Gỡ vướng trong kiểm tra tính pháp lý hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc

(Chinhphu.vn) – Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2015/TT-BTP ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc kiểm tra tính pháp lý của Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện đối với hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Ảnh minh họa

Bộ Tư pháp cho biết, qua gần hai năm triển khai thực hiện Thông tư số 19/2015/TT-BTP (từ ngày 15/2/2016 đến nay) đã cho thấy tính hiệu quả của việc kiểm tra tính pháp lý đối với hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo kết quả các Sở Tư pháp báo cáo về Bộ Tư pháp từ tháng 2/2016 đến nay, số đối tượng bị đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện quyết định là: 14.987 đối tượng; số lượng đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng: 284 đối tượng; số lượng đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc: 475 đối tượng, số lượng đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: 14.144 đối tượng.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện Thông tư đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập làm ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động kiểm tra tính pháp lý của Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện đối với hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Vì vậy, Bộ Tư pháp xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2015/TT-BTP nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thi hành các quy định của pháp luật về kiểm tra tính pháp lý của Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện đối với hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong đó tập trung là biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạo cơ sở pháp lý để việc áp dụng được thống nhất trong phạm vi toàn quốc; bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định.

Dự thảo Thông tư được soạn thảo trên cơ sở giữ nguyên những quy định còn phù hợp với thực tiễn của Thông tư số 19/2015/TT-BTP, chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định để bảo đảm thống nhất với các văn bản pháp luật hiện hành và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng Thông tư (không sửa đổi các khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính).

Cụ thể, khoản 2 Điều 1 dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 5 Thông tư số 19/2015/TT-BTP quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị. Theo đó, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng hơn về việc chuyển hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính cho Trưởng phòng Tư pháp kiểm tra tính pháp lý đối với người vi phạm có nơi cư trú ổn định và người vi phạm không có nơi cư trú ổn định

Điểm d khoản 2 Điều 6 Thông tư số 19/2015/TT-BTP được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể việc tường trình về hành vi vi phạm của người vi phạm hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trong đó, nêu rõ bản thân đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật nào, thực hiện hành vi đó như thế nào, lý do dẫn đến các hành vi vi phạm, hậu quả xảy ra và những việc đã làm để khắc phục hậu quả, vi phạm đã bị xử lý như thế nào để bảo đảm việc áp dụng trên thực tế được thuận lợi, thống nhất hơn…

(Website Chính Phủ)

Comments are closed.