Thực hiện kế hoạch sinh hoạt chuyên đề Quý II/2024 của Chi bộ Phân hiệu; nhằm góp phần giáo dục, tuyên truyền truyền thống lịch sử cách mạng, truyền thống văn hoá của địa phương đến các đồng chí đảng viên thuộc Chi bộ Phân hiệu, chiều ngày 28/6/2024 Chi bộ Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Đắk Lắk tổ chức Sinh hoạt chuyên đề Quý II/2024 tại khu Di tích quốc gia đặc biệt Nhà Đày Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Tham dự sinh hoạt chuyên đề có đồng chí Thiều Huy Thuật – Phó Bí thư Chi bộ, Quyền Giám đốc Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Đắk Lắk, các đồng chí Chi ủy viên và toàn thể đảng viên thuộc Chi bộ.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi sinh hoạt chuyên đề, đồng chí Thiều Huy Thuật nêu rõ mục đích, ý nghĩa và nội dung sinh hoạt chuyên đề Quý II/2024. Theo đó, đồng chí nhấn mạnh thông qua sinh hoạt chuyên đề tại khu Di tích Nhà Đày Buôn Ma Thuột nhằm góp phần tuyên truyền, thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, củng cố, bồi đắp niềm tin của đảng viên thuộc Chi bộ đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nội dung sinh hoạt chuyên đề cũng sẽ góp phần cổ vũ, động viên toàn thể đảng viên, viên chức thuộc Phân viện chung sức, đồng lòng quyết tâm thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Phân hiệu năm 2024; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Chi bộ, giúp mỗi đảng viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao. Thay mặt Chi bộ Phân hiệu, đồng chí Phó Bí thư Chi bộ gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban Quản lý khu Di tích Nhà Đày Buôn Ma Thuột đã đón tiếp, giới thiệu về Khu Di tích đến toàn thể đảng viên thuộc Chi bộ Phân hiệu.
Đại diện Ban Quản lý khu Di tích cho biết Nhà Đày Buôn Ma Thuột được xây dựng trong những năm 1930 – 1931, là nơi giam giữ, đày ải tù chính trị chủ yếu ở các tỉnh Trung kỳ. Nhà đày được xây dựng với tổng diện tích gần 2 ha, với 4 bức tường bao quanh cao 4m, dày 40 cm, 4 góc đều có vọng gác và có lính canh 24/24 giờ, phía trong có 6 dãy lao tập thể, các dãy xà lim. Đây là nơi giam cầm, đày ải và thủ tiêu các chiến sĩ cách mạng với một chế độ hết sức khắc nghiệt và tàn bạo. Mặc dù bị giam trong điều kiện khắc nghiệt, tra tấn dã man, chế độ ăn uống kham khổ, bệnh tật đe dọa… nhưng không đè bẹp được ý chí kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ cách mạng. Họ đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, những truyền đơn, tài liệu, sách vở vẫn được truyền tay nhau ở trong nhà lao, hình thành các lớp học tập. Nhà đày Buôn Ma Thuột cũng là một trong những nơi ươm mầm hạt giống cho cách mạng. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã trưởng thành từ nơi này như đồng chí Võ Chí Công, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Phan Đăng Lưu.
Năm 1980 Nhà đày được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Tháng 12/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xếp hạng Nhà đày Buôn Ma Thuột là Di tích quốc gia đặc biệt. Hiện nay, Nhà đày Buôn Ma Thuột được đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của Nhân dân và du khách.
Một số hình ảnh tại buổi sinh hoạt chuyên đề:
Nguyễn Thị Ngọc