Thầy Đỗ Tuấn Anh: “Tham gia Đoàn – Hội giúp các bạn có rất nhiều kỹ năng để tồn tại và hòa nhập với xã hội”

Là một cựu sinh viên khóa 7 của Học viện Hành chính Quốc gia, Thầy Đỗ Tuấn Anh đã không còn xa lạ gì với các bạn sinh viên trong Học viện, đặc biệt là với các bạn tham gia công tác Đoàn. Đã từng có một tuổi trẻ tham gia năng nổ, không biết mệt mỏi các công tác Đoàn, và phong trào thanh niên. Để rồi sau khi ra trường, một lần nữa Thầy lại có duyên quay trở lại mái nhà Học viện trong vai trò là một giảng viên. Chúng ta hãy cùng lắng nghe những tâm sự, chia sẻ hết sức thẳng thắn, thiết thực của người Thầy, người đồng chí, người anh này nhé.

Lý lịch trích ngang:

Họ và tên: Đỗ Tuấn Anh

Nghề nghiệp: Giảng viên khoa Hành chính học – Học viện Hành chính Quốc gia

Chuyên ngành giảng dạy: Quản lý học – Quản lý hành chính nhà nước

Thời gian công tác tại Học viện: Từ 2010 đến nay

Sở thích: Đọc sách, chơi thể thao

Quan điểm sống: Sống phải có lương tâm, đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp

PV: Thầy có thể giới thiệu về công tác giảng dạy của thầy tại Học viện Hành chính Quốc gia được không ạ?

Thầy Tuấn Anh: Khi về trường thì mình được phân giảng dạy môn đầu tiên đó là môn “Quản lý học đại cương”. Đây là một môn học rất hay, nó cũng là môn cơ sở ngành, cho việc đào tạo các chuyên ngành của Học viện Hành chính sau này. Trải qua 4 năm giảng dạy tại Học viện, với những môn học cơ sở ngành này, mình thấy đây là một môn học rất hay và ý nghĩa. Nó không chỉ có thuần túy về mặt lý luận, mà thực tiễn nó có thể mang lại những lợi ích thiết thực. Trong quá trình giảng dạy, sinh viên trường ta cũng nhận thấy rằng, môn học này mang lại nhiều ý nghĩa, vì vậy mà các bạn học tập cũng rất hăng say, hứng thú.

PV: Những năm giảng dạy vừa qua tại Học viện, Thầy đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì trong việc truyền đạt kiến thức cho sinh viên?

Thầy Tuấn Anh: Về mặt thuận lợi thì có rất nhiều. Bởi mình từng là cựu sinh viên của Học viện, nên tâm lý cũng như phương pháp giảng dạy mình cũng đã làm quen, tiếp xúc. Cũng với môi trường hành chính của Học viện, mình đã từng là sinh viên nên hòa nhập rất nhanh. Thêm nữa, thế hệ sinh viên của các bạn hiện nay rất năng động. Ngoài việc học tập kiến thức trên lớp thì các bạn cũng còn có rất nhiều những luồng thông tin khác, ví dụ như mạng internet, những hệ thống thông tin điện tử từ thư viện ngày càng được mở rộng, và đặc biệt các bạn rất thông minh.

Nhưng bên cạnh đó cũng có những khó khăn. Chính việc các bạn lợi dụng nhiều quá về công nghệ thông tin, nên các bạn ỷ lại vào nó, vì thế trí nhớ của các bạn suy giảm dần, các nếp nhăn trong não của các bạn cũng không còn giống như thời chúng tôi nữa (cười). Bây giờ, tinh thần học của các bạn ỷ lại vào các thầy cô, đó cũng là một trở ngại trong quá trình giảng dạy của chúng tôi cũng như học tập đối với các bạn. Tâm lý của các bạn sinh viên bây giờ thường là tâm lý “ăn sẵn”. Học thì cũng…”vừa vừa”, đến lúc thi các bạn có thể ra quán photo, mua tài liệu đã được in sẵn rồi đem vào phòng thi. Đó cũng là hồi chuông mà tôi gióng lên cảnh báo.

Thực ra học và thi, nếu các bạn có một quá trình, lối mòn từ ban đầu đến lúc thi, thì các bạn sẽ thu được rất nhiều kiến thức. Còn nếu học theo kiểu chống đối như vậy, thì các bạn sẽ mất rất nhiều thứ, đặc biệt là những nền tảng kiến thức cơ bản, những khái niệm. Và nó sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến lối mòn tư duy của các bạn đặc biệt là khi các bạn ra trường, và sau đó đi làm.

IMG_7303

Thầy Đỗ Tuấn Anh tham gia buổi sinh hoạt Chi đoàn của Chi đoàn KH13A2 tháng 3/2013

PV: Được biết khi còn là sinh viên, thầy đã tham gia rất nhiệt tình và năng nổ các công tác Đoàn – Hội. Vậy Thầy có thể cho biết, những hoạt động Đoàn – Hội thời sinh viên của Thầy so với bây giờ có gì khác nhau không ạ?

Thầy Tuấn Anh: Thực ra về mặt bản chất của hoạt động Đoàn, là những hoạt động vì cộng đồng chung. Nói về sự khác biệt thì hầu như là không có, nhưng như vậy không có nghĩa, giữa chúng không có những điểm khác biệt. Thế hệ chúng tôi tham gia Đoàn một cách rất vô tư, tất cả anh em, bạn bè tham gia Đoàn chỉ hướng đến một mục đích duy nhất đó là đóng góp cho xã hội và không có động cơ mục đích gì ở đằng sau. Nhưng bản thân tôi thấy rằng trong khoảng chục năm trở lại đây, một số ít các bạn tham gia công tác Đoàn cũng có một vài động cơ khác nhau. Và chính điều đó, đã làm biến tướng, thay đổi đi bản chất của phong trào Đoàn, dần dần nó mang tính chất động cơ mục đích, vì cá nhân nhiều hơn là tập thể. Vì vậy các bạn tham gia công tác Đoàn – Hội bây giờ, có những quá trình tranh giành đấu đá, hoặc phê phán, phán xét nhau. Chính điều đó làm giảm đi ý nghĩa rất lớn của phong trào Đoàn và công tác thanh niên bây giờ.

Thêm nữa, thời kỳ chúng tôi làm Đoàn, vấn đề vật chất cũng như kinh phí không phải là vấn đề quá nặng nề, mà đa phần là anh em tự đóng góp hoặc huy động từ xã hội. Nhưng tôi thấy các bạn làm Đoàn bây giờ vấn đề kinh phí bị đặt nặng quá, nên một số chương trình các bạn thực hiện tính sáng tạo bị giảm đi nhiều. Vì vậy phong trào Đoàn và thanh niên bây giờ có phần đi xuống, và cũng không sôi nổi, nhiệt huyết bằng thời chúng tôi. Đặc biệt để kiếm tìm tài năng về hoạt động Đoàn – Hội bây giờ, thì cũng khá hiếm (cười). Thời chúng tôi hoạt động Đoàn – Hội, ngoài ca, hát, đàn, sáo ra thì thể dục, văn hóa, thể thao, học tập thì tất cả mọi thứ chúng tôi đều rất tài (cười). Nhưng bây giờ tôi thấy các bạn có thể rất tài năng trên một lĩnh vực, như nghệ thuật chẳng hạn, nhưng học tập thì chắc chắn các bạn không bằng chúng tôi. Và chính điều này, làm giảm đi tính hòa nhập khi các bạn tham gia công tác Đoàn ở địa phương. Đó cũng là điểm yếu chung của các bạn bây giờ.

PV: Khi còn là sinh viên, tham gia những công tác Đoàn – Hội như vậy, kỷ niệm nào đã để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng Thầy ạ?

Thầy Tuấn Anh: Tôi nhớ năm 2006, khi mới là sinh viên năm đầu đi tình nguyện Mùa hè xanh ở Sóc Sơn. Năm đó cả đoàn đi thì tất cả mọi người đều bị ngứa và ghẻ, dù vậy thì anh em trong đoàn vẫn có tinh thần cống hiến nhiệt tình. Cả đội cứ luân phiên nhau đưa về Hà Nội bằng xe máy, chữa ghẻ xong lại xuống. Điều kiện cực kỳ khó khăn vất vả nhưng cuộc sống của anh rem vẫn rất vui vẻ, qua đó mới thấy được phong trào làm Đoàn của thanh niên Học viện chúng ta rất tuyệt vời. Đến bây giờ khi tham gia công tác Đoàn, dẫn các bạn tình nguyện Mùa hè xanh, tôi vẫn luôn nhắc lại những kỷ niệm, khó khăn mà các anh chị đi trước phải trải qua. So với thế hệ bây giờ, các em may mắn hơn nhiều, kinh tế có, nhà ở có, điện có, bếp ga có… nhưng với thế hệ chúng tôi tất cả những thứ đó đề không có, đều phải “tự cung tự cấp” (cười). Mặc dù vậy, cuộc sống tình nguyện vẫn rất vui vẻ, và đó cũng là một trong số những kỷ niệm khó quên trong quãng đời sinh viên của tôi.

PV: Thầy có những chia sẻ gì tới sinh viên chúng em khi tham gia các công tác Đoàn – Hội không ạ?

Thầy Tuấn Anh: Khi các em tham gia công Đoàn, và phong trào thanh niên của Học viện, cố gắng mang tinh thần tập thể cộng đồng, vui vẻ và quan trọng là sau khi tham gia những phong trào như vậy thì các em đã rèn luyện được những kỹ năng gì. Nếu tham gia những phong trào, công tác Đoàn – Hội này thì các bạn sẽ có rất nhiều kỹ năng để tồn tại và hòa nhập với xã hội. Khi các em tham gia công tác Đoàn với mục đích, ý đồ nào đó thì sẽ làm sai lệch đi ý nghĩa mục đích. Quan trọng là khi tham gia mình rèn luyện được những gì, đặc biệt là những kỹ năng mềm và chúng sẽ rất có ý nghĩa sau này khi các bạn ra trường, bắt đầu những trải nghiệm mới.

_MG_7742

Thầy Đỗ Tuấn Anh trong chuyến đi thực tế của Đoàn Thanh niên Học viện tháng 5/2016 

PV: Được biết trước khi “bén duyên” với nghề giáo, Thầy đã từng có khoảng thời gian ngắn làm trong một công ty tư nhân. Vậy điều gì đã thôi thúc Thầy, về lại với mái nhà Học viện, với vai trò là một giảng viên?

Thầy Tuấn Anh: Thực ra tôi có một sở trường, đó là nói và diễn thuyết, kèm với đó là trí nhớ khá dai (cười). Thời kỳ 2010, lúc đó tôi làm ở ngoài với lương tháng cũng không hề nhỏ 800$/tháng, đến khi về Học viện, lương tháng đầu tiên tôi nhận được chỉ vẻn vẹn có 1,428,000VNĐ/tháng thôi. Nhưng chốt lại một vấn đề, đó là đam mê nghề nghiệp và lương tâm của mình. Tôi cũng xuất thân là một sinh viên Học viện, và bản thân tự nhận thấy mình có đam mê, những kiến thức có thể truyền đạt lại cho các bạn “hậu bối” thế hệ sau, mong rằng các bạn sẽ đóng góp được nhiều cho xã hội sau này. Vì vậy tôi quyết tâm quay trở về trường làm giảng viên, để truyền đạt lại những kiến thức, kinh nghiệm cũng như những trải nghiệm của cuộc đời mình cho những thế hệ sinh viên tiếp theo, giúp các bạn trưởng thành hơn.

PV: Sắp tới, Học viện ta sẽ chia tay anh chị khóa K13 sau 4 năm gắn bó với trường, cùng với đó là sự góp mặt của những tân sinh viên K17. Vậy Thầy có điều gì gửi gắm tới những thế hệ đã, đang và sẽ là sinh viên của Học viện Hành chính Quốc gia không ạ?

Thầy Tuấn Anh: Các bạn nên tự hào là sinh viên của Học viện. Đây là một ngôi trường rất đặc thù, cả đất nước chúng ta chỉ có mỗi Học viện Hành chính đào tạo các bạn ra làm cán bộ công chức. Vì vậy các bạn hãy giữ ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết của mình với mái nhà Học viện. Dù đi đâu làm gì, các bạn hãy cố gắng phấn đấu, đóng góp, và làm rạng danh cho Học viện Hành chính mình. Nếu trong tương lai, các bạn quay trở lại trường học tiếp hay làm công tác khác, tôi nghĩ đó là một cái duyên, may mắn trong suốt cuộc đời công danh sự nghiệp này của các bạn.

PV: Em cảm ơn Thầy vì buổi phỏng phỏng vấn này. Chúc Thầy dồi dào sức khỏe, công tác tốt và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống ./.

Đình Cẩn thực hiện.

Comments are closed.