Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ năm 2023 đã được phê duyệt, ngày 23/5/2024 Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thực trạng mô hình tự quản cộng đồng thôn, buôn ở khu vực Tây Nguyên hiện nay”.
Đến tham dự Hội thảo, về phía khách mời có ThS. Nguyễn Thị Thu Hường – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông; ThS. Bùi Hiếu – Tỉnh ủy viên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông; ThS. Bùi Thị Hoàng Diệu – Chuyên viên phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên, Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông; ThS. Lê Xuân Chiến – Phó Trưởng phòng, Phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên, Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk; ThS. Ngô Sáu – Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk; PGG. TS. Buôn Krông Tuyết Nhung – Giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên; PGS.TS Tuyết Hoa Niê Kđăm – Nguyên là giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên. Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có sự tham dự của các giảng viên, các nhà khoa học thuộc các khoa chuyên môn thuộc Học viện. Về phía Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Đắk Lắk có TS. Thiều Huy Thuật – Quyền Giám đốc Phân hiệu, Chủ nhiệm đề tài khoa học và các giảng viên, viên chức thuộc Phân hiệu đến dự và tham gia thảo luận tại Hội thảo.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, TS. Thiều Huy Thuật – Chủ trì Hội thảo khẳng định mặc dù không phải là một cấp hành chính nhưng thôn, buôn có ý nghĩa quan trọng đối với chính quyền cơ sở. Các hoạt động tự quản của cộng đồng thôn, buôn không làm phương hại đến quyền lực và lợi ích của nhà nước. Hình thức tự quản cộng đồng thôn, buôn là một dạng hình thức quản lý xã hội có vị trí, vai trò bổ sung và hỗ trợ cho hoạt động quản lý xã hội của nhà nước. Kế thừa cơ chế tự quản theo luật tục của thiết chế xã hội truyền thống ở các buôn làng Tây Nguyên xưa, hiện nay tự quản cộng đồng thôn, buôn vẫn được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc chung trong cộng đồng trên các lĩnh vực và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cộng đồng thôn, buôn ở các địa phương thực hiện tự quản trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, an ninh trật tự, văn hóa đến bảo vệ môi trường. Ở mỗi lĩnh vực đều đạt được những kết quả tích cực, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, tự quản cộng đồng thôn, buôn ở các tỉnh Tây Nguyên cũng còn những mặt hạn chế nhất định, cần tiếp tục được nghiên cứu để khắc phục. Hội thảo là diễn đàn để trao đổi, thảo luận và làm sâu sắc hơn ý nghĩa, vai trò cũng như thực trạng tự quản cộng đồng thôn, buôn ở khu vực Tây Nguyên, từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình tự quản thôn, buôn ở các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian tới.
Qua hai phiên thảo luận, các tham luận và ý kiến phát biểu đã tập trung làm rõ ba vấn đề trọng tâm: Thứ nhất, những vấn đề lý luận về tự quản địa phương và tự quản cộng đồng thôn, buôn trên các phương diện khái niệm, sự cần thiết, chủ thể, phương thức tự quản; Thứ hai, đánh giá thực trạng mô hình tự quản cộng đồng thôn, buôn ở khu vực Tây Nguyên trong đó làm rõ những thành tựu đạt được, những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện; Thứ ba, đề xuất các giải pháp, khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình tự quản cộng đồng thôn, buôn ở khu vực Tây Nguyên trong thời gian tới.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Thiều Huy Thuật gửi lời cảm ơn đến các đại biểu, các nhà khoa học và toàn thể viên chức Phân viện đã đến tham dự, lắng nghe, chia sẻ những quan điểm, kinh nghiệm quý báu liên quan đến tổ chức và hoạt động của mô hình tự quản thôn, buôn ở Khu vực Tây Nguyên. Đồng thời, đồng chí Chủ trì Hội thảo cũng đề nghị Ban Tổ chức Hội thảo tổng hợp các ý kiến đóng góp, viết báo cáo chắt lọc kết quả Hội thảo để nhóm nghiên cứu đề tài khoa học tham khảo, có thêm những luận cứ khoa học nhằm triển khai có hiệu quả đề tài khoa học.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Nguyễn Thị Ngọc