Facebook: Ai cho mặc áo rách?

Song song với sự phát triển của trang mạng xã hội Facebook, xu hướng “đồng phục tư tưởng cũng bắt đầu manh nha và dần trở nên phổ biến trên cộng đồng mạng. Tuy nhiên tốc độ phát triển của xu hướng này lại tỉ lệ thuận với những vấn đề mà nó gây ra…

Đi tìm người thiết kế?

Có thể nói, trong một “thế giới ảo”, những nút tính năng vô thưởng vô phạt đã khiến cho tính tương tác giữa một cá nhân với tập thể trở nên thuận tiện và nhanh chóng hơn bao giờ hết. Chỉ vài cú nhấp nút like, sử dụng tính năng comment hay share, ngay lập tức ý kiến của bạn sẽ được nhiều người chú ý đến. Vì vậy, “hiệu ứng đám đông” trên cộng đồng mạng không phải là điều khó hiểu. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, cậu bé Đỗ Nhật Nam sau buổi họp báo với giới truyền thông về cuốn sách mới xuất bản đã trở thành một hiện tượng, hay Huyền Chip và cuốn sách “Đừng chết ở Châu Phi” đã trở thành tâm điểm bàn tán của những “anh hùng bàn phím” trong một thời gian dài.

1383887453 facebook like jpg Facebook: Ai cho mặc áo rách?

Nhiều người đổ lỗi cho facebook nhưng thực chất đây chỉ đơn thuần là một trang mạng xã hội. Vấn đề cốt lõi ở đây nằm ở chính những người sử dụng nó. Từ “một ông cụ non không có tuổi thơ?” đến một cô gái bản lĩnh vượt qua 25 biên giới với cái mác “dối trá”? Tất cả đều chưa có câu trả lời thích đáng, nhưng những “facebooker” tuyệt nhiên không tiếc “gạch đá” dành cho vấn đề nóng bỏng này. Tuy có thể nhận thức được bản chất của sự việc nhưng không ít người vẫn không thể làm chủ mình trước những trào lưu “ăn theo” tâm lí đám đông. Thiết nghĩ tư duy và cách sử dụng các trang mạng xã hội nói chung phần nào bị ảnh hưởng bởi người khác và khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều. Nhưng xét cho cùng, chính bản thân những người sử dụng đóng một vai trò rất lớn trong thực trạng “đồng phục tư tưởng” ấy.

Và định hình nên khuôn mẫu

Giờ đây, trên facebook, những suy nghĩ rập khuôn phiến diện, hay những hành động “ăn theo”, hoặc “ném đá tập thể” không còn xa lạ gì.  Nhắc đến những vụ việc xôn xao trong cộng đồng mạng gần đây, có lẽ Huyền Chip và những nghi vấn về cuốn sách “Xách ba lô lên và đi” đã trở thành một tâm điểm. Tuy nhiên, sự việc của Huyền Chíp sẽ không khiến báo chí phải hao tổn giấy mực đến mức như vậy nếu không có “tâm lí bầy đàn” cùng sự hỗ trợ của các trang mạng xã hội. Ban đầu có thể chỉ là những dòng ý kiến cá nhân của một vài thành viên trên diễn đàn nào đó. Ngay lập tức không ít người, bất kể thành phần, lứa tuổi đã “tấn công”, “lên án” Huyền. Trong số đó có người không hề biết Huyền Chíp, thậm chí chưa từng đọc cuốn sách của cô vẫn điềm nhiên buông ra những nhận xét chủ quan. Bên cạnh đó, những title: “Yêu cầu Huyền Chíp phải nói sự thật”, “Phản đối Huyền Chip” cũng phủ kín các đầu báo. Hay phải kể đến tin đồn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được mọi người quan tâm gần đây, điển hình là nguồn tin về nồi nước hủ tiếu nấu bằng chuột cống gây hoang mang dư luận trong thời gian qua. Tuy chưa có kết luận chính thức về sự việc nhưng một điều chắc chắn rằng không phải ai trong số những người lên án cũng đều hiểu rõ thực hư của vụ việc này. Các cụ có câu “trăm nghe không bằng một thấy”, khi thấy còn chưa tỏ thì khoan hãy phán xét hay chỉ trích! Như một nhà báo nọ có viết: “Thay vì chuột cống, thật ra chúng ta đang sống nhờ vào một thứ dinh dưỡng kỳ lạ: những nút like trong nồi nước lèo”!

555f329d3f6c25528d1b398ef5539df1 Facebook: Ai cho mặc áo rách?

Huyền Chip với cuốn “Xách ba lô lên và đi” nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Cách đây không lâu, Đỗ Nhật Nam – một cậu bé 9 tuổi – cũng là nạn nhân của những “facebooker”. Cậu bé bị cho là “già trước tuổi”, “ông cụ non” hay hàng loạt các clip chỉ xoáy vào câu nói “… con sâu đục khoét tâm hồn…”. Có ai nhớ đến những thành tích mà em đã đạt được? Với đám đông bây giờ, điều quan trọng là những nút like, những dòng tâm sự đầy tính triết lí, những lời chỉ trích. Tất cả chỉ nhằm với mục đích thỏa mãn sự nông nổi, hẹp hòi của bản thân. Thực trạng trên đã cho thấy rất rõ sự “bầy đàn”, rập khuôn trong suy nghĩ của rất nhiều người mà không nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, có chính kiến của riêng mình. “Chiếc áo” của riêng mỗi người giờ đây đang dần nhuốm màu của bộ “đồng phục tư tưởng” – thứ “mốt” mới đáng e ngại của cộng đồng mạng hiện nay.

Hậu quả từ một “vệt màu”

Tuy “những chiếc đồng phục” phổ biến trên các trang mạng xã hội – vốn bản chất là những cộng đồng ảo, thế nhưng hậu quả của nó lại trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống thực tại. Quay trở lại với Huyền Chip, đó thật sự là một khoảng thời gian khó khăn của riêng bản thân cô. Cho dù Huyền đã nhận sai, thế nhưng điều đáng nói ở đây là cái nhìn, nhận xét của các độc giả đã trở nên sai lệch đi rất nhiều. Có lẽ từ nay mỗi khi cái tên “Xách ba lô lên và đi” được nhắc đến, những gì còn lại trong tâm trí mọi người không phải là sự nỗ lực, can đảm của một cô gái trẻ khi đã một mình ngao du qua 25 nước với chỉ 700$ trong tay mà sẽ là những vụ việc lùm xùm xung quanh cuốn sách. Điều tương tự cũng xảy ra với cậu bé Đỗ Nhật Nam. Một cậu bé mới 9 tuổi, cái tuổi ăn học, cái tuổi rất hồn nhiên và vô tư ấy – sẽ nghĩ gì khi đọc được những lời ác ý đó? Liệu có chắc những vết thương lớn về tinh thần khi tuổi còn nhỏ sẽ “se lại” hay sẽ trở thành những ám ảnh không thể nào quên? Chưa tính đến chuyện đó, nhưng rất có thể, những khả năng sẵn có của em liệu sẽ bị mai một dần bởi những lời định kiến hẹp hòi của mọi người. Sau câu chuyện của bé Nam, liệu những nhân tài Việt Nam sẽ tiếp tục hé lộ không khi xã hội luôn nhìn nhận vấn đề dưới một cách phiến diện?

maxresdefault Facebook: Ai cho mặc áo rách?

Đỗ Nhật Nam – cậu bé 9 tuổi – cũng là nạn nhân của những “facebooker”.

Nếu như hai sự việc kể trên, hậu quả của nó chỉ nằm trong phạm vi cá nhân thì với tin đồn về hủ tiếu gõ, hậu quả còn nặng nề hơn khi ảnh hưởng trực tiếp đến những người mưu sinh kiếm sống bằng công việc này. Từ khi tin đồn xuất hiện, ít người biết rằng những gánh hàng rong luôn gặp cảnh ế ẩm. Nhiều người đã phải ngậm ngùi bỏ cái nghề đã giúp họ nuôi sống bản thân và gia đình để lăn lộn với một công việc vất vả và nguy hiểm hơn. Xét cho cùng, hậu quả của xu hướng “đồng phục” để lại đề không hề nhỏ. Sẽ là cả một quãng thời gian dài để cho mọi người nhìn nhận lại vấn đề, cũng như khắc phục lại hậu quả trong đời sống thực do sự nông nổi của một bộ phận cư dân mạng xã hội facebook gây ra.

Tạm kết

Facebook hiện nay đang phát triển không ngừng và quy mô của hiệu ứng “đồng phục tư tưởng” cũng đang ngày càng mở rộng trên các trang mạng xã hội. Làm thế nào để trút bỏ hàng loạt những bộ cánh giống nhau khỏi tư tưởng của các bạn trẻ? Đây thực sự là một vấn đề không dễ gì để tìm lời giải đáp.

Lưu Giang – Huyền Thu (FTU)

 

Comments are closed.