Không thể né tránh mãi vấn đề đất đai

Theo một nhà báo nhiều năm lăn lộn ở Cần Thơ, “trong khi chúng ta tỏ ra thận trọng với việc tích tụ ruộng đất bởi mối lo điều này sẽ khiến nhiều người ít có cơ hội bị mất đất, thiếu việc làm thì lại quên mất rằng, chính việc thu hồi nhiều khu đất màu mỡ để làm sân golf, khu công nghiệp đang đẩy một bộ phận nông dân trở về con đường nghèo khổ”.

Giàu nhờ tích tụ

Một vấn đề nóng bỏng hiện nay là người nông dân đang thiếu nghiêm trọng tư liệu sản xuất do nhu cầu sử dụng đất của các nhà đầu tư góp phần làm giảm diện tích canh tác. Để mưu sinh, nhiều người nông dân biết nhìn xa trông rộng đã tự tìm ra hướng thoát nghèo.

Những gì đang diễn ra ở miền Tây cho thấy, việc tích tụ, tập trung ruộng đất đã và đang diễn ra. Nhiều nông dân biết làm ăn đã bỏ tiền mua hoặc thuê thêm đất để tính chuyện làm ăn lớn.

Gia đình ông Phan Văn An gồm 5 người ở Láng Biển (Đồng Tháp) chỉ có 2ha đất. Mặc dù rất chăm chỉ nhưng cuộc sống cứ chật vật mãi. Từ năm 2009, ông An quyết định một vấn đề hệ trọng, đó là thuê thêm đất đai của những người hàng xóm. Có thêm 7ha đất, gia đình ông tập trung trồng chuyên một giống lúa tốt. “Tuy có vất vả, nhưng lấy công làm lãi. Trừ các khoản tiền thuê đất, các khoản vay ngân hàng vẫn còn dư chút tiền lo cho đứa út đang học đại học”, ông An chia sẻ.

Cũng theo lời người nông dân này, một người bà con của ông tên Chấp đã xuống gần Tứ Giác Long Xuyên mua tích cóp trong mấy năm, giờ đang sở hữu 20ha ruộng. Có thu nhập, ông Chấp vay tiền mua 2 máy gặt đập liên hợp, 1 máy cày, 3 lò sấy…mở thêm dịch vụ nông nghiệp. Có lợi nhuận, ông Chấp tiếp tục mở rộng đất canh tác. Chỗ nào không mua được thì ông thuê lại. Từ chỗ thuộc diện nghèo giờ ông Chấp đã trở thành một nông dân khá giả. “Vừa rồi ông ấy còn đưa được gia đình đi du lịch Thái Lan”, ông An kể về người anh họ đầy ngưỡng mộ”.

Chuyện nông dân vì muốn vươn lên thoát nghèo, âm thầm tích tụ đất để làm ăn lớn cũng được GS Võ Tòng Xuân xác nhận. Ông quả quyết, “ở Tây Nam Bộ, những nông dân biết làm ăn trên mảnh đất của mình chí ít cũng làm 1 tới 2 ha ruộng, thậm chí họ còn có thể tích tụ nhiều tới 40 ha”.

Những người nông dân biết làm giàu trên mảnh đất của mình. Ảnh: Thu Hà

Số liệu từ phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn (An Giang) từng được báo chí dẫn lại cũng cho thấy, toàn huyện này có trên 36 ngàn ha, trong đó có khoảng 10% người có ruộng từ 30-40 ha đất. Riêng ở xã Tây Phú có 70% dân ở huyện khác hoặc người ngoài tỉnh đến mua đất với số lượng trên hàng trăm công.

Rõ ràng, trong chừng mực, tích tụ đất đai đã trở thành một cơ hội để những nông dân biết làm ăn có thể vươn đến một cuộc sống thịnh vượng hơn. Muốn cho nông dân thoát nghèo thì chính sách đất đai phải làm sao để chuyển nông nghiệp truyền thống sang một nền nông nghiệp hiện đại tạo ra giá trị cao. Điều mà thực tế đã chứng minh, họ không thể làm được nếu chỉ trông chờ vào vài mảnh đất con con 0,3-0,5ha.

Vì sao DN được thuê đất 90 năm, còn nông dân thì không?

Khi chuyện đất đai được đặt lên bàn nghị sự, vì nhiều lý do, một số ý kiến vẫn tỏ ra thận trọng thì một số người khác lại tỏ ra tâm đắc cho rằng cho phép tích tụ ruộng đất sẽ là một giải pháp để sớm đạt được mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp ì ạch mãi mấy chục năm qua.

Không có gì phải bàn cãi, trong thời kỳ toàn cầu hoá, nông sản phải cạnh tranh ngay trên sân nhà. Như vậy, chỉ có những người sản xuất giỏi, có quy mô sản xuất đủ lớn mới có thể cạnh tranh với thị trường. Chính Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Diệp Kỉnh Tần cũng từng nói trước hơn 200 đại biểu trong một cuộc hội thảo rằng, khó khăn lớn nhất và cơ bản nhất của nông nghiệp nước ta là sản xuất phân tán, quy mô nhỏ lại chia thành nhiều mảnh, khó tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung.

Trong khi chuyện cho tích tụ hay không cho tích tụ ruộng đất vẫn đang được suy nghĩ tiếp, giới chuyên gia am hiểu chuyện nông nghiệp, nông thôn và nông dân hơn một lần khuyến nghị, về nguyên tắc, đất đai, phải được quyền sử dụng lâu dài, ổn định thì người được giao đất mới đầu tư, phát triển sản xuất, ngành nào cũng thế. Muốn đào ao nuôi cá, cải tạo đất chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thì phải đầu tư, và phải ổn định thì họ mới yên tâm đầu tư. Cũng có người nêu vấn đề nới rộng hạn điền gấp 4 lần hiện nay.

Bởi vì, “tại sao chúng ta giao đất cho các DN sản xuất công nghiệp, dịch vụ, giao cho người nước ngoài đến 50 năm, 90 năm, thì tại sao không giao đất lâu dài cho nông dân sản xuất trên mảnh đất của họ?” cựu Bộ trưởng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ chia sẻ với báo Tuổi Trẻ.

Đây quả là một câu hỏi thấm thía cần các nhà làm chính sách sớm trả lời.

 Theo tuanvietnam.net

Comments are closed.