Sáng ngày 21/9/2023, tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Miền Trung (trụ sở tỉnh Quảng Nam), Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học “Kiểm soát quyền lực của chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay” thuộc đề tài khoa học cấp Bộ, mã số đề tài ĐTCT.09/23 do TS. Trần Quyết Thắng, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Miền Trung làm chủ nhiệm đề tài.
Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có: GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, Trường Đại học Tôn Đức Thắng; PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, Viện Nhà nước và Pháp luật; PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Nguyễn Thị Hoa Tâm, Trường Đại học Lao động – Xã hội cùng các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, cán bộ, giảng viên đến từ Học viện Chính trị Khu vực III; Thanh tra tỉnh Đăk Lăk; Trường chính trị Trường Chinh, tỉnh Nam Định; Trường Đại học Đà Lạt; Học viện An Ninh nhân dân; Học viện Cảnh sát Nhân dân; Trường Đại học Tài chính – Kế toán.
Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có: PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hiển, Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Miền Trung; PGS.TS. Nguyễn Minh Phương, Giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia; cùng các giảng viên, viên chức các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện Hành chính Quốc gia, Phân viện Học viện khu vực Miền Trung.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Miền Trung (trụ sở tỉnh Quảng Nam) và trên hệ thống phần mềm Microsoft Teams.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hiển, Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Miền Trung chào mừng các nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên các đơn vị trong và ngoài Học viện đã tham dự Hội thảo. PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hiển nhấn mạnh: “Kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương là một hoạt động tất yếu trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Hiệu quả kiểm soát sẽ đảm bảo cho quyền lực của chính quyền địa phương được thực thi theo đúng pháp luật, từ đó khắc phục được xu hướng tha hóa. Tuy nhiên, để kiểm soát được hiệu quả trong khi vẫn duy trì tính phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương là vấn đề khó khăn, đòi hỏi phải nghiên cứu cẩn trọng để đề xuất ra một cơ chế đảm bảo được tính cân bằng đó”. Chính vì vậy, việc nghiên cứu đổi về kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách.
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đại biểu và giảng viên với gần 30 bài viết, tham luận được gửi đến Ban Tổ chức Hội thảo. Các quan điểm, ý kiến của các đại biểu, chuyên gia được trình bày trong các bài viết tham luận Hội thảo xoay quanh 02 nội dung: (1) Những vấn đề chung về kiểm soát quyền lực của chính quyền địa phương; (2) Những vấn đề cụ thể về kiểm soát quyền lực nhà nước của địa phương.
Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Nghị Thanh, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia đề cập đến nội dung “Kiểm soát quyền lực nhà nước trên quan điểm lý thuyết quản lý công mới”. Bài tham luận đã nêu rõ việc kiểm soát quyền lực của chính quyền địa phương phải dựa trên 04 trụ cột sau: (1) sự tham gia của người dân; (2) tính công khai, minh bạch; (3) trách nhiệm giải trình và (4) phân quyền rõ ràng. Bốn trụ cột này có sự quan hệ, tác động qua lại lẫn nhau để nâng đỡ các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương.
Trong bài tham luận “Kiểm soát thực hiện quyền lực thông qua quy định pháp luật về công khai”, TS. Hạ Nhất Duy, Thanh tra tỉnh Đăk Lăk cho rằng, vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung và kiểm soát quyền lực của chính quyền địa phương nói riêng đều là mục tiêu của công khai bởi công khai là điều kiện để đảm bảo minh bạch. Theo TS. Hạ Nhất Duy, pháp luật hiện hành vẫn còn nhiều chồng chéo, khiếm khuyết khi điều chỉnh về công khai dẫn đến những hạn chế trong quá trình thực hiện công khai ở các cơ quan nhà nước nói chung và chính quyền địa phương nói riêng.
GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, Trường Đại học Tôn Đức Thắng trình bày tham luận “Chính quyền địa phương và việc kiểm soát chính quyền địa phương ở Việt Nam”. Với việc phân tích mở rộng bằng minh chứng tại các mô hình kiểm soát chính quyền địa phương Việt Nam qua các thời kì, tác giả đã khẳng định “tha hóa quyền lực” và “kiểm soát quyền lực” là hai vấn đề không cần phải chứng minh. Tuy nhiên, vấn đề cần nghiên cứu chính là mô hình kiểm soát nào mang đến hiệu quả cao nhất.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Minh Phương, giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia, chủ trì Hội thảo nhấn mạnh: “Kết quả của các trao đổi, ý kiến tham luận đầy tâm huyết, giá trị cao từ các nhà nghiên cứu đã mang đến nhiều khía cạnh, góc nhìn độc đáo và sâu sắc về các lĩnh vực thuộc chủ đề Hội thảo”. PGS.TS Nguyễn Minh Phương gửi lời cảm ơn chân thành đến lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia, lãnh đạo Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Miền Trung đã tạo mọi điều kiện để Hội thảo diễn ra thuận lợi; cảm ơn toàn thể các nhà khoa học đã quan tâm tham gia và góp phần làm nên thành công của Hội thảo.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Phòng QLKH, KT&TV