Ngày 25/11/2022, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đào tạo trình độ đại học tại Tây Nguyên và vùng phụ cận – Giá trị tham khảo đối với Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tham dự Hội thảo, về phía Học viện Hành chính Quốc gia có TS. Thiều Huy Thuật – Phó Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên; Lãnh đạo các đơn vị cùng toàn thể viên chức, người lao động Phân viện.
Về phía các nhà khoa học ngoài Phân viện có ThS. Lê Đình Hoan – Phó Trưởng ban, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk; TS. Vũ Minh Chiến – Phó Trưởng phòng, Phòng Công tác chính trị HSSV trường Đại học Tây Nguyên; TS. Phan Bá Lê Hiền – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Duẩn, TP.BMT; ThS. Nguyễn Thanh Tuấn – Phụ trách phòng Quản lý khoa học và thông tin thư viện, Phân hiệu trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại tỉnh Quảng Nam; TS. Nguyễn Văn Khoa – Trưởng bộ môn Lý luận chính trị, Phân hiệu trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk; ThS. Nguyễn Văn Thọ – Phó Trưởng phòng, Phòng Chuyên môn tổng hợp, Phân hiệu trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk; TS. Nguyễn Khắc Trinh – Giảng viên trường Đại học Tây Nguyên; ThS. Xuân Thái Tuấn – Giảng viên, trường Cao đẳng sư phạm tỉnh Đắk Lắk.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý với hơn 30 bài tham luận được gửi đến Ban tổ chức. Nội dung các bài tham luận xoay quanh 3 vấn đề: Thứ nhất, làm sáng tỏ một số vấn đề tổng quan liên quan đến đào tạo trình độ đại học tại Tây Nguyên và vùng phụ cận; Thứ hai, trình bày thực trạng đào tạo trình độ đại học tại Tây Nguyên và vùng phụ cận; Thứ ba, nêu một số kinh nghiệm đào tạo trình độ đại học tại Tây Nguyên và vùng phụ cận cùng những gợi ý cho Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên để tổ chức có hiệu quả hoạt động đào tạo trình độ đại học trong thời gian sắp tới.
Trong bài Phát biểu đề dẫn, TS. Thiều Huy Thuật, thay mặt Ban Lãnh đạo Phân viện nhiệt liệt chào mừng các đại biểu, các nhà khoa học đến tham dự Hội thảo. Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội thảo với vai trò là một diễn đàn để các đại biểu, các nhà khoa học trao đổi, đánh giá thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trình độ đại học tại Tây Nguyên và vùng phụ cận đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Dưới góc nhìn của một nhà quản lý, trên cơ sở phân tích 2 yếu tố tác động là thực trạng tình hình kinh tế – xã hội, thực trạng sự phát triển giáo dục – đào tạo tại 05 tỉnh Tây Nguyên, báo cáo tham luận “Các yếu tố ảnh hưởng đến đào tạo trình độ đại học tại Tây Nguyên và vùng phụ cận” của ThS. Lê Đình Hoan đã nêu chi tiết bối cảnh cũng như một số giải pháp và kiến nghị để triển khai hoạt động đào tạo trình độ đại học tại khu vực Tây Nguyên trong thời gian sắp tới. Cụ thể, các cơ sở đào tạo đại học phải nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp và có giá trị đầu ra; Thay đổi phương pháp đào tạo; Gắn đào tạo với những vấn đề như khởi nghiệp, chia sẻ kiến thức, tri thức cho giới trẻ; Tăng cường hội nhập quốc tế trong đào tạo trình độ đại học.
Báo cáo tham luận của TS. Vũ Minh Chiến, ThS. Xuân Thái Tuấn với chủ đề “Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông người dân tộc thiểu số tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay” trên cơ sở phân tích ý nghĩa, thực trạng của công tác giáo dục hướng nghiệp đối với học sinh THPT người dân tộc thiểu số tại tỉnh Đắk Lắk bằng hình thức điều tra khảo sát để đưa ra một số đề xuất tăng cường hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh người dân tộc thiểu số tại tỉnh Đắk Lắk. Cụ thể: Tăng cường hiệu quả công tác của đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn hướng nghiệp; tăng cường nhận thức về định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT là người dân tộc thiểu số.
Báo cáo tham luận “Một số biện pháp góp phần nâng cao nhận thức định hướng nghề nghiệp của học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” của TS. Phan Bá Lê Hiền trình bày một số nghiên cứu về hướng nghiệp, công tác định hướng nghề nghiệp của nhà trường cho học sinh trung học phổ thông. Đồng thời đưa ra một số biện pháp nhằm giúp học sinh có sự lựa chọn nghề nghiệp tốt nhất. Cụ thể: Nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ quản lí trong nhà trường THPT về hoạt động hướng nghiệp; Đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên làm công tác hướng nghiệp trong nhà trường; Phát triển năng lực lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm.
Báo cáo tham luận của ThS. Nguyễn Thanh Tuấn với chủ đề “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch vùng Tây Nguyên” tập trung làm rõ thực trạng đào tạo nguồn nhân lực du lịch vùng Tây Nguyên hiện nay và đề xuất sáu nhóm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch vùng Tây Nguyên. Bên cạnh đó, ThS. Nguyễn Thanh Tuấn cũng đã chia sẻ thêm những kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh cũng như nâng cao chất lượng đào tạo của Phân hiệu trường Đại học nội vụ Hà Nội tại tỉnh Quảng Nam.
TS. Nguyễn Văn Khoa đã có những trao đổi liên quan đến báo cáo tham luận “Một số kinh nghiệm bước đầu trong phối hợp chuyên môn giữa khoa, bộ môn của phân hiệu trường đại học Luật Hà Nội với khoa, bộ môn tại trụ sở chính Hà Nội”. Đây cũng là những kinh nghiệm quý báu để Phân viện Tây Nguyên có thể tham khảo giúp nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa Phân viện với Học viện trong thời gian sắp tới.
Cùng đến từ Phân hiệu trường đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk, ThS. Nguyễn Văn Thọ đã nêu một số kinh nghiệm trong hoạt động tuyển sinh và tổ chức đào tạo của trường thông qua báo cáo tham luận “Hoạt động đào tạo ở Phân hiệu trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk”.
Đại diện Phân viện Tây Nguyên, ThS. Trần Thị Mai đã có những chia sẻ trong báo cáo tham luận “Đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam – Một số vấn đề đặt ra đối với Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên”. Trên cơ sở phân tích mục tiêu giáo dục đại học, triết lý giáo dục đại học, những khó khăn của Phân viện trong giai đoạn hiện nay, ThS. Trần Thị Mai đã nêu một số đề xuất để chuẩn bị cho hoạt động đào tạo trình độ đại học tại Phân viện trong thời gian sắp tới, tập trung vào 4 nhóm: tuyển sinh, chủ động đề xuất cơ chế đặc thù, đón đầu xu hướng giáo dục, cơ sở vật chất.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Thiều Huy Thuật gửi lời cảm ơn chân thành đến Lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia đã tạo điều kiện để Phân viện tổ chức Hội thảo; Các đại biểu, các nhà khoa học đã tham gia viết bài và tham dự, đóng góp ý kiến góp phần để Hội thảo thành công tốt đẹp. Những bài tham luận, những ý kiến đóng góp tại Hội thảo cũng là nguồn tư liệu quý giá được tổng hợp để tư vấn chính sách cho Ban giám đốc Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên về việc triển khai tổ chức đào tạo trình độ đại học tại Phân viện trong thời gian sắp tới.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Nguyễn Đào Xuân