Thực hiện kế hoạch hoạt động khoa học năm 2024 đã được Lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia phê duyệt, ngày 17/10/2024, Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học chủ đề “Nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của khu vực Tây Nguyên”.Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Đến tham dự Hội thảo, về phía khách mời có PGS. TS. Lê Đức Niêm – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tây Nguyên; PGS.TS. Phạm Thế Trịnh – Trưởng phòng, Phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk;TS. Hạ Nhất Duy – Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk; ThS. Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng phòng, Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk; ThS. Thái Thị Minh Phụng – Phó Trưởng khoa, Khoa Nhà nước và pháp luật, Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk; ThS. Vương Đình Thái – Trưởng khoa, Khoa Nhà nước và pháp luật, Trường Chính trị tỉnh Đắk Nông; TS. Đặng Văn Thanh – Giảng viên, Trường Đại học Hùng Vương.
Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có TS. Tạ Quang Tuấn – Phó Tổng biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước; một số giảng viên thuộc Khoa Hành chính học, Khoa Quản lý xã hội, Khoa Văn bản và Công nghệ Hành chính.
Về phía Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Đắk Lắk có TS. Thiều Huy Thuật – Quyền Giám đốc Phân hiệu; Trưởng, phó các đơn vị thuộc Phân hiệu; các giảng viên, viên chức thuộc Phân hiệu.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, TS. Thiều Huy Thuật – Chủ trì Hội thảo khẳng địnhtrong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần nâng cao sức cạnh tranh nội tại để phát triển bền vững. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là công cụ quan trọng giúp các địa phương cải thiện chất lượng điều hành, quản lý kinh tế và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, PCI tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên vẫn chưa thực sự được cải thiện và vẫn ở thứ hạng khá thấp so với các địa phương khác trong cả nước. Việc cải thiện PCI tại các tỉnh Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng kém, chất lượng nguồn nhân lực thấp và môi trường kinh doanh chưa thuận lợi. Hội thảo “Nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của khu vực Tây Nguyên” được tổ chức nhằm phân tích, đánh giá thực trạng, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, thách thức, nguyên nhân của những hạn chế; học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác và đề xuất giải pháp góp phần cải thiện PCI cho khu vực này.Ban Tổ chức đã nhận được 23 bài tham luận của các nhà khoa học đến từ các cơ sở đào tạo, các sở ban ngành trên địa bàn. Các bài tham luận đa dạng, phong phú, tập trung là rõ nhiều nội dung liên quan đến PCI của khu vực Tây Nguyên. Đồng chí chủ trì bày tỏ mong muốn các nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận và chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm, các kết quả nghiên cứu liên quan đến Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nói chung và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của khu vực Tây Nguyên nói riêng.
Hội thảo đã được lắng nghe 12 tham luận và ý kiến đóng góp của các đại biểu, các nhà khoa học tham dự Hội thảo. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõnămnội dung trọng tâm: Một là, những vấn đề lý luận về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Hai là, phân tích, đánh giá thực trạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của khu vực Tây Nguyên; Ba là, phân tích những thách thức đặt ra cho khu vực Tây Nguyên đối với quá trình cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Bốn là, phân tích những bài học kinh nghiệm trong việc triển khai các giải pháp cải thiện PCI từ một số địa phương trong cả nước; Năm là, đề xuất các giải pháp, các khuyến nghị chính sách nhằm góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của khu vực Tây Nguyên trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, TS. Thiều Huy Thuật gửi lời cảm ơn đến quý vị đại biểu, các nhà khoa học, các nhà quản lý đã hỗ trợ, tham dự, chia sẻ và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, hữu ích cho Phân hiệu trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Hội thảo.Phân hiệu trân trọng tiếp thu và ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu của các nhà khoa học, các nhà quản lý tại Hội thảo. Những quan điểm, chia sẻ, khuyến nghị của các nhà khoa học, các nhà quản lý tại Hội thảo sẽ được tham khảo, sử dụng trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy tại Phân hiệu. Phân hiệu mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các nhà khoa học, các nhà quản lý trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và giảng dạy tại Phân hiệu.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Nguyễn Thị Ngọc