Thực hiện kế hoạch sinh hoạt chuyên đề Quý III/2023 của Chi bộ Phân viện; Nhằm góp phần giáo dục, tuyên truyền truyền thống lịch sử cách mạng, truyền thống văn hoá của địa phương đến các đồng chí đảng viên thuộc Chi bộ Phân viện, chiều ngày 27/9/2023 Chi bộ Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên tổ chức Sinh hoạt chuyên đề Quý III/2023 tại Khu Di tích lịch sử – văn hoá Đồn điền CADA thuộc huyện Krông Pắc tỉnh Đắk Lắk.
Tham dự sinh hoạt chuyên đề có đồng chí Thiều Huy Thuật – Phó Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Phụ trách Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên, các đồng chí Chi uỷ viên và toàn thể đảng viên thuộc Chi bộ.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi sinh hoạt chuyên đề, đồng chí Thiều Huy Thuật nêu rõ mục đích, ý nghĩa và nội dung sinh hoạt chuyên đề Quý III/2023. Theo đó, đồng chí nhấn mạnh thông qua sinh hoạt chuyên đề tại Di tích CADA nhằm góp phần tuyên truyền, thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, củng cố, bồi đắp niềm tin của đảng viên thuộc Chi bộ đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nội dung sinh hoạt chuyên đề cũng sẽ góp phần cổ vũ, động viên toàn thể đảng viên, viên chức thuộc Phân viện chung sức, đồng lòng quyết tâm thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Phân viện năm 2023; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Chi bộ, giúp mỗi đảng viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao. Thay mặt Chi bộ Phân viện, đồng chí Phó Bí thư Chi bộ gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban Quản lý Di tích lịch sử – văn hoá CADA đã đón tiếp, giới thiệu về Khu Di tích đến toàn thể đảng viên thuộc Chi bộ Phân viện.
Đại diện Ban Quản lý khu Di tích cho biết CADA là nơi thực dân Pháp mở đầu cho việc cướp đoạt đất đai để khai thác tài nguyên một cách quy mô trong quá trình khai thác thuộc địa ở Đắk Lắk. Việc lập đồn điền và du nhập chủ nghĩa tư bản thực dân đã phá vỡ nền kinh tế truyền thống của các dân tộc thiểu số nơi đây. Quá trình khai thác mạnh nhất của thực dân Pháp tại Đồn điền CADA bắt đầu từ năm 1925 đến năm 1934. Chúng bóc lột công nhân bằng đồng lương rẻ mạt và đối xử vô cùng tàn nhẫn. Cuối năm 1944, Chi bộ Nhà Đày (Buôn Ma Thuột) đã xây dựng được những cơ sở trong đồn lính khố xanh, thành lập một số tổ chức bán hợp pháp hoạt động lan toả khắp các đồn điền mà mạnh nhất là Đồn điền CADA. Năm 1945, CADA được Ban Lãnh đạo lâm thời chọn giao nhiệm vụ nòng cốt trong cuộc khởi nghĩa. CADA cũng là nơi huấn luyện, tập hợp lực lượng để giành chính quyền. CADA là nơi ra đời của Chi bộ đồn điền – Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của công nhân tại tỉnh tỉnh Đắk Lắk. Sáng 19/8/1945, cờ cách mạng đỏ rực tung bay trên cột cờ giữa sân Đồn điền CADA. Quá trình ra đời và trưởng thành của công nhân Đồn điền CADA góp phần khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng tại Đắk Lắk, có ý nghĩa quan trọng đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 ở tỉnh Đắk Lắk. Sau ngày đất nước thống nhất, Đồn điền CADA được giao cho Công ty quốc doanh Nông nghiệp Đắk Lắk quản lý. Trên cơ sở đó, năm 1977 Nông trường cà phê Phước An được thành lập, tiếp đó tháng 5/1989 Nông trường cà phê Tháng Mười ra đời, hai Nông trường này đã có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Lắk nói chung và huyện Krông Pắc nói riêng. Với giá trị lịch sử và hiện trạng của Đồn điền CADA, ngày 26/01/1999, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã ban hành Quyết định số 02/1999/QĐ-BVHTT xếp hạng Đồn điền CADA là Di tích lịch sử quốc gia.
Một số hình ảnh tại buổi sinh hoạt chuyên đề:
Nguyễn Thị Ngọc