(Chinhphu.vn) – Tại dự thảo Nghị định về Quy chế khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ Quốc phòng đã đề xuất quy định áp dụng cho người, phương tiện nước ngoài hoạt động trong khu vực biên giới biển.
Cụ thể, theo đề xuất của Bộ Quốc phòng, người nước ngoài thường trú, tạm trú ở Việt Nam khi đến xã, phường khu vực biên giới hoặc ra, vào các đảo (trừ khu du lịch, dịch vụ, khu kinh tế) phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam và giấy phép vào khu vực biên giới của Công an cấp tỉnh nơi người đó thường trú, tạm trú hoặc Công an cấp tỉnh nơi đến cấp. Nếu ở qua đêm phải đăng ký lưu trú tại Công an cấp xã sở tại và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Bộ đội Biên phòng và cơ quan có thẩm quyền Việt Nam.
Cơ quan, tổ chức Việt Nam đưa người nước ngoài vào khu vực biên giới biển phải có giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức chủ quản; đồng thời phải thông báo bằng văn bản cho Công an, Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh nơi đến biết trước ít nhất 24 giờ. Trường hợp người nước ngoài đi trong đoàn đại biểu, đoàn cấp cao vào khu vực biên giới biển, cơ quan, tổ chức của Việt Nam (cơ quan, tổ chức mời hoặc làm việc với đoàn) phải thông báo bằng văn bản cho Công an, Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh nơi đến biết trước ít nhất 12 giờ.
Bên cạnh đó, người nước ngoài đến làm việc, hoạt động đầu tư, kinh doanh tại khu kinh tế nằm trong khu vực biên giới biển hoặc có một phần địa giới thuộc khu vực biên giới biển và các thành viên gia đình của họ được cư trú, tạm trú có thời hạn trong khu kinh tế nằm trong khu vực biên giới biển hoặc có một phần địa giới thuộc khu vực biên giới biển và các thành viên gia đình của họ được cư trú, tạm trú có thời hạn trong khu kinh tế theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Công an, Đồn Biên phòng sở tại.
Theo dự thảo, người nước ngoài làm việc trong khu kinh tế trong khu vực biên giới biển hoặc có một phần địa giới thuộc khu vực biên giới biển, doanh nghiệp sử dụng lao động, đối tác phía Việt Nam hoặc đại diện của tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày bắt đầu làm việc phải thông báo cho UBND cấp huyện, Công an và Đồn Biên phòng sở tại về họ tên, tuổi, quốc tịch, số hộ chiếu, ngày bắt đầu, ngày kết thúc làm việc, nội dung công việc.
Ngoài các trường hợp trên, theo dự thảo, người nước ngoài vào khu vực biên giới biển phải trình báo và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Đồn Biên phòng sở tại.
Quy định đối với tàu thuyền nước ngoài
Cũng theo dự thảo, tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong khu vực biên giới biển phải có các giấy tờ (bản chính) sau: Giấy chứng nhận đăng ký tàu thuyền do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ mà tàu thuyền đó mang quốc tịch cấp; Giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật (đối với tàu các phải có Giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật do cơ quan đăng kiểm của quốc gia, vùng lãnh thổ mà tàu thuyền đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đăng kiểm Việt Nam cấp); danh sách hành khách hoặc Sổ danh bạ thuyền viên, nhân viên phục vụ hành khách trên tàu; Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp; Giấy phép hoạt động thủy sản (đối với tàu cá); Giấy tờ về hàng hóa, vận chuyển hàng hóa trên tàu thuyền và giấy tờ khác có liên quan do pháp luật Việt Nam quy định.
Dự thảo nêu rõ, tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong khu vực biên giới biển phải treo cờ quốc tịch, treo quốc kỳ của Việt Nam ở đỉnh cột tàu cao nhất. Tàu thuyền nước ngoài neo đậu ở cảng, bến đậu phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo dự thảo, tàu thuyền nước ngoài đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật Việt nam. Trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố hoặc vì lý do khách quan cần sự cứu giúp (bị nạn) buộc tàu thuyền phải dừng lại, neo đậu trong lãnh hải hoặc trú đậu tại các cảng biển, bến đậu thì người điều khiển tàu thuyền phải phát tín hiệu cứu giúp và thông báo ngay cho Cảng vụ hàng hải hoặc cơ quan cứu hộ và cứu nạn quốc gia, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương nơi gần nhất hoặc Tổng cục Thủy sản (trường hợp là tàu cá) hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của Việt Nam nơi gần nhất, các cơ quan này sau khi nhận được thông báo phải tổ chức cứu nạn hoặc báo choc ơ quan có trách nhiệm để tổ chức cứu nạn…
Tuệ Văn