Hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng  sâu, rộng, hoạt động hợp tác quốc tế trở thành một trong những phương thức cơ bản để thực hiện thành công chiến lược phát triển của Học viện Hành chính Quốc gia, tăng cường năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học, trực tiếp hỗ trợ quá trình chia sẻ, chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý hiện đại nhằm phát triển nguồn nhân lực hành chính chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Hoạt động hợp tác quốc tế góp phần nâng cao uy tín và vị thế quốc tế của Học viện.  Học viện đã xây dựng và phát triển mạng lưới hợp tác quốc tế rộng khắp từ châu Á, châu Âu đến châu Mỹ với những trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu về hành chính công, quản trị công, chính sách công. Học viện là thành viên của nhiều diễn đàn có uy tín trong khu vực và trên thế giới. như: Hiệp hội Quốc tế các Trường và Học viện Hành chính (IASIA), Tổ chức Hành chính Miền Đông thế giới (EROPA), Nhóm Hành chính công ASEAN (AGPA), Mạng lưới Học viện đào tạo Công vụ ASEAN (PSTI), v.v..  Giám đốc Học viện hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng điều hành Tổ chức Hành chính miền Đông thế giới.

Công tác hợp tác quốc tế từng bước góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện. Học viện trở thành điểm đến đáng tin cậy để chính phủ nhiều quốc gia trong khu vực cử công chức lãnh đạo, quản lý sang học tập và nghiên cứu, khảo sát. Học viện đã bồi dưỡng trên 600 lượt công chức lãnh đạo cấp vụ và cấp thứ trưởng cho Chính phủ Băng-la-đét, trên 200 cán bộ nguồn cho chính phủ Ấn Độ, Pakistan, trên 400 công chức cao, trung cấp, khoảng 2000 lưu học sinh, nghiên cứu sinh cho Chính phủ Lào, gần 70 cán bộ, công chức thuộc Vương quốc Campuchia. Ngoài ra, Học viện còn tổ chức nghiên cứu, khảo sát cho cán bộ, công chức Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, In-đô-nê-xia, Phi-lip-pin, v.v.

Hàng năm, Học viện tiếp nhận khoảng 30 đến 40 sinh viên Lào theo học chương trình cử nhân. Việc học tập tập trung cùng các sinh viên Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên Lào. Việc tổ chức và tham gia các sự kiện như đón Tết cổ truyền Bunpimay, chúc mừng Quốc khánh Lào tạo cơ hội cho sinh viên Việt Nam giao lưu, tìm hiểu về Tết cổ truyền, các nét văn hoá của nước bạn Lào như tập tục buộc chỉ cổ tay, té nước, múa lăm vông.v.v. qua đó, vun đắp tình cảm hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Lào.

Ngoài ra, Học viện còn xúc tiến triển khai một số chương trình như tổ chức chương trình nói chuyện chuyên đề giữa chuyên gia khoa học thuộc các quốc gia Pháp, Đức, Ý, Hoa Kỳ với sinh viên Học viện; giao lưu văn hóa, giao lưu học thuật giữa sinh viên thuộc các quốc gia Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, In-đô-nê-xia với sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Hà Nội, khu vực miền Trung; Hợp tác với tổ chức KOICA – Hàn Quốc để triển khai đón Tình nguyện viên làm việc tại Học viện nhiệm kỳ 02 năm, giao lưu văn hóa hai quốc gia Việt Nam – Hàn Quốc và hỗ trợ sinh viên học tiếng Hàn; sinh viên Học viện tại khu vực Hà Nội được nhận học bổng trị giá 50% mức học phí khi tham gia học tập, nâng cao trình độ tiếng Hàn tại trường đối tác; hợp tác với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội để triển khai tiếp nhận giảng viên hỗ trợ nâng cao năng lực cho sinh viện Học viện chuyên ngành ngôn ngữ Anh.

Học viện đã thực hiện 05 khóa liên kết đào tạo quốc tế với các cơ sở đào tạo có uy tín trên thế giới như Chương trình thạc sĩ hành chính công phối hợp với Trường Hành chính Quốc gia Québec, Canađa, Thạc sĩ quản lý tài chính công và chính sách công phối hợp với ĐHTH Tampere, Phần Lan.

Học viện cũng triển khai nhiều khóa bồi dưỡng quốc tế, các khóa bồi dưỡng kết hợp trong và ngoài nước cho công chức lãnh đạo quản lý từ trung ương đến địa phương, công chức lãnh đạo tiềm năng cấp chiến lược. Đồng thời, hằng năm, Học viện tổ chức nhiều khoa bồi dưỡng do chuyên gia quốc tế giảng dạy tại Học viện giúp nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên Học viện.

Hàng năm, Học viện tổ chức từ 7 đến 13 hội thảo, diễn đàn quốc tế, đã đăng cai tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn như Hội nghị thường niên của Tổ chức Hành chính Miền đông Thế giới 2005, 2014, Diễn đàn Quản trị Châu Á 2018, Cuộc họp những người đứng đầu các cơ sở đào tạo thuộc mạng lưới các cơ sở đào tạo công vụ ASEAN năm 2023,v.v.

Hoạt động hợp tác quốc tế còn hỗ trợ quá trình chuyển giao công nghệ đào tạo bồi dưỡng tiên tiến vào thực tiễn Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo bồi dưỡng, hỗ trợ trực tiếp các mục tiêu phát triển và chuyển đổi lớn của Học viện như đào tạo bồi dưỡng theo chức danh, đào tạo theo hướng thực hành, đào tạo trực tuyến, đào tạo theo định hướng phát triển kỹ năng, đào tạo, bồi dưỡng công chức lãnh đạo tiềm năng cấp chiến lược, đào tạo bồi dưỡng nhân sự chủ chốt để xây dựng nền công vụ ưu tú, v.v.

1. Một số dự án hợp tác quốc tế trong đào tạo

1.1. Chương trình Trao đổi sinh viên giữa Học viện Hành chính Quốc gia và Trường Đại học Niagara – Hoa Kỳ

Học viện Hành chính Quốc gia (Trường Đại học Nội vụ Hà Nội trước ngày 1/1/2023) thiết lập quan hệ hợp tác và ký Thoả thuận hợp tác với Đại học Niagara, Hoa Kỳ từ năm 2014. Các nội dung hợp tác được thực hiện dưới nhiều hình thức như tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa giảng viên, viên chức hai cơ sở đào tạo và đặc biệt là triển khai chương trình trao đổi sinh viên. Hàng năm, trên cơ sở thông báo của Đại học Niagara, Hoa Kỳ, Học viện sẽ gửi Thông báo tới sinh viên để nghiên cứu, xem xét khả năng và đăng ký tham gia chương trình. Tới thời điểm hiện tại, Học viện đã có 3 sinh viên tham gia chương trình trao đổi sinh viên này.

Thông tin cụ thể về Chương trình Trao đổi sinh viên với Trường Đại học Niagara – Hoa Kỳ:

Mục tiêu

Chương trình trao đổi sinh viên nhằm nâng cao năng lực tiếng Anh, học tập chuyên môn và giao lưu văn hóa Việt Nam – Hoa Kỳ.

Chương trình học tập

Chương trình Trao đổi sinh viên thường thực hiện vào học kỳ mùa thu và học kỳ mùa xuân, thời gian học tập 4 tháng/01 học kỳ tại Trường Đại học Niagara – Hoa Kỳ.

Điều kiện

– Sinh viên hệ chính quy hiện đang học tại các cơ sở của Học viện Hành chính Quốc gia trên phạm vi toàn quốc, đã học ít nhất 01 học kỳ tại Học viện hoặc còn ít nhất 12 tín chỉ chưa hoàn thành (kể cả Khóa luận tốt nghiệp/Thực tập cuối khóa) tại thời điểm nộp đơn tham dự chương trình.

– Có điểm trung bình chung tích lũy của các môn học tính đến kỳ học hiện tại từ 2,5 trở lên (Thời gian xác nhận bảng điểm tính đến ngày nộp đơn tham gia chương trình không quá 2 tuần).

– Yêu cầu về ngoại ngữ: TOEFL: 79+, IELTS: 6.0+, CET6: 450+, hoặc CET4: 475+.

– Sinh viên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không đang trong thời gian bị kỷ luật.

Quy trình tuyển chọn

Thực hiện theo quy định triển khai chương trình trao đổi sinh viên với các cơ sở giáo dục nước ngoài.

Kinh phí học tập

– Sinh viên tham dự chương trình trao đổi sinh viên được miễn học phí;

– Chi phí ăn ở, liên quan đến học tập và sử dụng các dịch vụ khác theo quy định của Trường Đại học Niagara, Hoa Kỳ;

– Sinh viên tự túc vé máy bay, phí bảo hiểm.

1.2. Chương  trình Thực tập hưởng lương tại Italia

Học viện Hành chính Quốc gia hợp tác với Đại học Hà Nội trong triển khai, thụ hưởng các chương trình hợp tác trong khuôn khổ chương trình Erasmus Mundus. Chương trình Erasmus Mundus của Liên minh Châu Âu là chương trình nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học thông qua học bổng và hợp tác học thuật giữa EU và phần còn lại của thế giới.

Năm 2023, sinh viên Học viện đã đăng ký thành công chương trình thực tập hưởng lương tại Italia trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Hà Nội (Việt Nam), Công ty Europe 3000 (Bergamo, Italia) và Trường đào tạo châu Âu về du lịch UET Italia.

Thông tin cơ bản tuyển chọn sinh viên cho chương trình thực tập tại Italia  như sau:

Số lượng suất thực tập và yêu cầu đối với các ứng viên

120 suất, mỗi suất 4 tháng hoặc 4 tháng rưỡi trong giai đoạn từ cuối tháng 5/đầu tháng 6 đến hết tháng 9/giữa tháng 10.

Yêu cầu đối với ứng viên:

– Sinh viên năm thứ hai trở lên của các ngành về Du lịch hoặc Nông thực phẩm hoặc các ngành liên quan tới hai ngành trên của Trường Đại học Hà Nội và các trường Đại học có hợp tác với trường Đại học Hà Nội (Ví dụ một số ngành được coi là ngành liên quan như: các ngành thuộc Khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch FMT của HANU, Ngôn ngữ Italia (định hướng Du lịch), Khoa học ẩm thực, Công nghệ thực phẩm, Kỹ sư thực phẩm, Kỹ sư nông nghiệp, Kinh tế nông nghiệp, Môi trường v.v…

– Sinh viên cần có kết quả học tập Trung bình khá trở lên (6.0 điểm trên thang 10) và có năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Italia) giao tiếp từ B1 trở lên.

– Ngoài ra, sinh viên cần có sức khỏe tốt, chịu được áp lực công việc, không ngại khó khăn, có tinh thần trách nhiệm trong công việc và tính sẵn sàng cao.

Địa điểm thực tập:

Nhà hàng hoặc khách sạn tại vùng Sardegna hoặc vùng Lombardia của Italia có thỏa thuận hợp tác với Trường UET Italia và Công ty Europe3000.

Một số nơi thực tập dự kiến (có thể thay đổi tùy theo điều kiện thực tế): Sporting Hotel (Budoni, Sardegna); Janna ‘e Sole (Budoni, Sardegna); Baia Dei Mori (Budoni, Sardegna); Cala Fiorita/Eurovillage (Budoni, Sardegna); Baia Bianca (San Teodoro; Torres Salinas (Muravera); Baia di Conte (Alghero).

Quyền lợi và nghĩa vụ của sinh viên trúng tuyển học bổng:

Quyền lợi:

– Được hưởng hỗ trợ 700 Euro/tháng và ăn ở miễn phí tại Nhà hàng hoặc Khách sạn nơi thực tập trong thời gian thực tập.

– Kết thúc chương trình thực tập, sinh viên sẽ được nhận chứng chỉ xác nhận thực tập do doanh nghiệp Italia cấp để bổ sung vào CV của mình.

Nghĩa vụ

– Hoàn thành tốt chương trình thực tập theo yêu cầu của Trường UET Italia và Công ty Europe3000.

– Sinh viên trúng tuyển cần hoàn thành học phí tiếng Italia và lệ phí theo quy định (nếu theo học tiếng Italia). Ngoài ra, sinh viên vẫn cần hoàn thành nghĩa vụ học phí chính quy theo quy định tại trường Đại học tại Việt Nam nơi sinh viên theo học.

2. Chương trình học bổng quốc tế của Tổ chức Hỗ trợ Đại học Thế giới Đức (WUS)

Học bổng Hessen là chương trình học bổng do Bộ khoa học và Nghệ thuật bang Hessen CHLB Đức (HMWK) thông qua Tổ chức Hỗ trợ Đại học Thế giới Đức (World University Service – WUS) hỗ trợ cho các sinh viên có kết quả học tập loại khá, giỏi và có hoàn cảnh khó khăn của các trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam. Chương trình học bổng này được thực hiện hàng năm, đến nay đã triển khai được 30  năm.

Hàng năm, WUS sẽ dành cho sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia từ 3 đến 5 xuất học bổng.

Điều kiện để được cấp học bổng:

  1. Kết quả học tập trung bình học kỳ II năm học 2017/2018 đạt từ 7,5 điểm trở lên.
  2. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, hoặc là con thương binh, liệt sĩ, dân tộc thiểu số,v.v.
  3. Không nhận hỗ trợ học bổng của bất cứ tổ chức, cá nhân nào khác.
  4. Đã tham gia các hoạt động xã hội (tiêu chí ưu tiên) như: hiến máu nhân đạo, thanh niên tình nguyện, hỗ trợ đồng bào bão lụt, thiên tai v.v…

Mỗi sinh viên được lựa chọn, đáp ứng các tiêu chí trên sẽ được nhận 12 tháng học bổng (12 tháng x 18 euro = 216 euro), được quy đổi ra tiền Việt Nam theo tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Chương trình tình nguyện viên cho các hoạt động hợp tác quốc tế

Sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia có năng lực ngoại ngữ, khả năng giao tiếp tốt có thể được lựa chọn tham gia vào đội tình nguyện viên phục vụ cho các hoạt động hợp tác quốc tế của Học viện như hỗ trợ các Hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế.

Năm 2022, đội sinh viên tình nguyện Học viện đã được tập huấn nghiệp vụ để phục vụ đại biểu quốc tế tại Hội nghị những người đứng đầu các nền công vụ ASEAN và ASEAN+3, các nước đối tác đối thoại và Diễn đàn về Quản trị đất nước tốt (Hội nghị ACCSM 21). Hội nghị diễn ra trong 3 ngày tại khách sạn Melia, Hà Nội.

Tháng 7 năm 2023, đội sinh viên tình nguyện Học viện đã tham gia hỗ trợ cho Cuộc họp đại diện người đứng đầu các cơ sở đào tạo thuộc Mạng lưới các cơ sở đào tạo công vụ ASEAN (PSTI) với chủ đề “Xây dựng năng lực công chức lãnh đạo, quản lý trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững” và Hội thảo “Nâng cao năng lực công chức lãnh đạo trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa” trong khuôn khổ các hoạt động triển khai nhiệm vụ Chủ tịch PSTI nhiệm kỳ 2023 – 2024 của Học viện.

Tháng 10 năm 2023, Học viện với tư cách là thành viên cấp nhà nước của Tổ chức Hành chính Miền Đông Thế giới (EROPA) sẽ đăng cai tổ chức cuộc họp Hội đồng EROPA lần thứ 68 và Hội nghị Thường niên EROPA năm 2023 với chủ đề dự kiến “Vai trò của quản trị công trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”. Đội sinh viên tình nguyện Học viện sẽ được huy động tham gia phục vụ Hội nghị.

Lợi ích của việc tham gia các chương trình tình nguyện:

– Sinh viên có cơ hội được nâng cao năng lực ngoại ngữ thông qua việc tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi với chuyên gia quốc tế.

– Gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà khoa học, các chuyên gia các Trường Đại học quốc tế, các nhà quản lý, lãnh đạo cấp cao trong hệ thống công vụ các nước trong khu vực và trên thế giới.

– Phát triển các kỹ năng mềm quan trọng như làm việc nhóm, giao tiếp và làm việc trong môi trường quốc tế, giải quyết vấn đề, xử lý tình huống và quản lý thời gian.v.v.

– Được cấp giấy khen của Học viện sau khi hoàn thành tốt chương trình tình nguyện.

4. Địa chỉ liên hệ để biết thêm thông tin về các chương trình hợp tác:

Ban Hợp tác quốc tế;

Phòng 513, Nhà C, Học viện Hành chính Quốc gia, 77 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội

ĐT: 024.3.8359291

Website: https://www1.napa.vn/en/

Comments are closed.