Hội thảo khoa học quốc tế: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với Quản trị nhà nước”

Sáng ngày 25/7/2017, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Xinh-ga-po) đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với Quản trị nhà nước”.

Đồng chủ trì Hội thảo có: PGS.TS. Nguyễn Văn Thành – Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; PGS.TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; PGS.TS. Eduardo Araral – Phó Giám đốc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu; PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh – Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).

TS. Đặng Thành Lê – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính giới thiệu đại biểu tham dự Hội thảo

TS. Đặng Thành Lê – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính giới thiệu đại biểu tham dự Hội thảo

Hội thảo thu hút sự quan tâm tham gia đông đảo của các học giả, các nhà quản lý đến từ các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương; các cơ sở nghiên cứu và đào tạo trên địa bàn TP. Hà Nội cùng cán bộ, giảng viên của Học viện Hành chính Quốc gia và Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Xinh-ga-po).

Đoàn Chủ tịch Hội thảo

Đoàn Chủ tịch Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan nhấn mạnh: cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0) đang có tác động mạnh mẽ và toàn diện đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trước bối cảnh đó, việc tăng cường hiệu quả quản lý của Nhà nước là hết sức cần thiết nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững, góp phần thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Giám đốc Học viện bày tỏ mong muốn, thông qua Hội thảo này, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia đầu ngành, cán bộ, giảng viên trong nước và quốc tế cũng như đại diện các cơ quan truyền thông tích cực trao đổi về các cách tiếp cận, phương pháp và công cụ mới nhằm nâng cao hiệu quả của nền hành chính nhà nước nói riêng và hoạt động quản lý nhà nước nói chung trước tác động của cuộc cách mạng 4.0.

 TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu khai mạc Hội thảo

TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với Quản trị nhà nướcđược tổ chức thành 3 phiên với các tiểu chủ đề, bao gồm: (1) Các vấn đề lý luận và cách tiếp cận quản lý nhà nước về cách mạng 4.0; (2) Thực trạng và cơ chế, chính sách quản lý nhà nước trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0; (3) Các giải pháp và sáng kiến tăng cường quản lý nhà nước về biển và hải đảo ở Việt Nam.

PGS.TS. Eduardo Araral – Phó Giám đốc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu trình bày tham luận tại Hội thảo

PGS.TS. Eduardo Araral – Phó Giám đốc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu trình bày tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận của các học giả, các nhà khoa học, quản  lý như: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Hàm ý cho châu Á” của PGS.TS. Eduardo Araral; “Xây dựng nền quản trị tốt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” của GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn; “Khoa học tư duy hệ thống với công tác lãnh đạo, quản lý trước sự biến đổi vĩ đại của thế kỷ XXI và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”của PGS.TS. Nguyễn Văn Thành; “Cách mạng công nghiệp 4.0: Các vấn đề đặt ra cho Việt Nam” của PGS.TS. Trần Đình Thiên; “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Từ kỳ vọng đến hành động” của GS.TS. Vũ Minh Khương – Trường Chính sách công Lý Quang Diệu; “Cách mạng công nghiệp 4.0: Các cơ hội và thách thức đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững biển Việt Nam” của PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi; “Quản lý hành chính nhà nước với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” của PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh…

PGS.TS. Nguyễn Văn Thành – Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày tham luận tại Hội thảo

PGS.TS. Nguyễn Văn Thành – Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày tham luận tại Hội thảo

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo

Thông qua Hội thảo, những vấn đề lý luận và thực tiễn về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã được các đại biểu tập trung trao đổi và làm rõ. Đặc trưng cơ bản của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là những tiến bộ trong công nghệ ở các lĩnh vực, như: trí tuệ nhân tạo, rô-bốt, internet vạn vật, công nghệ in 3D và công nghệ nano,… Với những tác động làm thay đổi nền sản xuất của thế giới, cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cơ hội cho từng cá nhân, tổ chức và từng dân tộc. Quốc gia nào tận dụng được cơ hội sẽ có khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến hơn, còn ngược lại sẽ bị tụt hậu ngày một xa hơn so với các nước đi trước.

PGS.TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo

PGS.TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo

GS.TS. Vũ Minh Khương – Trường Chính sách công Lý Quang Diệu trình bày tham luận tại Hội thảo

GS.TS. Vũ Minh Khương – Trường Chính sách công Lý Quang Diệu trình bày tham luận tại Hội thảo

Với cách tiếp cận đa chiều, các đại biểu tham dự Hội thảo đã giúp nhìn nhận rõ sự chuyển đổi và những biểu hiện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua những dẫn chứng hết sức cụ thể trong thực tiễn đời sống hiện nay. Các đại biểu đã đánh giá về những tác động to lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở nhiều lĩnh vực và ở nhiều mức độ khác nhau. Đồng thời, nhấn mạnh tới những thách thức đang đặt ra và đề xuất các giải pháp nhằmvượt qua các thách thức đó cũng như tận dụng các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

PGS.TS. Văn Tất Thu – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ trao đổi tại Hội thảo

PGS.TS. Văn Tất Thu – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ trao đổi tại Hội thảo

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên trình bày tham luận tại Hội thảo

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên trình bày tham luận tại Hội thảo

Về giải pháp, nhiều đại biểu cho rằng, trước hết cần chú trọng tới việc nâng cao nhận thức của các nhà lãnh đạo, quản lý về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chủ trương bám sát các diễn biến, yêu cầu của cuộc cách mạng này trong phát triển kinh tế; có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các ngành công nghiệp nổi trội (chế tạo rô-bốt, trí tuệ nhân tạo,…) và các doanh nghiệp có ứng dụng, đổi mới công nghệ. Ngoài ra, cần tập trung tái cơ cấu hệ thống giáo dục, đào tạo (trong đó có đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức) với sự tích hợp các nội dung của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để chuẩn bị lực lượng lao động chất lượng cao trong tương lai…Cùng với đó, cần nâng cấp nền tảng công nghệ quốc gia, đẩy mạnh nỗ lực thiết lập các mô hình quản trị hiện đại và xây dựng môi trường quản trị kiến tạo phát triển. Có như vậy mới nâng cao được hiệu quả quản trị nhà nước để giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội trước bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp được cho là cuộc cách mạng kỷ nguyên, tạo ra bước ngoặt lớn trong sự phát triển của nhân loại.

PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh – Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu bế mạc Hội thảo

PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh – Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu bế mạc Hội thảo

Phát biểu bế mạc Hội thảo, thay mặt Đoàn chủ tịch Hội thảo, PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh đánh giá cao những ý kiến trao đổi quý báu của các đại biểu tham dự. Đồng thời, cho rằng Hội thảo đã thực sự là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các cơ hội và thách thức đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, Hội thảo đã gợi mở được nhiều sáng kiến và giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả quản trị nhà nước ở Việt Nam trước bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, qua đó góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả. PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh tin tưởng sau Hội thảo, Học viện Hành chính Quốc gia và Trường Chính sách công Lý Quang Diệu cùng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức được nhiều hội thảo khoa học tương tự trong thời gian tới./.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Các đại biểu dự Hội thảo

Các đại biểu dự Hội thảo

Đoàn Kim Huy

Comments are closed.