Đề xuất cơ chế, chính sách phát triển công ty nông, lâm nghiệp

Tại dự thảo Nghị định về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất nhiều quy định mới về cơ chế, chính sách sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, so với Nghị định số 170/2004/NĐ-CP, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP, dự thảo đã đề xuất một số quy định mới về cơ chế, chính sách sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông nghiệp, lâm nghiệp.

Cụ thể, về đất đai, dự thảo bổ sung quy định các công ty nông, lâm nghiệp phải lập phương án sử dụng đất  trình UBND cấp tỉnh phê duyệt và thực hiện thuê đất  đối với đất phục vụ cho sản xuất kinh doanh (không bao gồm đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên).

Đồng thời, quy định cụ thể đất các công ty chuyển giao về địa phương; xử lý diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp đã thực hiện giao khoán đến hộ công nhân và người lao động; quy định cụ thể hướng giải quyết các trường hợp đất cho thuê, cho mượn; đất bị lấn chiếm, tranh chấp; đất liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư; đất ở, đất kinh tế hộ gia đình.

Về đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng rừng, dự thảo quy định rõ loại rừng sản xuất là rừng tự nhiên được khai thác chính gỗ; bổ sung quy định đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo, nghèo kiệt có khả năng phục hồi sẽ được Nhà nước đặt hàng và bảo đảm kinh phí để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng như thực hiện nhiệm vụ công ích; trường hợp rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo, nghèo kiệt, không có khả năng phục hồi được lập dự án cải tạo rừng để trồng rừng hoặc trồng cây công nghiệp có hiệu quả hơn. Đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng giống trong địa giới công ty, sẽ được giao cho công ty quản lý theo phương thức nhà nước đặt hàng hoặc giao kế hoạch hàng năm.

Về tài chính, dự thảo bổ sung quy định Nhà nước đảm bảo đủ vốn điều lệ đối với công ty nông, lâm nghiệp được tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trường hợp vốn điều lệ còn thiếu sẽ được cấp từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Nhà nước đảm bảo đủ vốn cho công ty cổ phần nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối hoặc công ty có vốn nhà nước.

Dự thảo cũng bổ sung quy định nguồn kinh phí đảm bảo rà soát, đo đạc, cắm mốc, lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông, lâm nghiệp do ngân sách trung ương hỗ trợ. Đồng thời, quy định cụ thể hơn việc xử lý tài sản trên đất (rừng, vườn cây lâu năm) trong trường hợp thu hồi đất, chuyển đổi sang công ty cổ phần, giải thể theo hướng phải thu hồi phần vốn nhà nước đã đầu tư và thời gian thu hồi phù hợp với đối tượng nhận chuyển nhượng tài sản trên đất.

Bên cạnh đó, theo dự thảo, công ty nông, lâm nghiệp được tự chủ liên doanh, liên kết để sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản và các hình thức đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp khác. Công ty nông, lâm nghiệp được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, giá trị rừng sản xuất là rừng trồng để liên doanh trong các dự án nông, lâm nghiệp và dịch vụ, thế chấp vay vốn để sản xuất kinh doanh.

Uu tiên vay vốn tín dụng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự thảo đã bổ sung quy định Nhà nước đảm bảo đủ vốn đầu tư để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo, nghèo kiệt, rừng chưa được phép khai thác. Nhà nước đảm bảo đủ vốn đầu tư cho trồng rừng đặc dụng, phòng hộ theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí theo chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, bổ sung quy định Nhà nước hỗ trợ đầu tư mua sắm các trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng, xây dựng hệ thống đường trục khai thác, vận chuyển lâm sản trong các vùng nguyên liệu tập trung. Bổ sung quy định công ty nông, lâm nghiệp trồng cây dài ngày, trồng rừng sản xuất được ưu tiên vay vốn tín dụng, thời hạn trả cả gốc và lãi  một lần vào thời gian thu hoạch sản phẩm.

Dự thảo cũng bổ sung quy định ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề đối với lao động làm việc lâu dài cho công ty mới nhưng phải chuyển đổi ngành nghề; hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công nhân viên công ty nông, lâm nghiệp. Bổ sung quy định lao động thường xuyên trong các công ty lâm nghiệp được hưởng phụ cấp thâm niên, phụ cấp nghề và chính sách đãi ngộ khác như các ngành nghề có điều kiện hoạt động tương tự.

Thanh Hoài (chinhphu.vn)

Comments are closed.