Khoa Quản lý Kinh tế – Xã hội, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức thành công Tọa đàm khoa học với chủ đề: “Giải pháp chính sách nhằm thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam”

Sáng ngày 29 tháng 9 năm 2023, tại phòng A 206, Khoa Quản lý Kinh tế – Xã hội, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thành công Tọa đàm khoa học: “Giải pháp chính sách nhằm thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam”. Buổi Tọa đàm không chỉ là diễn đàn để giảng viên, các nhà khoa học trong và  ngoài Phân viện có thể trao đổi, thảo luận về nội dung có liên quan, mà còn là  nguồn tư liệu quý giá cho giảng viên của Khoa có thể cập nhật thông tin phục  vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, gắn lý thuyết với thực tiễn.

Tham dự Tọa đàm có TS. Đào Đăng Kiên, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh; TS. Mai Đình Lâm – Trưởng khoa, Khoa Quản lý kinh tế – Xã hội; TS. Nguyễn Thị Phương – Nguyên Phó Giám đốc Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh; TS. Phan Ánh Hè, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh; Ths. GVC. Nguyễn Chi Mai, Phó Trưởng khoa, Khoa Quản lý kinh tế – Xã hội; TS. Nguyễn Thị Hồng Duyên, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh; TS. Phạm Thị Thúy, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh; cùng đông đảo giảng viên, các nhà khoa học của các khoa chuyên môn trong và ngoài Phân viện. Với 31 bài tham luận được in trong kỷ yếu Tọa đàm, Ban tổ chức đã sắp xếp theo ba nội dung chính: (1) Một số vấn đề về dân số tại Việt Nam hiện nay, những tác động của già hóa dân số đối với kinh tế, văn hóa – xã hội;(2) Các chính sách tài chính, kinh tế, an sinh xã hội; 3) Một số giải pháp chính sách nhằm thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay.

Phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm, Ths. GVC. Nguyễn Chi Mai – Phó Trưởng khoa, Khoa Quản lý Kinh tế – Xã hội cho rằng “Tình trạng lão hóa dân số xảy ra khắp thế giới. Tại một số nước đang có nền kinh tế phát triển, dân số già đang dần bị lão hóa và tăng cao. Tuy nhiên, cũng có thể thấy ở một số nước có nền kinh tế kém phát triển hơn. Có thể thấy, hiện tượng này diễn ra sớm nhất ở các nước có trình độ phát triển cao nhất, nhưng nay lại  tăng nhanh hơn ở các vùng ít phát triển hơn, nghĩa là lượng người cao tuổi sẽ tập trung cao ở các vùng ít phát triển hơn trên  thế giới”.

 11

Ths. GVC. Nguyễn Chi Mai Phó Trưởng khoa, Khoa Quản lý kinh tế – Xã hội phát biểu đề dẫn tại buổi Tọa đàm

Trong bài tham luận “Già hóa dân số ở Việt Nam – Đặc điểm thách thức và hàm ý chính sách”, TS. Phan Ánh Hè, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh chỉ ra: “Già hóa dân số là xu hướng chuyển dịch cấu dân số theo hướng tăng tỷ trọng dân số già, được thể hiện qua chỉ số già hóa. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số khá nhanh đã và đang tạo ra những thách thức không nhỏ đến ổn định và phát triển kinh tế – xã hội”.

22

TS. Phan Ánh Hè, Trưởng khoa, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Đào Đăng Kiên, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh, trong bài tham luận “Chính sách dân số già hiện nay ở Việt Nam” cho rằng: “Dân số già là tất yếu khách quan theo qui luật, có nhiều hệ luỵ và những tác động đến chính sách của mỗi quốc gia nói chung và đối với Việt Nam nói riêng, nhận thức về dân số già, thực trạng cũng như các chính sách tác động để có những đối sách đối với dân số già và đề xuất các giải pháp đối mặt với già hoá dân số hiện nay ở nước ta tầm nhìn đến năm 2069 nhằm khai thác hiệu quả nguồn nhân lực người già và hạn chế những hệ luỵ của nó đối với chính sách phát triển kinh tế xã hội và các chính sách của đảng và nhà nước”.

33

TS. Đào Đăng Kiên, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh phát biểu tham luận

Trong bài tham luận “Già hóa dân số ở Việt Nam – Xu hướng thích ứng và các  chính sách”, TS. Trần Thị Anh Thư  – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM đưa ra cách tiếp cận mới “Thông qua phân tích dữ liệu dân số  và nội dung chính sách hiện hành liên quan đến người cao tuổi, bài viết đã trình bày các đặc trưng cơ bản cùng những thách thức của sự già hóa dân số ở Việt Nam và những hạn chế về chính sách. Việc thích ứng với sự già hóa dân số được nhận diện là một nhiệm vụ cấp bách với những thách thức về kinh tế, an sinh xã hội, tài chính, cấu trúc gia đình, và mô hình bệnh tật, đồng thời đòi hỏi điều chỉnh thích ứng của chính sách. Bài viết cũng đưa ra một số đề xuất, bao gồm nghiên cứu về nhu cầu và khả năng thích ứng của người cao tuổi, coi họ là một phần quan trọng của lực lượng xã hội có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển, cần mở rộng cách tiếp cận phát huy vai trò người cao tuổi dựa vào cộng đồng, và học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế. Đối với Việt Nam, sự già hóa dân số không chỉ là một thách thức mà còn là cơ hội  để thúc đẩy phát triển xã hội thông qua sự tham gia và đóng góp của người cao tuổi”.

 44

TS. Trần Thị Anh Thư - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM trình bày tham luận

Từ thực tiễn phong phú thích ứng với già hóa dân số tại Trung Quốc, TS. Nguyễn Thị Phương trình bày trong bài tham luận “Kinh nghiệm thích ứng với già hóa dân số là một chủ đề quan trọng đối với nhiều quốc gia trên thế giới, và nó có giá trị quan trọng trong bối cảnh Việt Nam  đang trải qua sự gia tăng nhanh chóng của dân số già hóa. Trung Quốc, một trong những nước phát triển hàng đầu, đã thành công trong việc thích ứng với già hóa dân số bằng cách đầu tư vào chăm sóc sức khỏe và hệ thống chăm sóc dài hạn. Họ đã xây dựng các mô hình chăm sóc người cao tuổi hiệu quả và quản lý tài chính để đảm bảo   sự ổn định cho người già”.

55

TS. Nguyễn Thị Phương trình bày tham luận

Tọa đàm với nhiều nội dung phong phú đã nhận được sự trao đổi và chia sẻ tích cực từ phía giảng viên, nhà khoa học cũng như lãnh đạo Phân viện. Kết luận Tọa đàm TS. Mai Đình Lâm – Trưởng Khoa Khoa Quản lý kinh tế – Xã hội, đồng chủ trì tọa đàm gửi lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Phân viện, các nhà khoa học, đại biểu tham dự tọa đàm, đồng thời, đề xuất nhóm nghiên cứu chỉnh sửa, biên tập nội dung tài liệu tọa đàm và gợi ý những nội dung để cho những lần tọa đàm sau tiếp tục thành công tốt đẹp.

66

TS. Mai Đình Lâm – Trưởng khoa, Khoa Quản lý Kinh tế – Xã hội phát biểu kết luận

Tin bài: Phòng Quản lý Khoa học và Thư viện – Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP.HCM

Comments are closed.