Người bạn lớn của tuổi trẻ Học viện

Konstantin Dmitrievich Ushinski, nhà sư phạm dân chủ người Nga, người sáng lập nền khoa học giáo dục Nga đã từng nói: “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”. Đối với mỗi sinh viên Học viện Hành chính chúng tôi, điều làm chúng tôi cảm thấy vinh dự nhất, tự hào nhất và yêu mến nhất là bên cạnh chúng tôi luôn có những người thầy như vậy. Và đáng quý hơn cả, chúng tôi còn có một người bạn lớn, một nhân cách lớn, một người thầy đáng kính: Thầy Nguyễn Đăng Thành.

Tôi vẫn nhớ cái khoảng thời gian năm ấy – năm 2009. Khi tôi mới chỉ là cậu sinh viên cuối năm nhất của Học viện, thời gian ấy là khoảng thời gian có biết bao sự kiện, đó là năm Học viện vừa tròn 50 tuổi, bên cạnh những niềm vui, sự phấn khởi với nửa thế kỷ xây dựng, phát triển của Học viện thì còn đó những tâm tư, lo âu và phảng phất một chút buồn bởi việc thay đổi tổ chức bộ máy. Bây giờ không còn là Học viện Hành chính Quốc gia nữa, mà đối với sinh viên chúng tôi, việc hai chữ Quốc gia không còn gắn liền với tên của Học viện nữa khiến chúng tôi thực sự cảm thấy hụt hẫng vì thương hiệu Học viện Hành chính Quốc gia đã ăn sâu vào tiềm thức và là niềm tự hào của mỗi người. Nỗi niềm và những trăn trở về con đường phía trước của Học viện không chỉ là suy nghĩ riêng của các thầy cô nữa mà nó còn hiện hữu, thường trực hàng ngày trong mỗi câu chuyện, mỗi giờ lên lớp của sinh viên chúng tôi.

Trong bối cảnh đó, được Trung ương tín nhiệm và phân công, Thầy về làm Giám đốc Học viện. Lần đầu tiên được gặp Thầy là kỷ niệm không thể quên được đối với tôi: đó là một ngày trung tuần tháng 7, buổi sáng hôm đó tôi và đồng chí Nguyễn Thế Minh lớp KH8D đang trong phiên trực tại Văn phòng Đoàn; do đang trong đợt cao điểm của chiến dịch Tiếp sức mùa thi và chuẩn bị cho chiến dịch Chung sức cộng đồng diễn ra ngay sau đó nên công việc của Đoàn khá bận rộn, Văn phòng tương đối bề bộn hơn so với mọi ngày. Khi hai anh em đang rôm rả nói dở câu chuyện về địa bàn nơi đội sinh viên tình nguyện của Học viện sẽ về đóng quân trong đợt tình nguyện hè thì một đoàn các thầy bước vào cửa Văn phòng Đoàn. Nhanh chóng đứng dậy mở  cánh cửa vẫn chốt hàng ngày cho thêm phần rộng rãi, tôi và đồng chí Minh cùng đồng thanh nói: “Em chào các thầy ạ!”, vừa nói dứt câu thì thầy Tùng – Bí thư Đoàn Học viện cất tiếng: “Giới thiệu với Thầy đây là Văn phòng Đoàn Học viện, đây là các em thường trực Văn phòng!”, với nụ cười nở trên môi, Thầy nói: “Chào các em!” và đưa tay bắt tay hai anh em chúng tôi. Lúc đó, tôi không biết Thầy là ai vì đi cùng với thầy Tùng trong đoàn lúc đó là thầy Vũ Văn Thành – Chánh Văn phòng Học viện cùng một số thầy ở Văn phòng Học viện và Ban Tổ chức – Cán bộ, những người mà chúng tôi đã quen thuộc. Quan sát một hồi, Thầy nói: “Đoàn Thanh niên là tổ chức hết sức quan trọng, cán bộ Đoàn vì thế mà cũng rất quan trọng. Tuy điều kiện công tác còn đôi chút hạn chế, song các em phải cố gắng để thực hiện tốt các công tác của Đoàn, góp phần vào việc xây dựng Học viện”. Sau lời căn dặn ấy, Thầy và các thầy trong đoàn chia tay anh em chúng tôi và tiếp tục đi thăm các phòng, ban, đơn vị khác trong Học viện. Mãi đến sau này, tôi mới biết Thầy là ai nhưng qua lần gặp mặt đó, qua lời căn dặn hết sức ân cần của Thầy, tôi rút ra được một bài học vô cùng ý nghĩa, đó là sự quan tâm, sự sát sao đúng mức đối với từng bộ phận, đơn vị trong tổ chức một cách kịp thời sẽ là nguồn động viên vô cùng to lớn đối với anh em.

Đối với Thầy, mọi mối quan hệ, mọi danh xưng đều xuất phát từ tình cảm chân thành nhất, từ sự quý mến và tôn trọng mà mọi người dành cho nhau. Ở Thầy luôn là sự bình dị, sự chân thành và cái cảm giác thân thiết, điều khiến cho sinh viên chúng tôi thực sự cảm thấy quý mến và cảm phục thầy. Trong lễ khai giảng năm học mới, năm học 2009 – 2010, trên cương vị là Giám đốc mới của Học viện, thầy đã có một bài phát biểu vô cùng đặc biệt và chúng tôi thực sự rất bất ngờ với bài phát biểu đó của Thầy. Hôm ấy, sau lời giới thiệu của Ban tổ chức, Thầy bước lên bục với phong thái chậm rãi, từ tốn. Tiếng thầy cất lên qua micro với giọng nói ấm áp: “Xin kính chào các quý thầy cô và các em sinh viên thân mến! Tôi rất vui mừng được phát biểu trong lễ khai giảng năm học mới ngày hôm nay. Tôi cảm ơn Ban tổ chức đã rất chu đáo chuẩn bị sẵn cho tôi một bài phát biểu rất đầy đủ để tôi nói trong buổi lễ này. Tuy nhiên, tôi xin phép không dùng tới, bởi tôi muốn nói những điều xuất phát từ chính suy nghĩ của mình…”. Cả hội trường lúc ấy vang dội tiếng vỗ tay với niềm xúc động thực sự qua lời nói biểu của Thầy khi đó. Và cho đến tận bây giờ, mỗi lần Thầy phát biểu, mỗi lần Thầy chia sẻ, động viên, Thầy luôn nói bằng chính những gì xuất phát từ tấm lòng mình, xuất phát từ những gì Thầy nghĩ và Thầy tâm huyết.

Đối với các cán bộ, giảng viên của Học viện, Thầy luôn coi đó là những đồng nghiệp thân thiết của mình, những người hàng ngày, hàng giờ đang đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Học viện. Các thầy cô chính là một bộ phận hữu cơ gắn kết bền chặt, tạo nên một khối đoàn kết thống nhất trong quá trình xây dựng và khẳng định lại vị thế của Học viện Hành chính trong hệ thống và đối với nền giáo dục quốc dân. Tôi còn nhớ vào dịp kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, lúc ấy Thầy có mong muốn tổ chức một đêm nhạc hội để các cán bộ, giảng viên của Học viện có một khoảng thời gian để thư giãn sau những giờ làm việc mệt  mỏi, được gặp mặt, giao lưu nhân dịp mừng Thủ đô tròn 1000 tuổi. Và Thầy là người trực tiếp đứng ra chỉ đạo tổ chức chương trình với tên gọi “Hòa nhịp con tim”. Khi đó có rất nhiều các thầy cô đã đề xuất ý kiến mời nhạc sĩ Phú Quang – người nhạc sĩ của Hà Nội với các ca khúc bất hủ viết về Thủ đô tham gia chương trình, lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng và sự đề đạt ấy, cùng với sự tinh tế của mình, Thầy đã quyết định mời nhạc sĩ Phú Quang tham gia đêm nhạc hội đó. Chương trình đã thành công rực rỡ và thực sự đã trở thành cầu nối để mỗi cán bộ, giảng viên của Học viện, mỗi trái tim của các khách mời tham gia chương trình hòa chung một nhịp. Riêng đối với chúng tôi, những cán bộ Đoàn Học viện, chúng tôi đã có một kỷ niệm sâu sắc và một bài học lớn qua chương trình, đó là khi chuẩn bị chương trình, chúng tôi được giao nhiệm vụ chuẩn bị MC để tham gia dẫn và giao lưu với các vị đại biểu và khách mời tham gia đêm nhạc hội. Lúc ấy, chúng tôi khá hoang mang bởi đội ngũ MC cứng của Đoàn khi đó không còn mấy ai, chị Lê Trinh cựu sinh viên khóa 6 thì bận lịch, mà các em khóa dưới thì vẫn còn hơi non về kinh nghiệm để có thể dẫn trong một chương trình lớn như vậy. Suy đi tính lại, chúng tôi quyết định nhờ một bạn MC của một trường bạn; và điều đặc biệt, bạn MC này có chất giọng miền Nam đặc trưng. Mọi việc diễn ra đều suôn sẻ trong suốt cả chương trình, tuy nhiên đến khi phần giao lưu kết thúc, Thầy có gọi chúng tôi đến và nói: “Đây là một chương trình chào mừng kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, vậy nên để cho MC có chất giọng Hà Nội dẫn thì hợp lí hơn. Và Thầy nghĩ để MC là sinh viên của Học viện dẫn vẫn tốt hơn việc mình lấy người ở ngoài bởi như thế sẽ mang bản sắc của Học viện mình”. Tất cả chúng tôi khi đó đều cảm thấy có lỗi khi đã không hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và đều thấy cảm ơn khi Thầy đã không những không trách phạt mà còn chia sẻ rất thật suy nghĩ của Thầy. Từ đó cho đến bây giờ, trong tất cả các chương trình, chúng tôi đều lựa chọn những bạn sinh viên có tố chất, có khả năng MC để tham gia dẫn chương trình để thể hiện tài năng, bản sắc của sinh viên Học viện Hành chính đúng như lời Thầy đã dạy.

Mặc dù bận rất nhiều việc, nhưng Thầy luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt cho sinh viên bởi Thầy luôn coi các thế hệ sinh viên Học viện là một bộ phận đặc biệt, góp phần vào sự nghiệp xây dựng,  phát triển và khẳng định thương hiệu Học viện Hành chính. Tháng 3/2012, Đoàn Thanh niên có lên kế hoạch tổ chức một chương trình gặp gỡ, giao lưu giữa lãnh đạo Đảng ủy, Ban Giám đốc, lãnh đạo các Khoa, Ban, đơn vị trong Học viện với các bạn sinh viên hệ chính quy nhân dịp kỷ niệm 81 năm thành lập Đoàn. Với sự chân thành, cởi mở và thẳng thắn, Thầy cùng với các thầy cô khác tham gia giao lưu đã trả lời cặn kẽ, thấu đáo từng nội dung, vấn đề mà các bạn sinh viên đã hỏi; giải đáp từng thắc mắc của các bạn. Thầy cũng nói rõ những khó khăn mà Học viện đang gặp phải để các bạn hiểu rõ hơn về đặc thù của ngôi trường mà các bạn đang học tập. Tại buổi gặp gỡ, Thầy phát biểu: “Từ ngày về làm Giám đốc, tôi chưa từ chối bất cứ chương trình nào của Đoàn. Tôi mong Đoàn phải làm sao phát huy tốt vai trò của mình, làm sao tổ chức được những chương trình thực sự bổ ích, thu hút được sự tham gia của sinh viên. Và đặc biệt là phải đi sâu vào thực chất, làm sao để qua mỗi chương trình, hoạt động mỗi sinh viên đều rút ra được bài học cho riêng mình. Tuyệt đối không mắc bệnh thành tích, sa vào chủ nghĩa hình thức”. Từng lời Thầy nói đều chứa đựng những tình cảm đặc biệt dành cho Đoàn, dành cho sinh viên của Học viện cho dù các bạn đang học tập ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay ở Tây Nguyên xa xôi.

Mỗi khi có dịp gặp gỡ, nói chuyện với sinh viên chúng tôi, Thầy luôn nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học tập và Thầy cũng thường xuyên nhắc nhở, động viên các bạn sinh viên phải cố gắng, nỗ lực học tập, đặc biệt là việc trau dồi khả năng ngoại ngữ và tin học để có thể tự tin khẳng định bản thân và đảm bảo thành công trong thời đại ngày nay. Bản thân Thầy cũng chính là một tấm gương lớn về sự nỗ lực, cố gắng và không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo mà chúng tôi luôn cố gắng noi theo. Ngày 24 tháng 12 vừa qua, Thầy vinh dự là 1 trong số 42 nhà giáo, nhà khoa học được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước phong hàm Giáo sư nhằm ghi nhận những cống hiến hết sức to lớn của Thầy đối với sự nghiệp trồng người và đối với nền giáo dục quốc gia.

Thầy từng chia sẻ: “Mong ước lớn nhất của tôi là được trở thành…người bình thường”, nhưng có lẽ với biết bao công việc còn ngổn ngang, biết bao kế hoạch còn dang dở, và với biết bao điều còn tâm huyết, ấp ủ dành cho Học viện, dành các thế hệ sinh viên, Thầy sẽ còn phải bận rộn nhiều. Đối với chúng tôi Thầy luôn là một người thầy mẫu mực, một người bạn lớn của tuổi trẻ Học viện, những tình cảm chân thành, tấm lòng thẳng thắn mà Thầy dành cho mỗi đồng nghiệp, cho sinh viên và sự gương mẫu trong công việc, trong nghiên cứu khoa học luôn luôn là tấm gương để chúng tôi học tập và noi theo bởi “Sự gương mẫu của người thầy giáo là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gì thay thế được” – (Ushinski). Nhân dịp năm mới, kính chúc Thầy và gia đình luôn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và an khang./.

Trần Toàn Trung

Comments are closed.