Thông tin bảo vệ của nghiên cứu sinh tháng 9 và 10 năm 2015

TIN NGHIÊN CỨU SINH BẢO VỆ THÀNH CÔNG

LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH CÔNG

(tháng 9 và tháng 10/2015)

 

Trong tháng 9 và tháng 10 năm 2015, tại Học viện Hành chính Quốc gia, một số nghiên cứu sinh đã bảo thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Quản lý Hành chính công, mã số 62 34 82 01, trước Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Học viện.

  1. Ngày 25/9/2015, NCS Đinh Lâm Tấn, công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã bảo vệ thành công luận án với kết quả 6/6 phiếu Đạt.

NCS Đinh Lâm Tấn hoàn thành luận án với đề tài “Đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam” dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Phạm Kiên Cường và TS. Nguyễn Văn Trung.

Luận án của NCS Đinh Lâm Tấn có một số điểm mới như sau:

  • Tập hợp được hệ thống tài liệu phong phú, giàu tính thực tiễn để tạo cơ sở pháp lý cho việc xem xét đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế xã hội;
  • Phân tích khá toàn diện, sâu sắc thực trạng đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở nước ta những năm qua;

– Đề xuất được mô hình đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế xã hội theo kết quả đầu ra trong điều kiện hiện nay làm cơ sở cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vận dụng đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm.

Đinh Lâm Tấn là nghiên cứu sinh thứ 50 bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Quản lý hành chính công tại Học viện Hành chính Quốc gia.

 

  1. Ngày 8/10/2015, NCS Trần Văn Trung, công tác tại Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam, đã bảo vệ thành công luận án với kết quả 7/7 phiếu Đạt.

NCS Trần Văn Trung hoàn thành luận án với đề tài “Chính sách phát triển nguồn nhân lực trẻ vùng Tây Bắc Việt Nam hiện nay” dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Đinh Thị Minh Tuyết và GS.TS. Đặng Cảnh Khanh.

Luận án của NCS Trần Văn Trung có một số điểm mới như sau:

– Củng cố, bổ sung về mặt học thuật các khái niệm: Nguồn nhân lực trẻ; chính sách phát triển nguồn nhân lực trẻ; vai trò của chính sách phát triển nguồn nhân lực trẻ; mối quan hệ chính sách phát triển nguồn nhân lực trẻ với các chính sách kinh tế, xã hội khác; đặc điểm nguồn nhân lực trẻ vùng Tây Bắc. Tác giả đã làm rõ nội hàm của chính sách phát triển nguồn nhân lực trẻ vùng Tây Bắc gồm chính sách tác động đến số lượng, chất lượng, cơ cấu, tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực trẻ Tây Bắc.

– Phân tích, đánh giá thực trạng về hiệu lực, hiệu quả, đưa ra các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong tổ chức, triển khai các chính sách và cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định, xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực trẻ Tây Bắc của Đảng và Nhà nước hiện nay.

– Đề xuất hệ thống 7 nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện các chính sách phát triển nguồn nhân lực trẻ vùng Tây Bắc: Nhóm giải pháp chính sách tác động đến phát triển giáo dục, đào tạo; Nhóm chính sách về y tế, tăng cường sức khỏe của Thanh thiếu niên; Nhóm chính sách thu hút nguồn nhân lực trẻ đến vùng Tây Bắc; Nhóm chính sách tăng cường tính chủ thể cho lớp trẻ vùng Tây Bắc; Nhóm chính sách phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; Nhóm chính sách phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường giao lưu, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng; Nhóm chính sách huy động các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp tham gia váo đào tạo phát triển nguồn nhân lực trẻ.

 

  1. Ngày 21/10/2015, NCS Lê Văn Hòa, công tác tại Học viện Hành chính Quốc gia, đã bảo vệ thành công luận án với kết quả 6/6 phiếu Đạt.

NCS Lê Văn Hòa nghiên cứu đề tài Quản lý theo kết quả trong thực thi chính sách công ở Việt Nam dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh và PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải.

Luận án của NCS Lê Văn Hòa có một số điểm mới như sau:

– Củng cố, bổ sung về mặt học thuật các khái niệm và nội dung: Khái niệm quản lý theo kết quả, đặc trưng và quy trình quản lý theo kết quả; khái niệm thực thi chính sách công, khái niệm quản lý thực thi chính sách công, khái niệm quản lý thực thi chính sách công theo kết quả, các thành tố của quản lý thực thi chính sách công theo kết quả, lợi ích và các nguyên tắc quản lý thực thi chính sách công theo kết quả.

– Phân tích thực trạng quản lý thực thi chính sách công ở Việt Nam trên các phương diện: chủ thể thực thi và chủ thể quản lý thực thi chính sách công, nội dung quản lý thực thi chính sách công, đưa ra đánh giá về những kết quả đạt được và những hạn chế của quản lý thực thi chính sách công ở Việt Nam, và nguyên nhân của các kết quả đạt được và những hạn chế. Từ đó, luận án khẳng định việc áp dụng quản lý thực thi chính sách theo kết quả ở Việt Nam là cần thiết và khả thi. Đồng thời, trên cơ sở đối chiếu thực trạng quản lý thực thi chính sách công ở Việt Nam với yêu cầu của quản lý thực thi chính sách công theo kết quả, luận án đã xác định những nội dung quản lý cần sửa đổi, bổ sung và điều kiện để áp dụng thành công quản lý thực thi chính sách công theo kết quả ở Việt Nam trong thời gian tới.

– Đề xuất khung quản lý thực thi chính sách công theo kết quả, gồm 4 nội dung chính: Lập kế hoạch thực thi chính sách công theo kết quả, theo dõi kết quả thực hiện và quản lý rủi ro; đánh giá kết quả và báo cáo; xem xét kết quả thực hiện và đưa ra những điều chỉnh. Đồng thời, luận án đưa ra các giải pháp để áp dụng quản lý thực thi chính sách công theo kết quả ở Việt Nam như: Hoàn thiện khung pháp lý về quản lý thực thi chính sách công theo kết quả; thành lập cơ quan đánh giá kết quả thực thi chính sách công; xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn quản lý thực thi chính sách công theo kết quả; xây dựng đội ngũ chuyên gia về phân tích và đánh giá chính sách công; xây dựng văn hoá quản lý theo kết quả trong cơ quan hành chính nhà nước; quán triệt thực hiện đầy đủ các nguyên tắc quản lý thực thi chính sách công theo kết quả.

Nguồn: Sau đại học.

Comments are closed.