Hội thảo khoa học “Tinh chỉnh bộ máy nhà nước – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”

Thực hiện kế hoạch công tác năm 2018, chiều ngày 14/9/2018 tại Phòng Truyền thống Học viện, Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở đã tổ chức Hội thảo khoa học “Tinh chỉnh bộ máy nhà nước – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu – Trưởng Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở. Tham dự Hội thảo có đại diện các đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện; các nhà khoa học đầu ngành về khoa học pháp lý, khoa học hành chính, khoa học quản lý như GS.TS. Trần Ngọc Đường – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; GS.TS. Phạm Hồng Thái – Nguyên Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS. Nguyễn Minh Đoan – Đại học Luật Hà Nội; GS.TS. Thái Vĩnh Thắng – Đại học Luật Hà Nội; GS.TS. Lê Hồng Hạnh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN; PGS.TS. Nguyễn Đức Phúc – Học viện Cảnh sát Nhân dân; PGS.TS. Hoàng Đình Ban – Học viện Cảnh sát Nhân dân;  TS. Đinh Duy Hòa – Nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ…cùng đông đảo giảng viên, người lao động của Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở, học viên các lớp cao học chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính.

SONY DSC Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu nhấn mạnh, tinh chỉnh bộ máy nhà nước là một việc làm khó trên thực tế. Về mặt lý thuyết, để tinh chỉnh bộ máy thì trước tiên, chúng ta cần minh định mô hình nhà nước. Mô hình nhà nước đang được quan tâm ở Việt Nam hiện nay trong cả giới học thuật và giới kỹ trị là nhà nước kiến tạo phát triển. Tuy vậy, đây là mô hình chưa có được một khuôn khổ khái niệm rõ ràng. Hội thảo được tổ chức nhằm nghiên cứu, phát huy trí tuệ của các nhà khoa học góp phần đưa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về tinh chỉnh bộ máy nhà nước vào thực tiễn. Trên cơ sở đó, Phó Giáo sư đề nghị các nhà khoa học tham dự Hội thảo tập trung nghiên cứu, thảo luận để làm rõ hơn các nội dung: (1) tinh chỉnh bộ máy nhà nước – một số vấn đề phương pháp luận: các cách hiểu về tinh chỉnh (tinh giản, điều chỉnh, chỉnh đốn,…) bộ máy nhà nước; các cách tiếp cận vấn đề tinh chỉnh bộ máy nhà nước ; vai trò của các chủ thể trong hệ thống chính trị về tinh chỉnh bộ máy nhà nước; sự tác động đối với hệ thống chính trị khi tinh chỉnh bộ máy nhà nước; (2) tinh chỉnh bộ máy nhà nước để xây dựng một nhà nước kiến tạo phát triển: lý thuyết về nhà nước kiến tạo đặt ra đòi hỏi phải xây dựng một Nhà nước gọn, tinh, mạnh, điều này đặt ra những vấn đề gì đối với việc xây dựng nhà nước kiến tạo ở Việt Nam hiện nay; (3) những thách thức, khó khăn trong việc thực hiện tinh chỉnh bộ máy nhà nước hiện nay; (4) thực trạng tinh chỉnh bộ máy nhà nước ở Việt Nam hiện nay, ở trung ương và ở địa phương, trong đó có vấn đề hợp nhất các cơ quan, đơn vị có chức năng nhiệm vụ tương đồng, hợp nhất các xã theo đề án của Ban chấp hành Trung ương; (5) so sánh việc thực hiện cải cách tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả ở một số quốc gia trên thế giới và bài học tham khảo cho Việt Nam; (6) những kiến nghị, giải pháp để thực hiện có hiệu quả việc tinh chỉnh bộ máy nhà nước ở Việt Nam trong thời gian tới.

SONY DSC

SONY DSC

SONY DSC

SONY DSC

SONY DSC

7

Các nhà khoa học trao đổi, thảo luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã tích cực phát biểu tham luận, đóng góp nhiều ý kiến trên tinh thần thẳng thắn, và thống nhất một số vấn đề đối với việc tinh chỉnh bộ máy nhà nước hiện nay: thứ nhất, xây dựng lộ tình từng bước nhất thể hóa cơ quan Đảng và Nhà nước; thứ hai, giảm bớt các Bộ và cơ quan ngang Bộ theo tinh thần là “tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, bảo đảm tinh gọn và hợp lý”; thứ ba, giảm bớt các đơn vị hành chính cấp tỉnh bằng việc phân định lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh theo hướng sát nhập một số tỉnh nhỏ có sự gắn kết chặt chẽ với nhau một cách hợp lý, trên tinh thần đó điều chỉnh cơ cấu chính quyền địa phương cho phù hợp với những thay đổi chức năng, nhiệm vụ; thứ tư, thực hiện xã hội hóa dịch vụ công…

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu cảm ơn các ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, những người đã có nhiều năm nghiên cứu về công tác tổ chức nhà nước, xây dựng chính quyền; đồng thời mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự cộng tác của các nhà khoa học trong những hoạt động của Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở nói riêng và Học viện Hành chính Quốc gia nói chung.

Hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp./.

Trần Trung

Comments are closed.