“Sống phải biết chờ đợi”

Gia cảnh nghèo khó, thời gian học tập không nhiều, nhưng Trần Đức Toán đã cùng lúc thi đỗ 2 trường Đại học và Cao đẳng có tiếng ở thủ đô với điểm số rất cao, trong đó trở thành thủ khoa Cao đẳng Truyền hình với 25,5 điểm và đứng top 10 Học viện Hành chính Quốc gia với 24,5 điểm.

Tôi gặp Toán vào một buổi sáng mưa bay bay trong tiết trời giao mùa, gương mặt bạn rạng rỡ như ánh dương sáng ngời cùng nụ cười thân thiện. Trò chuyện với Toán, bạn rất khiêm tốn khi nhắc đến các thành tích “khủng” của mình. Chia sẻ về bản thân cũng như ước mơ sau này, đôi mắt Toán sáng lên niềm tin và hy vọng khiến tôi càng khâm phục nghị lực của chàng trai nhỏ bé này.

Họ và tên: Trần Đức Toán.
Lớp: KH14A10.
Ngày sinh: 15/05/1995.
Quê quán: Ba Vì, Hà Nội.
Sở thích: Dã ngoại, đọc sách, sưu tập tem, chơi cầu lông, ca hát,…
Sở trường: Nấu ăn.
Thành tích:
+ 3 năm liền đạt Học sinh giỏi (Trường THPT Ba Vì – Hà Nội);
+ Học bổng học sinh nghèo vượt khó do tập đoàn SCG (TP. Hồ Chí Minh) tài trợ dành cho học sinh 7 tỉnh Nam Bộ và Hà Nội (Lớp 11);
+ Giải Nhì học sinh giỏi môn Lịch sử cấp thành phố (Lớp 12);
+ Giải Ba cuộc thi “Tiếng hát thầy và trò” do trường THPT Ba Vì tổ chức;
+ Thủ khoa trường Cao đằng Truyền hình (25,5 điểm);
+ Đứng thứ 8 điểm thi đầu vào Học viện Hành chính Quốc gia (24,5 điểm);
+ Đứng đầu lớp KH14A10 học kì 1 năm học 2013 – 2014 (điểm TB: 8,11).

PV: Chào bạn, chúc mừng bạn đã trở thành tân sinh viên Học viện Hành chính. Cảm xúc của bạn như thế nào?
Trần Đức Toán: Khi trở thành tân sinh viên khóa 14 của Học viện Hành chính, mình cảm thấy rất hãnh diện và hạnh phúc. Đây là kết quả 12 năm phấn đấu học tập và cũng là món quà lớn dành tặng cho bố mẹ của mình – những người đã vất vả nuôi mình ăn học.

PV: Bạn cùng lúc đỗ thủ khoa Cao đẳng truyền hình và Học viện Hành chính cũng với điểm số rất cao. Tại sao bạn lại chọn học tại Học viện Hành chính?
Trần Đức Toán: Đọc thông tin về Học viện Hành chính, mình đã rất thích ngôi trường này. Khi bước chân vào học tại Học viện, mình đã thực sự ấn tượng bởi cảnh quan (nhiều cây xanh) và điều kiện học tập trong trường. Cơ sở vật chất tại trường rất hiện đại, giảng đường được trang bị máy chiếu để phục vụ cho quá trình học tập của sinh viên, thư viện có rất nhiều sách. Các thầy cô giảng dạy rất nhiệt tình, truyền cảm hứng cho sinh viên làm sinh viên có thêm hứng thú học tập hơn. Các bạn lớp KH14A10 của mình đến từ nhiều vùng miền khác nhau, nhưng điều đó không tạo nên rào cản mà các bạn rất thân thiện hòa đồng với nhau, cùng nhau chia sẻ những khó khăn của sinh viên năm đầu. Chính những điều này làm mình càng yêu quý Học viện hơn và mình không bao giờ hối hận khi quyết định chọn học tập tại Học viện Hành chính.

PV: Bước chân vào giảng đường đại học, bạn cảm thấy các môn học ở đại học như thế nào? Bạn thích môn học nào nhất?
Trần Đức Toán: Các môn học ở đại học khá khó nên mỗi sinh viên cần chủ động tìm các phương pháp học tập cho bản thân sao cho đạt hiệu quả tốt nhất. Mình thích nhất học môn Triết học do cô Khuyên giảng dạy, cô rất nhiệt tình và dạy lôi cuốn, truyền lửa cho sinh viên. Kì vừa rồi, mình đạt điểm 9 thi vấn đáp môn Triết, bạn bè trêu mình là bị điên mất rồi (cười). Mình thích môn Triết bởi đây là môn học tổng hợp kiến thức của tất cả các môn học khác, cung cấp thế giới quan, phương pháp luận cho người học và biết cách áp dụng lý luận vào thực tiễn sao cho phù hợp nhất. Ngoài ra mình còn thích học tiếng Anh nữa.

7

“Sống phải biết chờ đợi” là câu châm ngôn mà cậu bạn có thành tích học tập “khủng” này theo đuổi

PV: Ngoài việc học tiếng Anh, bạn còn học thêm cả tiếng Hàn nữa. Tại sao bạn lại quyết định học thêm tiếng Hàn mà không phải là ngoại ngữ nào khác?
Trần Đức Toán: Đây cũng là một sự tình cờ (cười), một lần mình đi xe bus ra bờ hồ cùng bạn bè rồi gặp người Hàn Quốc, mình cảm thấy muốn được giao tiếp với họ, và học tiếng Hàn trở thành sở thích của mình. Mình nghe nói hiện giờ các công ty Hàn Quốc sang Việt Nam rất nhiều, mình muốn thử làm những công việc hành chính hoặc liên quan đến phiên dịch với họ.

PV: Hiện tại bạn vừa đi học, vừa đi làm thêm. Công việc làm thêm của bạn là gì và công việc ấy giúp được thêm cho bạn những điều gì?
Trần Đức Toán: Mình làm nhiều việc lắm, ngoài đi phát tờ rơi, mình còn làm phục vụ bàn ở quán ăn. Ngoài việc kiếm được thu nhập để trang trải cuộc sống, việc đi làm thêm giúp mình va chạm cuộc sống, từ đó mình thấy quý trọng đồng tiền mà bố mẹ hàng tháng gửi cho mình và cảm thấy thương bố mẹ nhiều hơn. Tiếp đó, công việc giúp mình rèn luyện thêm được kĩ năng giao tiếp với mọi người xung quanh.

PV: Bạn sắp xếp thời gian như thế nào để cân đối giữa việc đi học và đi làm?
Trần Đức Toán: Thứ 2, thứ 4, thứ 6 mình đi học tiếng Hàn buổi tối ở Đại học Quốc gia Hà Nội, còn thứ 3, 5, 7 mình phụ giúp cô chủ quán cơm. Cô ấy cũng thông cảm cho hoàn cảnh của mình và tạo điều kiện cho mình. Mình đi làm về cũng muộn, khoảng 23h30 mình mới bắt đầu học và học đến khoảng 2h sáng. Nếu trong thời gian tới, việc học tập bận rộn hơn thì mình sẽ tạm nghỉ công việc làm thêm, dù sao học tập vẫn là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu.

PV: Thành tích học tập của bạn rất xuất sắc. Bạn có thể chia sẻ về phương pháp học tập của bản thân được không?
Trần Đức Toán: Mình cũng không có phương pháp gì đặc biệt đâu (cười). Mình nghĩ là học tập thì cần có sự chăm chỉ. Cách học ở đại học cũng khác hẳn với cách học ở cấp 3, không phải chỉ là ngồi học thuộc lòng mà phải học theo phương pháp sơ đồ tư duy. Tiếp nữa, mình tự học, nghiên cứu giáo trình, tài liệu trên internet và mượn sách của thư viện về đọc. Đối với những môn học thi vấn đáp, khi vào phòng thi, cần giữ được sự bình tĩnh, trả lời câu hỏi rõ ràng, rành mạch, khẳng định với thầy cô rằng mình rất hiểu bài; tạo sự lôi cuốn cho thầy cô vào câu trả lời của mình. Đối với những môn thi viết thì nên tổng hợp kiến thức từ nhiều tài liệu khác nhau, viết đúng chủ đề, đúng trọng tâm, không dài dòng, lan man. Với ngoại ngữ thì phải luyện tập thường xuyên, hằng ngày, học mọi nơi, mọi lúc, ví dụ như viết các từ mới vào giấy rồi dán lên tường để mình luôn nhìn thấy và nhớ được lâu hơn. Ngoài ra, mình học nhóm với các bạn cùng lớp, cùng chia sẻ với nhau để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

PV: Theo bạn, làm thế nào để trở thành một sinh viên giỏi?
Trần Đức Toán: Mình nghĩ là trước tiên phải biết cách sắp xếp thời gian hợp lý, làm sao cho hài hòa giữa việc học tập, tham gia các hoạt động xã hội và có thời gian đi chơi cùng với bạn bè nữa. Về học tập, mỗi bạn sinh viên nên tự có cách học riêng phù hợp với bản thân mình. Ngoài ra còn cần giao lưu, trao đổi kiến thức với những người khác bởi không phải cái gì mình cũng biết hết được. Những điều gì chưa hiểu hay thắc mắc thì nên mạnh dạn hỏi thầy cô giáo. Bên cạnh đó, cũng cần tích cực tham gia vào các hoạt động của Đoàn, các hoạt động xã hội để rèn luyện kỹ năng mềm.

PV: Phương châm sống của bạn là gì?
Trần Đức Toán: Trong một lần vào TP. Hồ Chí Minh nhận học bổng dành cho học sinh nghèo vượt khó của tập đoàn SCG, mình nghe các diễn giả chia sẻ và mình rất tâm đắc với câu nói “Sống phải biết chờ đợi”. Mình thấy câu nói này rất phù hợp với bản thân và nó đã trở thành phương châm sống của mình. Khi mình muốn đạt được một điều gì đó thì phải có sự kiên nhẫn chờ đợi từng bước, không nên nóng vội, hấp tấp. Con đường học tập phía trước còn rất dài và nhiều chông gai, mình sẽ kiên nhẫn để tiếp tục bước tiếp và cố gắng dành kết quả cao.

PV: Bạn có thể chia sẻ về ước mơ sau này của mình không?
Trần Đức Toán: Khi lựa chọn học tập tại Học viện Hành chính, mình muốn trở thành một người cán bộ, một nhà quản lý giỏi trên lĩnh vực văn hóa. Mình thấy hiện nay các bạn trẻ thường có xu hướng “Tây hóa” nhiều, cần phải đưa ra các biện pháp giáo dục sao cho vẫn giữ gìn, phát huy được những nét văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trên cơ sở hòa nhập nhưng không hòa tan.

PV: Cảm ơn bạn đã chia sẻ, chúc bạn thực hiện được ước mơ của mình.

Tường Vân thực hiện.

Comments are closed.