Tọa đàm: “Thiết kế chương trình bồi dưỡng Thứ trưởng và tương đương”

Ngày 15/5/2019, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Tọa đàm “Thiết kế chương trình bồi dưỡng Thứ trưởng và tương đương”. PGS.TS. Lương Thanh Cường – Phó Giám đốc Học viện chủ trì Tọa đàm. TS. Jay Wysocki – Cố vấn nghiên cứu sáng kiến Việt Nam, Đại học Indiana (Hoa Kỳ); TS. Moktar Lamari – Giám đốc Trung tâm Phân tích và đánh giá chính sách, Trường Hành chính Quốc gia Québec (Ca-na-đa) cùng các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên một số khoa chuyên môn thuộc Học viện cùng tham dự.

Quang cảnh Tọa đàm

Quang cảnh Tọa đàm

Mở đầu Tọa đàm, PGS.TS. Lương Thanh Cường cho biết, Học viện hiện được các cấp có thẩm quyền giao biên soạn chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý dành cho công chức giữ chức vụ thứ trưởng và tương đương. Đây là nhiệm vụ quan trọng song cũng hết sức khó khăn đối với Học viện. Bởi lẽ, đội ngũ thứ trưởng và công chức được quy hoạch để bổ nhiệm vào vị trí này là những công chức cao cấp, họ là những người có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm trong quản lý nhà nước (QLNN) và đã từng được bồi dưỡng qua nhiều khóa về chuyên môn, kỹ năng và quốc phòng, an ninh… Hơn nữa, các thứ trưởng lại có những lĩnh vực công tác không giống nhau. Do vậy, vấn đề đặt ra là với thời lượng ngắn (khoảng 2 tuần), làm thế nào để thiết kế được chương trình bồi dưỡng chung trang bị được những kiến thức, kỹ năng thực sự cần thiết, không bị trùng lắp với những chương trình bồi dưỡng khác mà vẫn bảo đảm nâng cao năng lực cho đội ngũ này.

PGS.TS. Lương Thanh Cường – Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại Tọa đàm

PGS.TS. Lương Thanh Cường – Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại Tọa đàm

PGS.TS. Lương Thanh Cường mong muốn, thông qua Tọa đàm, các chuyên gia và các đại biểu tham dự tích cực trao đổi, đưa ra những gợi ý về phương thức, cách thức xây dựng chương trình cũng như nội dung cụ thể của chương trình để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng học viên cao cấp này. Qua đó, giúp họ thực hiện tốt công tác tham mưu cho bộ trưởng về các ngành, lĩnh vực và giúp Bộ trưởng QLNN đối với một số lĩnh vực được phân công.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia của Hoa Kỳ và Ca-na-đa giới thiệu những kinh nghiệm trong việc thiết kế các chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý, trong đó có chương trình bồi dưỡng cấp thứ trưởng của Hoa Kỳ và Ca-na-đa.

TS. Moktar Lamari – người có nhiều kinh nghiệm làm việc trong các cơ quan chính phủ cũng như làm công tác nghiên cứu tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo ở Ca-na-đa, cho rằng: Thứ trưởng là những người từng kinh qua nhiều vị trí với nhiều kinh nghiệm dày dặn, họ cũng được coi là những người đóng vai trò kết nối giới chính khách và bộ máy hành chính. Do vậy, kiến thức và kỹ năng đòi hỏi với đội ngũ này cũng rất cao và đa dạng, trong đó trước hết họ phải hiểu rõ bản chất, mục tiêu hoạt động của khu vực công; những nguyên tắc, nhiệm vụ mà khu vực công phải thực hiện. Đồng thời, có năng lực sử dụng hiệu quả nguồn lực của tổ chức; có khả năng kết nối và điều phối các bộ phận thuộc quyền để hoàn thành nhiệm vụ. Và, đặc biệt, họ phải biết cách sử dụng tối ưu hóa nguồn ngân sách thuộc thẩm quyền được giao. Trong chương trình bồi dưỡng cấp thứ trưởng ở Ca-na-đa, thường có từ 6 – 7 chuyên đề về quản lý ngân sách.

TS. Moktar Lamari – Giám đốc Trung tâm Phân tích và đánh giá chính sách, Trường Hành chính Quốc gia Québec (Ca-na-đa) chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chương trình bồi dưỡng cấp thứ trưởng ở Ca-na-đa

TS. Moktar Lamari – Giám đốc Trung tâm Phân tích và đánh giá chính sách, Trường Hành chính Quốc gia Québec (Ca-na-đa) chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chương trình bồi dưỡng cấp thứ trưởng ở Ca-na-đa

Ngoài ra, họ cũng cần được bồi dưỡng kiến thức liên quan đến: quản lý khủng hoảng, đổi mới chính phủ, quản lý ngân sách, quản lý sự thay đổi, quản lý chất lượng thực thi công vụ; các công cụ mà nhà lãnh đạo cần nắm được để thực thi hiệu quả công việc của mình; hoạch định, thực thi và đánh giá tác động chính sách; tổ chức chính phủ và phi chính phủ nhằm làm rõ mối tương tác giữa hai khối này, quản lý sự phát triển bền vững; tư duy chiến lược và tạo mối liên hệ liên minh để thực hiện chiến lược đó; hỗ trợ, tạo động lực làm việc đối với cấp dưới và kỹ năng giao tiếp tự tin, tôn trọng người khác,…

PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải – Trưởng Khoa Khoa học Hành chính và Tổ chức nhân sự trao đổi ý kiến tại Tọa đàm

PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải – Trưởng Khoa Khoa học Hành chính và Tổ chức nhân sự trao đổi ý kiến tại Tọa đàm

Về cách thức thiết kế chương trình bồi dưỡng thứ trưởng, TS. Moktar Lamari chia sẻ: ở Ca-na-đa, Trường Hành chính Quốc gia (ENAP) có mối quan hệ rất gần gũi và là cơ sở thường xuyên cung cấp các chương trình bồi dưỡng cho Chính phủ Ca-na-đa. Khi Chính phủ Ca-na-đa cần một chương trình bồi dưỡng nào đó, Chính phủ sẽ liên hệ với ENAP để cùng trao đổi và thiết kế chương trình, sau đó ENAP sẽ tổ chức các hội thảo, tọa đàm để trao đổi rõ hơn và thu thập các yêu cầu cụ thể để thiết kế các chương trình bồi dưỡng tương ứng. Sau đó, tiến hành tổ chức thí điểm khoảng 3 – 4 khóa và rút kinh nghiệm để hoàn thiện chương trình trước khi tiến hành tổ chức ở quy mô rộng rãi. Ông cũng cho biết thêm, Québec quy định dành 1% ngân sách cho đào tạo, bồi dưỡng công chức, đồng thời quy định một trong những điều kiện để được thăng chức đối với công chức là phải trải qua các khóa bồi dưỡng ở ENAP.

Để thiết kế chương trình bồi dưỡng, theo TS. Moktar Lamari, cần thu thập 3 nguồn tri thức chủ yếu: (1) Thực tiễn tốt của quốc tế để đưa vào chương trình bồi dưỡng này thông qua các nhóm chuyên gia thu thập kinh nghiệm tốt của các quốc gia trên thế giới; (2) Định hướng chính trị của Chính phủ (yêu cầu công chức lãnh đạo cần phải có các kỹ năng đó và cần phải được bồi dưỡng qua các chương trình đó); (3) Xác định các vấn đề mà Chính phủ đang gặp phải (thông qua các công chức cấp thực thi chính sách bằng phiếu điều tra, khảo sát để nhận diện chính xác vấn đề), đây cũng là cơ sở để lựa chọn các ưu tiên trong chương trình bồi dưỡng.

TS. Jay Wysocki – Cố vấn nghiên cứu sáng kiến Việt Nam, Đại học Indiana (Hoa Kỳ) chia sẻ kinh nghiệm về cách thức thiết kế chương trình bồi dưỡng thứ trưởng

TS. Jay Wysocki – Cố vấn nghiên cứu sáng kiến Việt Nam, Đại học Indiana (Hoa Kỳ) chia sẻ kinh nghiệm về cách thức thiết kế chương trình bồi dưỡng thứ trưởng

TS. Jay Wysocki – Cố vấn nghiên cứu sáng kiến Việt Nam, Đại học Indiana (Hoa Kỳ) – người từng có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế các chương trình bồi dưỡng năng lực cho cán bộ, công chức ở Việt Nam với tư cách là chuyên gia của Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP), nhấn mạnh: chính người Việt Nam mới là những người hiểu rõ nhất về bối cảnh thực tiễn ở Việt Nam nên sẽ là những người đưa ra nhiều ý tưởng thực tế nhất về các chương trình bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng học viên, còn các chuyên gia quốc tế chỉ nên là những người chia sẻ các kinh nghiệm của các quốc gia khác trong quá trình thiết kế các chương trình bồi dưỡng. Từ quan điểm đó, ông đề xuất thành lập nhóm nghiên cứu để tiến hành nghiên cứu, khảo sát về những nội dung của chương trình thứ trưởng và mời các thứ trưởng đến để cùng phân tích các vấn đề mà họ đang gặp phải. Có như vậy, chương trình bồi dưỡng mới bảo đảm tính thiết thực.

Để chương trình được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực và lâu dài, việc đánh giá hiệu quả đầu ra của các chương trình bồi dưỡng cũng được các chuyên gia quan tâm chia sẻ. Theo đó, ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng công chức nước ngoài cũng có thiết kế Phiếu đánh giá gồm một hệ thống các câu hỏi đánh giá toàn diện về quá trình học tập, chất lượng giảng viên, nội dung chương trình tài liệu,… theo 4 mức độ hài lòng của học viên. Ở ENAP, việc đánh giá hiệu quả đối với học viên sau khi kết thúc khóa bồi dưỡng thường được đánh giá thông qua giải quyết các tình huống cụ thể. Nhìn chung, các chuyên gia và các đại biểu cũng cho rằng, để tránh tính hình thức trong đánh giá, cần thắt chặt hơn nữa quy trình và nội dung đánh giá với các tiêu chí cụ thể.

Kết luận Tọa đàm, PGS.TS. Lương Thanh Cường đánh giá cao các ý kiến góp ý và trao đổi của các chuyên gia và các đại biểu tại Tọa đàm. Phó Giám đốc Học viện khẳng định, các ý kiến trao đổi tại Tọa đàm đã gợi mở nhiều ý tưởng về cách thức thiết kế chương trình, cách thức tổ chức lớp học và những nội dung bồi dưỡng cũng như cách xác định chiến lược và chiến thuật để đạt được mục tiêu trong quá trình xây dựng chương trình bồi dưỡng thứ trưởng và tương đương. Đây là những gợi ý quan trọng để Học viện thiết kế và xây dựng chương trình bồi dưỡng công chức cấp cao này. PGS.TS. Lương Thanh Cường đề nghị Ban Hợp tác quốc tế tiếp tục giữ mối liên hệ thường xuyên và tiếp nhận các ý kiến góp ý của các chuyên gia cho chương trình này cũng như các chương trình bồi dưỡng khác của Học viện trong tương lai.

TS. Moktar Lamari – Giám đốc Trung tâm Phân tích và đánh giá chính sách, Trường Hành chính Quốc gia Québec (Ca-na-đa) chia sẻ về phương pháp xây dựng tình huống trong bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý

TS. Moktar Lamari – Giám đốc Trung tâm Phân tích và đánh giá chính sách, Trường Hành chính Quốc gia Québec (Ca-na-đa) chia sẻ về phương pháp xây dựng tình huống trong bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý

Chiều cùng ngày, Học viện tổ chức Hội thảo: “Xây dựng tình huống trong bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý” với sự tham gia chia sẻ về ý tưởng và phương pháp của các chuyên gia Hoa Kỳ và Ca-na-đa đối với cán bộ, giảng viên Học viện. Đây cũng là nội dung hữu ích trong điều kiện Học viện đang được các cấp có thẩm quyền giao biên soạn Tài liệu: Tình huống quản lý dành cho các chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý.

Các đại biểu dự Tọa đàm

Các đại biểu dự Tọa đàm

Đoàn Kim Huy

Comments are closed.