Hội thảo khoa học quốc tế: “Quản lý chiến lược mục tiêu phát triển bền vững từ cách tiếp cận tư duy khoa học hệ thống và điểu khiển học – Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam”

Sáng ngày 18/3/2016, Hội thảo quốc tế với chủ đề “Quản lý chiến lược mục tiêu phát triển bền vững từ cách tiếp cận tư duy khoa học hệ thống và điểu khiển học – Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam” đã diễn ra tại Học viện Hành chính Quốc gia.

Hội thảo được tổ chức trên cơ sở phối hợp giữa Học viện Hành chính Quốc gia, Viện Kinh tế Việt Nam – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Viện nghiên cứu Malik, Thụy Sĩ.

Tham dự Hội thảo, có: TS. Nguyễn Văn Thành – Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, thành viên Hiệp hội Quốc tế về nghiên cứu hệ thống (IFSR); PGS.TS. Triệu Văn Cường – Thứ trưởng Bộ Nội vụ, phụ trách, điều hành Học viện Hành chính Quốc gia; GS.TS. Fredmund Malik – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Malik (Thụy Sĩ); PGS.TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS. Nam Nguyễn – Phó Chủ tịch IFSR, Giám đốc phụ trách châu Úc và Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu Malik. Cùng dự có các đồng chí trong Ban Giám đốc Học viện, gồm có: PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh – Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh – Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia;….Nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các bộ, ban, ngành, địa phương; các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo trên địa bàn Hà Nội; các cán bộ, nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính và đông đảo cán bộ, giảng viên Học viện cùng tham dự.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Triệu Văn Cường – Thứ trưởng Bộ Nội vụ, phụ trách, điều hành Học viện Hành chính Quốc gia nhấn mạnh: Phát triển bền vững là mục tiêu và nhiệm vụ xuyên suốt của các quốc gia. Trong một môi trường luôn biến động, phức tạp xuất hiện nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức như hiện nay, để bảo đảm có được sự thịnh vượng bền vững, rất cần thiết phải trang bị cách tiếp cận và những phương pháp mới về tư duy hệ thống và khoa học điều khiển, như: đẩy mạnh triển khai chính phủ điện tử, thúc đẩy việc lập kế hoạch, quản lý, điều hành đồng bộ và theo kỹ thuật số. Việc làm này sẽ giúp tăng cường năng lực quản trị hiệu quả cho các nhà lãnh đạo, nhà quản lý trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp. Đây là công việc hết sức cần thiết đối với Việt Nam cũng như với nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay.

1PGS.TS. Triệu Văn Cường Thứ trưởng Bộ Nội vụ, phụ trách, điều hành Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu đề dẫn Hội thảo

Hội thảo được tổ chức với mục đích tạo diễn đàn để trao đổi và cung cấp tri thức về quản lý, phát triển chiến lược từ cách tiếp cận tư duy khoa học hệ thống và điều khiển học; chỉ ra những thách thức đối với hoạt động quản lý, quản trị và lãnh đạo trong bối cảnh nhiều thay đổi; đồng thời chia sẻ các bài học kinh nghiệm từ các đối tác quốc tế đối với các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp của Việt Nam trong việc nâng cao hiệu quả quản trị, lãnh đạo dựa vào tư duy khoa học hệ thống và điều khiển học, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững.

Đặc biệt, Hội thảo còn là cơ hội và là tiền đề để tiếp tục tăng cường sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Học viện Hành chính Quốc gia với Viện Nghiên cứu Malik (Thụy Sĩ), Viện Kinh tế Việt Nam và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khác cũng như các tập đoàn, doanh nghiệp, góp phần tích cực vào việc xây dựng nền hành chính nhà nước hiện đại, chuyên nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

2TS. Nguyễn Văn Thành – Ủy viên trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, thành viên Hiệp hội Quốc tế về nghiên cứu hệ thống (IFSR) tặng quà lưu niệm cho GS.TS. Fredmund Malik

 Hội thảo được tổ chức thành 3 phiên thảo luận với các tiểu chủ đề có liên quan, trong đó:

Phiên thứ nhất: thảo luận về “Tiếp cận tư duy hệ thống trong quản lý chiến lược đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.

Phiên thứ hai: thảo luận về “Thực trạng và cơ chế, chính sách để quản lý chiến lược phát triển bền vững”.

Phiên thứ ba: thảo luận về “Cơ chế, chính sách quản lý chiến lược phát triển bền vững cho Việt Nam

3PGS.TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo

Tại các phiên thảo luận, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận đề cập trực tiếp tới các nội dung có liên quan tới chủ đề Hội thảo, trong đó đặc biệt phải kể đến các tham luận, như: “Tổng quan về những biến đổi vĩ đại của thế kỷ XXI và các phương pháp quản lý hệ thống Malik” của GS.TS. Fredmund Malik – người sáng lập đồng thời là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Malik; “Tiếp cận tư duy hệ thống xây dựng thành phố sinh thái, thành phố kinh tế ECO2 (nghiên cứu mô hình của Thành phố Hải Phòng)” của TS. Nguyễn Văn Thành; “Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam: thực trạng, cơ chế, chính sách quản lý” của TS. Vũ Tuấn Anh (nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam); “Quản lý nhà nước về phát triển bền vững – Thực trạng và giải pháp” của PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh.

4GS.TS. Fredmund Malik – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Malik trình bày tham luận tại Hội thảo

5PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh – Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu kết luận Hội thảo

Trước khi hội thảo diễn ra, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều tham luận của đại diện lãnh đạo cấp cao đến từ các cơ quan trung ương; các bộ, ban, ngành và địa phương; đại diện các cơ sở nghiên cứu, đào tạo; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên; đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí,…

Các tham luận đã được tập hợp trong Kỷ yếu hội thảo. Thông qua Kỷ yếu Hội thảo giúp cung cấp cho độc giả những ý tưởng, phương pháp và công cụ mới để giải quyết những vấn đề vĩ mô trong quản lý xã hội. Đồng thời, vận dụng phát triển tư duy khoa học hệ thống và điều khiển học ở Việt Nam một cách thuận lợi và thành công với quan điểm “Đưa tư duy khoa học hệ thống và điều khiển học tới tất cả mọi người ở Việt Nam”.

6Toàn cảnh Hội thảo

  • Trước đó, vào chiều 17/3, tại Hà Nội, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có buổi tiếp Giáo sư Fredmund Malik. Ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những công trình khoa học của Giáo sư Fredmund Malik trong tiến trình phát triển ngành điều khiển học thế giới với nhiều học thuyết có giá trị đã được ứng dụng vào thực tiễn, trong đó có những công trình đang được ứng dụng tại Hải Phòng (Việt Nam) và đã đem lại thành công bước đầu.

7Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tiếp Giáo sư Fredmund Malik, chiều ngày 17/3/2016.

Cũng tại buổi tiếp, hai bên đã trao đổi và chia sẻ về sự phát triển của ngành điều khiển học tại Việt Nam. Ông Nguyễn Thiện Nhân mong muốn được hợp tác với Giáo sư Fredmund Malik và Viện nghiên cứu Malik (Thụy Sĩ) trong việc nghiên cứu, ứng dụng ngành điều khiển học.

Giáo sư Fredmund Malik đánh giá cao sự phát triển về kinh tế – xã hội của Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục được hợp tác, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực điều khiển học nhằm nhân rộng những mô hình ứng dụng thành công trên thế giới, để ứng dụng có hiệu quả tại Việt Nam.

Viện Nghiên cứu Malik do GS. Fredmund Malik sáng lập vào năm 1984. Đây là một trong những tổ chức hàng đầu thế giới về khoa học quản lý hệ thống và điều khiển học cũng như về lĩnh vực quản trị và lãnh đạo. Kể từ khi thành lập đến nay, tổ chức này đã đào tạo và tư vấn thành công về quản lý, lãnh đạo và phát triển chiến lược cho nhiều bộ, ban, ngành, thành phố của nhiều quốc gia, như: CHLB Đức, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Ấn Độ,… Tổ chức này cũng đã tham gia tư vấn có hiệu quả cho nhiều công ty và tập đoàn hàng đầu trên thế giới. 

Đoàn Kim Huy

Comments are closed.