Hội thảo khoa học “Quản lý nhà nước về không gian – lý luận và thực tiễn”

Sáng ngày 24/8/2017, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp với Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) tổ chức Hội thảo “Quản lý nhà nước về không gian – Lý luận và thực tiễn”.

Tham dự Hội thảo có: PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh – Phó Giám đốc Học viện; GS.TS. Võ Chí Mỹ – Hội Trắc địa – Bản đồ – Viễn thám Việt Nam; GS.TSKH. Phạm Hoàng Hải – Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và nhiều đại biểu đến từ Khoa Địa lý (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), Viện Cơ học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cùng lãnh đạo Ban Hợp tác Quốc tế; các cán bộ, giảng viên của Khoa Quản lý nhà nước (QLNN) về đô thị và nông thôn và các sinh viên chuyên ngành.

TS. Nguyễn Việt Hùng – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm nghiên cứu phát triển Định cư và Môi trường –Khoa QLNN về Đô thị và Nông thôn giới thiệu đại biểu

TS. Nguyễn Việt Hùng – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm nghiên cứu phát triển Định cư và Môi trường –Khoa QLNN về Đô thị và Nông thôn giới thiệu đại biểu

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh nhấn mạnh: trong giai đoạn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, nhiều vấn đề mới, phức tạp đang đặt ra, đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước. Một trong số những vấn đề đó chính là QLNN về không gian. Chủ đề này có ý nghĩa cả về phương diện lý luận và thực tiễn, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử và nghiên cứu, triển khai xây dựng đô thị thông minh. Phó Giám đốc Học viện mong muốn, thông qua Hội thảo, các đại biểu sẽ tích cực trao đổi để đưa ra các luận cứ khoa học và đề xuất các giải pháp cho việc nâng cao hiệu quả QLNN về không gian ở Việt Nam. Đây cũng là nội dung hữu ích giúp giảng viên của Học viện có điều kiện tiếp cận và nâng cao năng lực trong nghiên cứu, giảng dạy về quy hoạch, quản lý không gian ở các lĩnh vực liên quan tới đô thị và nông thôn.

PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh – Phó Giám đốc Học viện phát biểu đề dẫn Hội thảo

PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh – Phó Giám đốc Học viện phát biểu đề dẫn Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận, như: “Giải pháp xây dựng hệ thống thông tin thích hợp quản lý đô thị thông minh” của TS. Nguyễn Mạnh Hùng (Học viện Quản lý giáo dục); “Sử dụng dữ liệu mở trong nghiên cứu ứng phó với lũ lụt nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội” của TS. Bùi Quang Thành và NCS. Hoàng Tuấn Anh (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội); “Tích hợp GIS và viễn thám xác định nguy cơ lũ quét lưu vực sông Năng, tỉnh Bắc Kạn” của TS. Lê Như Ngà (Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam),…

GS.TS. Võ Chí Mỹ – Hội Trắc địa – Bản đồ – Viễn thám Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

GS.TS. Võ Chí Mỹ – Hội Trắc địa – Bản đồ – Viễn thám Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

TS. Lê Như Ngà – Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo

TS. Lê Như Ngà – Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo

Thông qua các tham luận được trình bày, các đại biểu đã tích cực trao đổi và làm rõ nhiều vấn đề có liên quan đến tầm quan trọng, tính cấp thiết và một số nội dung của QLNN về không gian. Nhìn chung, các đại biểu đều cho rằng, đây là vấn đề lớn, phức tạp nên đòi hỏi trước hết phải xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, chi tiết và bảo đảm tính quy chuẩn, đồng bộ và chính xác hóa. Bên cạnh đó, cần tuân thủ các nguyên tắc chung cũng như các cơ sở pháp lý trong quy hoạch quản lý tổng thể và quản lý theo ngành, lãnh thổ…

GS.TSKH. Phạm Hoàng Hải – Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trao đổi tại Hội thảo

GS.TSKH. Phạm Hoàng Hải – Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trao đổi tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu còn chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng cơ sở dữ liệu cho khu vực Tây Nguyên và nghiên cứu xây dựng mô hình tích hợp viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) nhằm xác định nguy cơ tai biến lũ quét lưu vực sông Năng, tỉnh Bắc Kạn.

Hội thảo khoa học “Quản lý nhà nước về không gian – lý luận và thực tiễn” còn có ý nghĩa thúc đẩy hợp tác trao đổi học thuật và chia sẻ kinh nghiệm quản lý quy hoạch không gian giữa các viện, các trường đại học của Cộng hòa Liên bang Đức với Học viện.

Các đại biểu và cán bộ, giảng viên Khoa QLNN về Đô thị và Nông thôn cùng các sinh viên chuyên ngành

Các đại biểu và cán bộ, giảng viên Khoa QLNN về Đô thị và Nông thôn cùng các sinh viên chuyên ngành

DAAD là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập từ năm 1925 bởi các trường đại học ở Cộng hòa Liên bang Đức với mục đích hỗ trợ và tài trợ các chương trình trao đổi hàn lâm giữa các trường đại học ở quốc gia này với các trường đại học quốc tế trên các lĩnh vực liên quan đến khoa học, nghiên cứu, ngôn ngữ và giảng dạy.

DAAD có quá trình hợp tác và trao đổi học thuật với Học viện từ năm 2010. Trước đó, hai bên đã phối hợp tổ chức thành công 3 hội thảo với chủ đề “QLNN về tài nguyên và môi trường – lý luận và thực tiễn” (2014); “QLNN về định cư và biến đổi khí hậu – thực trạng và giải pháp” (2015); “Quản lý tổng hợp bờ biển định hướng mục tiêu phát triển bền vững” (2016).

Đoàn Kim Huy

 

Comments are closed.