Ảnh minh họa |
Theo dự thảo, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016-2025 sẽ thực hiện các hoạt động hỗ trợ chính như: Xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để thu hút đầu tư vào sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; xúc tiến phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; cung cấp thông tin và dữ liệu về các ngành công nghiệp hỗ trợ; công nhận doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đạt tiêu chuẩn; khởi sự doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ; ứng dụng, chuyển giao công nghệ, chế tạo thử nghiệm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; xây dựng hệ thống quản trị sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các tập đoàn đa quốc gia; đào tạo nâng cao nhân lực quản lý, khoa học và kỹ thuật phục vụ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Bộ Công Thương đề xuất Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016-2025 bao gồm 6 chương trình cụ thể sau:
Chương trình tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý quốc tế trong việc quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất với mục tiêu hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, phù hợp với yêu cầu quốc tế; 2000 doanh nghiệp được hỗ trợ đào tạo, áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý quốc tế. Chương trình có kinh phí 300 tỷ đồng gồm những hoạt động chính như: Đánh giá khả năng và nhu cầu áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng quốc tế tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo cho các doanh nghiệp; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất; tổ chức đánh giá công nhận hệ thống quản lý chất lượng.
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn đa quốc gia và các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ khác ở trong và ngoài nước có kinh phí 115 tỷ đồng. Chương trình sẽ tổ chức đánh giá năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, lựa chọn và công nhận các doanh nghiệp có trình độ và quy mô đáp ứng yêu cầu của mạng lưới sản xuất quốc tế; khảo sát, đánh giá nhu cầu, tiêu chuẩn cụ thể cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh thông qua các cuộc hội thảo, tọa đàm, triển lãm hội chợ; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu khách hàng.
Bên cạnh đó, chương trình xúc tiến đầu tư, hỗ trợ thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng có kinh phí 115 tỷ đồng. Hoạt động chính của chương trình gồm: Tổ chức xúc tiến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ tại các thị trường mục tiêu; tổ chức hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động công nghiệp hỗ trợ…
Ngoài ra, sẽ thực hiện 3 chương trình khác gồm: Chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với kinh phí 220 tỷ đồng; chương trình hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng và vật liệu với kinh phí 890 tỷ đồng; chương trình xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài nước trên trang thông tin điện tử chuyên về công nghiệp hỗ trợ có kinh phí 80 tỉ đồng.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
(Website Chính Phủ)