Quà Tết

Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, người người lại tất bật mua sắm, trang hoàng nhà cửa đề có một cái tết thật ấm áp bên người thân, bạn bè. Một điều không thể thiếu trong cái tết cổ truyền của người Việt là phong tục tặng quà ngày tết. Đây là một phong tục tốt đẹp đã có từ lâu đời, thể hiện sự quan tâm, gắn bó giữa con người với con người: đó là sự hiếu kính của con cháu với ông bà, cha mẹ; là sự quan tâm của những người đồng nghiệp, bạn bè… Tùy từng vùng miền mà quà tết có nét độc đáo riêng nhưng tựu chung lại, nó đều muốn mang đến niềm vui và may mắn cho người nhận trong dịp đầu xuân năm mới.

1380253678-tet-co-truyen-cua-cac-dan-toc-viet-nam-anh-1

Mỗi dịp đầu năm,người ta mang tặng nhau những cành đào, cành mai; cặp bánh chưng xanh hay con gà trống…cùng với đó là những lời chúc tụng một năm mới an lành, sức khỏe và thành công.

Theo thời gian, cùng với sự thay đổi của xã hội mà quà tết cũng có ít nhiều thay đổi. Quà tết không chỉ đơn thuần là những cành mai, cành đào, cặp bánh chưng hay con gà trống mà thay vào đó những giỏ quà lấp lánh với đủ loại rượu tây, rượu ngoại cùng bánh mứt sang trọng và đắt tiền. Thay vì ý nghĩa bạn đầu: tặng quà để mang lại may mắn, niềm vui; phong tục tặng quà ngày tết đã bị người ta biến tướng, lợi dụng để biếu xén, nịnh nọt, hối lộ lẫn nhau. Cuối năm, các nhân viên cấp dưới lại tất bật lo quà biếu sếp. Họ cho rằng giá trị quà càng lớn thì càng thể hiện được thành ý với cấp trên. Bởi vậy, bên trong mỗi giỏ quà là những bao lì xì đỏ chói mà giá trị của nó thì chắc còn “chói” hơn rất nhiều. Nhân viên lo quà biếu sếp nhỏ, sếp nhỏ lo biếu sếp lớn, sếp lớn lo biếu sếp lớn hơn. Cứ như vậy, cả xã hội nhộn nhịp, xôn xao rất đúng với không khí ngày tết!

images

Trong xã hội hiện nay, rất nhiều người bước tới thành công trên đôi chân của chính mình. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận không nhỏ lựa chọn con đường tắt – con đường mà ngoài năng lực và sự cố gắng thì cần rất nhiều “yếu tố” thêm vào. Thay vì nỗ lực ho, họ chỉ lo sao cho phong bì thật dày, thật đẹp. Ngày tết xem ra cũng chỉ là một “ngày đặc biệt” trong vô vàn cái “ngày đặc biệt” mà bất cứ khi nào cần họ cũng có thể nghĩ ra. Thay vì nhắn gửi những lời chúc chân thành, những gói quà tết ấy được gửi kèm mục đích. Thật đáng buồn khi giá trị thật của con người lại không bằng những xấp phong bì dày cộp. Và cũng không biết từ lúc nào người ta nhìn nhận, đánh giá mức độ “chân thành” của nhau bằng thứ vật chất vô tri ấy.

Tặng quà ngày tết vốn là phong tục truyền thống tốt đẹp, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nhưng sự thay đổi quá nhanh của xã hội đã làm con người ta ngộ nhận, chạy theo giá trị vật chất mà quên đi ý nghĩa thiêng liêng ban đầu.Thế nên cứ mỗi dịp tết đến xuân về, bên cạnh việc lo sao cho gia đình có một cái tết đầy đủ ấm áp thì bài toán “quà tết” vẫn luôn khiến người ta đau đầu cân nhắc. Khi mọi thứ đều được quy ra bằng vật chất thì thật khó có thể tính ra biếu “quà tết” bao nhiêu cho vừa, bao nhiêu cho đủ. Không biết rằng người tặng quà và người nhận quà sẽ cảm thấy ra sao khi đằng sau mỗi món quà ấy là những cái gật đầu hứa hẹn hay những lời ngầm thỏa thuận. Món quà quý trước hết ở tình cảm muốn trao gửi của người tặng. Chúng ta đang thừa vật chất nhưng thiếu tình người. Vậy bao nhiêu cho cái giá của “tình người”!

Để ngăn chặn tình trạng này, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có công văn yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền nghiêm cấm việc tặng quà Tết cho cấp trên. Đây thực sự là một động thái tích cực giúp ngăn chặn tình trạng biếu xén ngày tết nhưng cấm ra sao, cấm như thế nào vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Điều đó phụ thuộc rất lớn vào ý thức của mỗi con người, vào quyết tâm thay đổi nhận thức “trọng vật chất” để trả lại cho những phong tục tập quán nguyên vẹn ý nghĩa ban đầu!

Ngọc Mai – KH13A3

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

 

Comments are closed.