WHO kiến nghị phạt tù lái xe có nồng độ cồn trong máu cao

Sau nhiều cơ quan, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã chính thức kiến nghị hình sự hóa hành vi lái xe khi có nồng độ cồn trong máu quá cao.
Theo tin tức báo An ninh Thủ đô, sáng 8/5, tại Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức tổng kết việc thực hiện Kế hoạch số 356/KH-UBATGTQG về kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia giai đoạn cuối năm 2014 và Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
Theo đó, trong 4 tháng đầu năm 2015, cả nước đã xảy ra gần 7.600 vụ TNGT, làm chết hơn 3.000 người và hơn 7.000 người bị thương. Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia chiếm tới 6,87%. Chỉ trong 6 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, cả nước đã có 167 người chết vì TNGT và vào dịp nghỉ lễ, Tết, tỷ lệ vi phạm giao thông có liên quan đến rượu bia tăng cao hơn.
Trong đợt cao điểm xử lý tình trạng uống rượu bia tham gia giao thông (từ 15/12/2014 đến nay) lực lượng CSGT cả nước đã lập biên bản hơn 35.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, trong đó chủ yếu là người điều khiển xe mô tô chiếm tới 93,2%. Đã tước GPLX hơn 35.000 trường hợp, tạm giữ gần 2.400 xe ô tô, gần 33.000 xe mô tô, xử phạt 110 tỷ đồng.
Thông qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT đã phát hiện bắt giữa 154 tội phạm, trong đó 2 đối tượng truy nã; 9 đối tượng tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng; 12 đối tượng mua bán, vận chuyển vật liệu nổi trái phép; 18 đối tượng tàng trữ, vận chuyển sử dụng trái phép chất ma túy… thu 200 bánh heroin, 6 khẩu súng, 150kg thuốc nổ…; phát hiện 197 vụ vận chuyển hàng cấm, hàng trốn thuế…
Ông Nguyễn Phương Nam, đại diện WHO tại Việt Nam cho hay, báo cáo toàn cầu về đồ uống có cồn và sức khỏe của WHO năm 2014 cho thấy, TNGT có liên quan đến rượu bia chiếm tới 36,2% ở nam giới và chỉ 0,7% ở nữ giới.
Nghiên cứu của WHO từ 2010 đến nay ở Việt Nam trên hơn 18.000 nạn nhân TNGT nhập viện, 36% người điều khiển mô tô có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép (50mg/100ml) và gần 67% người điều khiển ô tô có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép (0mg/100ml).
Đáng nói, chếm đến 59% nạn nhân trong độ tuổi từ 15-29 tuổi và 24% trong độ tuổi 30-44… “Những vụ TNGT liên quan đến rượu bia phần lớn là TNGT nghiêm trọng, 68% nạn nhân có thời gian sống dưới 30 phút sau tai nạn xảy ra”, ông Nguyễn Phương Nam cho hay.
Cũng nghiên cứu của WHO cho thấy, Việt Nam đang là quốc gia tiêu thụ đồ uống có cồn ở mức cao nhất thế giới. Thiệt hại do TNGT liên quan tới rượu bia ở Việt Nam lên tới trên 36%, ước tính 1,2 tỷ USD. Việt Nam là quốc gia tiêu thụ đồ uống có cồn đứng thứ 3 thế giới. Đối tượng sử dụng rượu bia rất trẻ, chủ yếu từ 15-44 tuổi.
Với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, WHO cảnh báo, nếu không có sự kiểm soát tốt thì từ nay đến năm 2020, số nạn nhân thiệt mạng vì TNGT còn gia tăng mạnh.
Theo báo Vietnamnet, tại Hội nghị, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: Theo báo cáo của lực lượng thực thi nhiệm vụ trên cả nước thì chỉ có 6,8% số người điều khiển phương tiện uống rượu bia gây ra TNGT. Tuy nhiên, theo thống kê của WHO, TNGT do rượu bia ở Việt Nam chiếm hơn 36%.
Theo ông Hùng, đây là con số đáng báo động, nếu không làm cao điểm như thời gian qua, chắc chắn thiệt hại TNGT liên quan đến sử dụng bia rượu còn lớn hơn rất nhiều.
Đại tá Nguyễn Hữu Dánh – Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cũng nêu rõ những tồn tại trong quá trình kiểm soát rượu bia, nhất là thói quen sử dụng loại uống có cồn của người dân còn nhiều, nhất là trong các ngày nghỉ lễ, Tết.
Thêm vào đó, ý thức chấp hành Luật Giao thông của một số bộ phận còn kém, đặc biệt trên các tuyến đường huyện, liên tỉnh.
“Một số người vi phạm khi bị kiểm tra có hành vi chống đối hoặc có thái độ không hợp tác, đối phó trong việc đo nồng độ cồn…”, Đại tá Dánh nêu thực tế.
Để kiểm soát tốt vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, đại diện WHO tại Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần có hệ thống chính sách và pháp luật đầy đủ, thống nhất quy định xử phạt nồng độ cồn đối với ôtô và xe máy là 30mg/dl.
“Các cơ quan cần nghiên cứu tăng nặng. Hình thức phạt tù đối với lái xe có nồng độ cồn trong máu cao trên 80mg/dl là điều khá cần thiết”, ông Nam đề xuất thêm.
Đồng tình với việc cần tăng nặng mức xử phạt người sử dụng nồng độ cồn, tuy nhiên, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, cần phải cân nhắc hình sự hóa với một số hành vi để thận trọng hơn, tránh tình trạng đánh đồng tất cả.
Trong khi đó, Đại tá Lưu Thiện Tuấn -Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai cho hay, Bộ Tài chính nên đưa sản xuất rượu bia của các doanh nghiệp vào thuế tiêu thụ đặc biệt. Ngoài ra, cần phải quản lý với các cửa hàng kinh doanh buôn bán rượu bia, chỉ cho phép bán số lượng như thế nào? ở mức độ nào? bán tới mấy giờ?
Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cần đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị địa phương mở rộng mạng lưới cơ sở kiểm tra nồng độ cồn, tạo điều kiện thuận lợi cho công an phối hợp; tiếp tục nhân rộng mô hình “Điểm kinh doanh bia, rượu an toàn giao thông” ở các tỉnh.
Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương huy động lực lượng phương tiện tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý nghiêm vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; tăng cường mua sắm trang thiết bị máy đo nồng độ cồn cho CSGT các địa phương, đặc biệt là ở cấp huyện…
nguồn http://www.doisongphapluat.com/

Comments are closed.