo luận xoay quanh những chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô. Hàng loạt những chính sách chính được nêu ra bao gồm: Chính sách hỗ trợ và ưu đãi đối với ngành công nghiệp ô tô, chính sách thuế, chính sách khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất 3 dòng xe ưu tiên, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ…Đăc biệt, có nhiều ý kiến về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu. Về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt được đề ra nhằm tạo điều kiện mở rộng thị trường ô tô trong nước, đối với dòng xe ưu tiên đến 09 chỗ ngồi và xe khách từ 10 đến 24 chỗ ngồi sẽ áp dụng mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt ở mức thấp hơn so với quy định hiện hành. Còn đối với dòng xe dung tích trên 3,0 lít áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn mức quy định hiện hành.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT THACO Trường Hải cho rằng cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay có nhiều lỗ hổng. Điển hình là xe lắp ráp, thuế tiêu thụ đặc biệt tính trên xe xuất xưởng bao gồm cả phí lắp ráp, phí sản xuất, lợi nhuận của nhà sản xuất. Trong khi đó, thuế tiêu thụ đặc biệt của xe nguyên chiếc lại tính trên giá xe nhập về, chưa tính giá marketing hay lợi nhuận của nhà sản xuất. Ông cũng đề xuất ý kiến rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt nên được tính trên giá bán buôn của doanh nghiệp nhập khẩu. Nếu làm được điều này sẽ hạn chế được gian lận thương mại, tránh được vấn đề chuyển giá khi tính giá thuế. Nếu chúng ta tính thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá bán buôn thì nhà sản xuất có làm bằng hình thức nào đi chăng nữa thì cuối cùng họ vẫn phải cộng vào giá thành để tính thuế.

Cần sự ổn định chính sách
Ông Đoàn Phan Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam nhấn mạnh rằng cần đầu tư nhưng chính sách phải ổn định, và chỉ nên tập trung chính sách cho một số doanh nghiệp đã sản xuất được ô tô, có uy tín trên thị trường. Với các doanh nghiệp, thuế chỉ là trước mắt, quan trọng là các doanh nghiệp phải hợp tác với nhau.

Về phía doanh nghiệp nước ngoài, ông Yoshihisa Maruta, Tổng Giám đốc Công ty Toyota Việt Nam cho ý kiến, ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước chưa kịp phát triển đã gặp phải vấn đề về thuế nhập khẩu bằng 0. Để thị trường phát triển cần duy trì chính sách thuế ổn định. Thuế chi phí sản xuất ảnh hưởng nhiều đến sản lượng mỗi dòng xe. Thị trường cạnh tranh nên mỗi nhà sản xuất đều nỗ lực để giảm chi phí sản xuất trong việc tăng cường nội địa hóa. Tuy nhiên, với sản lượng hiện nay, rất khó để tăng cường nội địa hóa, giảm chi phí sản xuất….

Trước những đề xuất từ phía các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: sẽ ghi nhận các ý kiến nhằm giúp Chính phủ chỉnh sửa và đề ra các chính sách cụ thể để phát triển ngành ô tô phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Tọa đàm Chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

Nguồn: http://laodong.com.vn

Comments are closed.

Học viện Hành chính Quốc gia