Bà Tám HCS: “không nhồi nhét khối kiến thức khổng lồ vào đầu sinh viên với tư cách là người truyền đạt”

Là một cựu sinh viên khóa 8 của Học viện Hành chính Quốc gia cơ sở TP. Hồ Chí Minh (HCS), thầy Lê Đức Hiền đã quá quen thuộc với các bạn sinh viên HCS. Không chỉ là một thầy giáo, thầy Hiền còn là một người anh vô cùng gần gũi với các bạn sinh viên bởi sự gắn bó, thân thiện và rất hiểu trò của mình. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà ở HCS anh lại có biệt danh “Bà Tám”. Chúng ta hãy cùng lắng nghe một vài dòng tâm sự hết sức chân thực của “Bà Tám” nhé.

Lý lịch trích ngang:

Họ và tên: Lê Đức Hiền

Nghề nghiệp: Giảng viên

Chuyên ngành giảng dạy: Bộ môn Văn bản và Công nghệ hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia cơ sở TP. Hồ Chí Minh

Thời gian công tác tại Học viện: Từ 2012 đến nay

Sở thích: Đọc sách, ngồi thiền

Quan điểm sống: Không có gì là không thể 

3

“Bà Tám” của cơ sở TP.HCM

PV: Thầy có thể giới thiệu về công tác giảng dạy của thầy được không ạ?

Thầy Lê Đức Hiền: Mình về Học viện công tác đến nay cũng đã được hơn 04 năm, lúc mới về, năm đầu tiên thì được TS. Hà Quang Thanh – Bí thư Đảng ủy bộ phận, Thường trực cơ sở TP. Hồ Chí Minh và TS. Nguyễn Thị Thủy – Nguyên Phó Trưởng Bộ môn dìu dắt, giúp đỡ và phân công nghiên cứu chuyên sâu hai môn học: Thủ tục hành chính và Hành chính văn phòng trong cơ quan nhà nước. Đây là 02 môn học cơ sở ngành và được giảng dạy trong năm 3 Đại học, nếu như môn Thủ tục hành chính là môn mà tất cả các chuyên ngành đều phải học thì môn Hành chính văn phòng trong cơ quan nhà nước chỉ có 03 chuyên ngành: Quản lý công, QLNN về xã hội và Chính sách công là được học.

Sang giữa năm 2013 thì mình được đứng lớp giảng dạy, tuy nhiên chỉ giảng dạy có môn Hành chính văn phòng trong cơ quan nhà nước, còn môn Thủ tục hành chính thì mới được đưa trở lại vào chương trình học nên cũng phải đến giữa năm 2014 mình mới chính thức giảng dạy môn này. Mình thấy đây là 02 môn học hay và có ý nghĩa nhất định, đặc biệt là môn Thủ tục hành chính, mình rất thích giảng môn này vì từ lý luận đến thực tiễn cho bài giảng rất phong phú và sinh động, cũng chính nhờ đó mà bài giảng của mình cũng trở nên lôi cuốn hơn. 

2

Thầy Hiền hiện là giảng viên Bộ môn Văn bản và Công nghệ hành chính cơ sở TP.HCM

PV: Thầy có thể bật mí thêm về nickname “Tám Hiền” mà các bạn sinh viên HCS đặt cho thầy được không?

Thầy Lê Đức Hiền: Thực ra thì cái nickname này không phải do các bạn sinh viên HCS đặt cho mình mà nó được anh Trần Hoàng Phong – Nguyên Bí thư Đoàn Học viện Hành chính Quốc gia cơ sở TP. Hồ Chí Minh (hiện tại là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang) đặt cho vào khoảng vào tháng 09/2009.

Câu chuyện về sự ra đời của cái nickname cũng là một kỷ niệm trong thời sinh viên khi mình tham gia công tác Đoàn – Hội. Vào khoảng thời gian trên mình được bổ nhiệm làm Trưởng ban Ban Tổ chức – Xây dựng Đoàn của Đoàn Học viện Hành chính Quốc gia cơ sở TP. Hồ Chí Minh, vì yêu cầu nhiệm vụ của Ban là nắm vững về công tác đoàn viên, đoàn vụ, xây dựng Đoàn về tư tưởng chính trị… nên mình tập trung nhớ hầu như bất cứ vấn đề gì liên quan đến một cá nhân đoàn viên cụ thể nào đó (từ tên, tuổi, lớp, nơi trọ đến cả chuyện tình cảm…), và khi họp Ban Chấp hành hay bất cứ cuộc họp nào cần thông tin về đoàn viên nào thì mình có thể nói đầy đủ thông tin về đoàn viên đó, do đó mọi người nói “sao cái gì Hiền cũng biết thế” và từ đó anh Phong đặt cho cái nickname “Tám Hiền” để chỉ cái sự biết nhiều thông tin của mình. Ngoài ra thì lúc đó trong đội ngũ cán bộ Đoàn KS8 thì mỗi người đều có nickname riêng và cũng chỉ có mỗi mình chưa có nickname, nên sẵn tiện anh Phong đặt luôn cho nó đủ bộ.

Hiện tại, trong giảng dạy thì mình có thể nhớ rõ tên, tuổi, quê quán, nơi trọ và cả nickname facebook của các bạn sinh viên, khi điểm danh thì mình cũng không cần danh sách nhiều, nên các bạn sinh viên cũng hay vui mà nói thầy đúng với cái nickname của thầy là “Tám Hiền”. Thực ra, cái nickname này cũng nhiều lần dễ gây hiểu lầm cho người khác là khi họ cứ hiểu theo nghĩa là “nhiều chuyện, nói nhiều”, hiểu như vậy là hoàn không đúng. Giờ thì mình chết danh với cái nickname này rồi (cười). 

6

Thầy là cựu sinh viên KS8, nguyên Trưởng Ban Tổ chức – Xây dựng Đoàn, Đoàn cơ sở TP.HCM

PV: Xuất thân là một sinh viên NAPA, chắc hẳn thầy rất hiểu tâm lý của sinh viên Học viện ta. Vậy trong quá trình giảng dạy, thầy có những phương thức gì giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận với bài giảng của mình không ạ?

Thầy Lê Đức Hiền: Thực tế mình thấy thì hiện nay khối lượng kiến thức mà các bạn sinh viên cần dung nạp trong một môn học là rất nhiều, cộng với sự bùng nổ của thông tin, khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão như hiện nay thì lượng kiến thức từ trong sách vở đến thực tiễn lại được nhân lên gấp bội, trở thành một khối kiến thức khổng lồ mà ngay cả giảng viên cũng chưa chắc đã bao quát hết, do đó khi giảng dạy thì mình luôn chú trọng phương châm là “không nhồi nhét khối kiến thức khổng lồ vào đầu sinh viên với tư cách là người truyền đạt”. Bên cạnh đó mình lại khuyến khích tinh thần tự học, ham học hỏi của các bạn sinh viên để có thể tiếp thu kiến thức nhiều hơn.

Để sinh viên dễ tiếp cận với bài giảng của mình thì mình thường đưa vào bài giảng những hình ảnh, video clip sinh động có nội dung liên quan đến bài giảng để các bạn sinh viên nắm rõ, nắm chắc vấn đề hơn. Ngoài ra thì mình còn tổ chức cho các bạn sinh viên tự thiết kế, tổ chức học tập, thảo luận nhóm về một số nội dung “nóng hổi” liên quan đến nội dung môn học, mục đích là nhằm phát huy sự sáng tạo của các bạn sinh viên trong nghiên cứu những vấn đề thực tế dựa trên sự định hướng của giảng viên và lý thuyết trong giáo trình. Mặt khác, trong giờ học thỉnh thoảng mình có kể một vài câu chuyện cười ngắn để không khí lớp học trở nên thoải mái hơn và các bạn sinh viên có điều kiện nghỉ giải lao tại chỗ trước khi bước qua nội dung bài mới.

4Thầy vẫn luôn tham gia nhiệt tình trong các hoạt động Đoàn – Hội tại cơ sở TP.HCM

PV: Các hoạt động Đoàn Hội bây giờ có gì khác so với thời sinh viên của thầy không ạ?

Thầy Lê Đức Hiền: Thực tế thì về mặt bản chất, các hoạt động Đoàn – Hội đều là những hoạt động mang tính chất tình nguyện vì xã hội và phi lợi nhuận. Nếu nói có sự khác biệt hay không giữa thời điểm hiện tại và thời sinh viên thì mình khẳng định là có, nhưng sự khác biệt này nằm ở chỗ cá nhân tham gia hoạt động đó chứ không phải là sự khác biệt giữa bản chất của hoạt động Đoàn – Hội xưa và nay. Ở đây mình chỉ nêu vài quan điểm cá nhân về sự khác biệt mà mình nhận thấy ngay tại Đoàn cơ sở TP. Hồ Chí Minh.

Trước hết, thế hệ của mình khi tham gia hoạt động Đoàn – Hội tại cơ rất vô tư, không có mục đích gì khác ngoài mục đích tình nguyện vì xã hội, anh em Đoàn – Hội lúc đó là một đại gia đình thật sự, thương yêu và rất đoàn kết với nhau. Còn hiện tại thì theo quan điểm cá nhân mình, nhiều bạn tham gia hoạt động Đoàn – Hội vì nhiều động cơ, mục đích khác nhau (có cả tốt và xấu), điều này làm cho mục đích của hoạt động Đoàn – Hội là vì tập thể lại trở thành vì cá nhân.

Thứ hai, hoạt động Đoàn – Hội hiện nay chưa cân đối được giữa hoạt động mang tính phong trào và hoạt động mang tính học thuật. Đa số hoạt động Đoàn – Hội hiện tại mang tính phong trào, hưởng ứng là chính, chỉ tập trung ở bề nổi nhằm lấy thành tích; còn các hoạt động học thuật lại ít được chú trọng đầu tư và hiện tại thu hút rất ít đoàn viên, sinh viên tham gia, trong khi đó đây là hoạt động mang lại lợi ích cho các bạn đoàn viên, sinh viên nhiều nhất, vấn đề này đòi hỏi ngay từ nội tại bản thân tổ chức Đoàn – Hội cần phải nhìn nhận lại và có giải pháp phù hợp.

Thứ ba, hiện nay chúng ta xây dựng một cơ cấu tổ chức, một đội ngũ cán bộ Đoàn, một quy trình làm việc tương đối hoàn chỉnh cho tổ chức Đoàn của chúng ta, so với thời kỳ trước thì đây là một bước tiến vượt bậc về công tác tổ chức. Tuy nhiên, cũng chính vì lẽ đó, chúng ta vô hình chung làm cho hoạt động Đoàn – Hội trở nên hành chính hóa, trong khi đó bản chất của Đoàn – Hội là bạn bè, là đồng chí của đoàn viên, sinh viên, hạn chế này cần được khắc phục nếu không muốn đoàn viên, sinh viên xa rời hoạt động Đoàn – Hội, phải loại bỏ ngay tư duy “phát triển hoạt động Đoàn – Hội là thu hút ngày càng nhiều sự tham gia của đoàn viên, sinh viên vào hoạt động này chứ không phải là mở rộng về cơ cấu tổ chức hay đội ngũ cán bộ Đoàn – Hội”.

Thứ tư, Đoàn Học viện cơ sở TP. Hồ Chí Minh từ năm 2011 trở về trước là Đoàn trực thuộc Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh, hoạt động có con dấu, có tư cách pháp nhân rõ ràng, từ năm 2011 tới nay thì trực thuộc Đoàn Học viện Hành chính Quốc gia. Từ khi sáp nhập về Đoàn Học viện Hành chính Quốc gia đến nay, Đoàn Học viện cơ sở TP. Hồ Chí Minh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tuy nhiên có sự khó khăn tạo nên khác biệt trong tổ chức hoạt động là với số lượng hơn 2000 đoàn viên nhưng Đoàn Học viện cơ sở TP. Hồ Chí Minh lại không có tư cách pháp nhân, không có con dấu. Chính điều này tạo ra nhiều khó khăn cho hoạt động của Đoàn Học viện cơ sở TP. Hồ Chí Minh hiện nay, gây ảnh hưởng đến phong trào chung của cả hệ thống.

7

 Thầy Hiền trong buổi lễ bảo vệ luận văn Thạc sĩ của mình

PV: Với kinh nghiệm của người đi trước, theo thầy việc tham gia các công tác Đoàn – Hội đem lại cho ta những gì ạ?

Thầy Lê Đức Hiền: Điểm lợi đầu tiên dễ nhận thấy nhất là khi tham gia hoạt động Đoàn – Hội là các bạn đoàn viên, sinh viên sẽ có thêm nhiều bạn mới. Việc thường xuyên tham gia nhiều hoạt động sẽ giúp các bạn được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người và với môi trường như thế, chúng ta sẽ có thêm điều kiện để mở rộng quan hệ ngoại giao của mình. Tham gia hoạt động Đoàn sẽ khiến con người xích lại gần nhau hơn, cũng bởi thế mà các bạn cũng có thể có cơ hội để tìm thấy “một nửa” của riêng mình trở nên dễ dàng hơn (cười).

Hơn thế nữa, khi tham gia các hoạt động Đoàn – Hội, các bạn sẽ gặp gỡ và giao lưu với nhiều anh, chị đi trước. Nhờ vào đó, các bạn sẽ có cơ hội mở mang tầm hiểu biết, tiếp thu kinh nghiệm sống từ họ. Mỗi một cá nhân trong xã hội lại mang một kho tàng kiến thức riêng biệt cho ta khám phá và học hỏi. Những kiến thức thực tế mà họ rút ra từ chính cuộc đời mình sẽ giúp ích cho ta rất nhiều, nếu là người biết suy ngẫm và kiên trì tích lũy, các bạn sẽ có một kho báu vô giá về tri thức, kinh nghiệm.

Thêm vào đó, những chỉ dẫn và cách xử lý tình huống phát sinh của những người đi trước sẽ giúp các bạn thêm tự tin và không còn bỡ ngỡ khi gặp phải các sự cố bất ngờ trong cuộc sống. Các bạn được làm quen với cách thức làm việc chuyên nghiệp và học được những kiến thức thầy cô không dạy như: kỹ năng quan sát, cách ứng xử giao tiếp, cách tổ chức sắp xếp công việc cá nhân… Và khi bước ra ngoài cánh cửa đại học, các bạn sẽ “cứng cáp” hơn, không còn cảm giác bỡ ngỡ của một người thiếu kinh nghiệm sống nữa.

Tiếp theo khi tham gia các hoạt động Đoàn – Hội sẽ giúp các bạn được trải nghiệm, tích lũy kỹ năng sống, kinh nghiệm làm việc khi thực hiện tất cả các bước của một chương trình sự kiện: từ khâu lên ý tưởng, xây dựng đề án, triển khai công việc truyền thông cho đến khi hoàn thiện kế hoạch… Bởi thực tiễn là người thầy của cuộc sống. Việc học kỹ năng sống bằng những hoạt động trực tiếp như vậy chắc chắn sẽ có hiệu quả cao gấp bội so với việc chúng ta chỉ ngồi một chỗ và vẽ ý tưởng của mình lên giấy.

PV: Thầy có điều gì muốn gửi gắm tới sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia, đặc biệt là những bạn sinh viên tham gia các công tác Đoàn – Hội không ạ?

Thầy Lê Đức Hiền: Đối với sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia, mình muốn nhắn nhủ rằng: tham gia thường xuyên các hoạt động Đoàn – Hội sẽ giúp các bạn có thêm cơ hội được rèn luyện bản thân, tăng cường vốn hiểu biết xã hội và trưởng thành hơn khi đối mặt với những vấn đề trong cuộc sống. Vì vậy, các bạn nên dành chút ít thời gian, công sức, sau những giờ học tập căng thẳng, tham gia hoạt động Đoàn – Hội để gam màu cuộc sống của các bạn thêm phong phú và có thêm những trải nghiệm mới đầy thú vị. Đối với các bạn sinh viên tham gia công tác Đoàn – Hội thì mình mong các bạn sẽ đem đúng hình mẫu người cán bộ Đoàn “gương mẫu, năng động, sáng tạo, trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết” vào trong tất cả các hoạt động, tham gia vì tinh thần tập thể và phấn đấu làm cho tổ chức Đoàn Học viện trở thành người bạn, người đồng chí thân thiết của tất cả các bạn đoàn viên, sinh viên Học viện.

 

PV: Sắp tới Học viện ta sẽ chào đón thêm một thế hệ sinh viên mới K17. Vậy thầy muốn nhắn nhủ điều gì tới các bạn tân sinh viên K17 ạ?

Thầy Lê Đức Hiền: Đầu tiên, mình xin chúc mừng các em gia nhập vào đại gia đình Học viện Hành chính Quốc gia. Sau 12 năm học tập văn hóa với sự dìu dắt và truyền đạt những kiến thức quý báu của Thầy, Cô; sự chăm sóc, động viên, tạo điều kiện của gia đình, các em đã nỗ lực vượt bậc để bước chân vào một trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cho hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, ngôi trường mà các em mong ước bấy lâu nay, ngôi trường với bề dày hơn 55 năm xây dựng và phát triển, và mình xin chúc mừng các em vì đã chọn cho mình một hướng đi đúng cho tương lai.

Là tân sinh viên, mình muốn nhắn nhủ với các em rằng, vào được đại học là hết sức khó khăn, nhưng vào đại học không phải là nấc thang cuối cùng, mà đó chỉ là sự khởi đầu cho một nấc thang mới, cam go hơn, thử thách hơn, nhưng cũng đầy hứng khởi, đầy niềm tin cho những gì đẹp đẽ đang chờ phía trước. Tương lai của các em là tùy thuộc vào thái độ và hành động của các em. Sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia có truyền thống hiếu học, năng động và sáng tạo. Vì vậy, khi vào học tại Học viện, các em phải tự tạo cho mình tư duy mới trong học tập, nghiên cứu khoa học và sinh hoạt. Tự tìm tòi, tự nghiên cứu thông qua sự giúp sức của Thầy Cô, bạn bè là cách tốt nhất để các em tạo cho mình một hành trang đúng đắn bước vào tương lai. Ngoài việc học ở lớp, các em cần tham gia sinh hoạt tích cực các hoạt động Đoàn – Hội để rèn luyện cho mình kỹ năng sống, những điều cần thiết cho các nhà quản lý, nhà hành chính, những người cán bộ, công chức trong tương lai. Cuối cùng, chúc các em có nhiều sức khỏe, nghị lực, niềm tin; học tập tốt, rèn luyện tốt để đạt được những thành công như bao thế hệ NAPAers đi trước, tự hào và tiếp nối truyền thống tốt đẹp của Học viện Hành chính Quốc gia.

PV: Em cảm ơn thầy vì cuộc phỏng vấn ngày hôm nay, chúc thầy và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, và gặp nhiều thành công trong sự nghiệp và cuộc sống ạ.

Đình Cẩn thực hiện./.

Comments are closed.