TIN NGHIÊN CỨU SINH BẢO VỆ THÀNH CÔNG LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH CÔNG (tháng 5/2016)

Ngày 16 tháng 5 năm 2016, tại Học viện Hành chính Quốc gia, nghiên cứu sinh Phan Thị Mỹ Hạnh đã bảo thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Quản lý Hành chính công, mã số 62 34 82 01, với kết quả 7/7 phiếu Đạt. NCS Phan Thị Mỹ Hạnh hoàn thành luận án với đề tài “Quản lý nhà nước về công tác phòng, chống ma túy ở Việt Nam” dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Vũ Trọng Hách và TS Vũ Quang Vinh.

Luận án của NCS Phan Thị Mỹ Hạnh có một số điểm mới như sau:

Một là, luận án quan niệm quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy là hoạt động chấp hành và điều hành của các cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức xã hội do Nhà nước ủy quyền, được tiến hành trên cơ sở pháp luật, để thi hành pháp luật nhằm thực hiện các chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy là một nhiệm vụ trọng yếu trong quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội.

Hai là, luận án đưa ra 7 tiêu chí để đánh giá hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy bao gồm: (i) tiêu chí về thể chế phòng chống, ma túy; (ii) tiêu chí về tổ chức bộ máy phòng, chống ma túy; (iii) tiêu chí về năng lực cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy; (iv) tiêu chí về hoạt động phòng, chống ma túy; (v) tiêu chí về nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống ma túy; (vi) tiêu chí về hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy; (vii) tiêu chí về kết quả phòng, chống ma túy.

Ba là, luận án đánh giá hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy qua 7 lĩnh vực: (i) Xây dựng các chủ trương, chiến lược phòng, chống ma túy; (ii) Hệ thống các văn bản qui phạm pháp luật; (iii) Tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực làm công tác phòng, chống ma túy; (iv) Cai nghiện và quản lý sau cai; (v) Tổ chức đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy; (vi) Tuyên truyền giáo dục về phòng, chống ma túy; (vii) Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.

Bốn là, luận án đúc kết kinh nghiệm quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy của các quốc gia trong khu vực Châu Á có thể áp dụng vào Việt Nam, bao gồm: (i) Các kinh nghiệm của Thái Lan (kinh nghiệm tổ chức cơ quan phòng, chống ma túy; kinh nghiệm hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; kinh nghiệm xóa bỏ và phát triển thay thế cây có chất ma túy; kinh nghiệm cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện; kinh nghiệm đấu tranh chống tội phạm ma túy); (ii)  Các kinh nghiệm của Trung Quốc (kinh nghiệm hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; kinh nghiệm về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện).

Năm là, luận án đã đề xuất hệ thống giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, bao gồm: (i) Hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; (ii) Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy từ Trung ương tới địa phương; (iii) Phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống cơ quan thông tin, truyền thông và tổ chức chính trị – xã hội các cấp đối với công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy; (iv) Đào tạo nguồn lực phòng, chống ma túy; (v)Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện; (vi) Xóa bỏ và thay thế cây có chứa chất ma túy; (vii) Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.

 

 (Nguồn: khoa Sau đại học)

 

Comments are closed.