Ảnh minh họa |
Bộ Giao thông vận tải cho biết, kể từ khi được ban hành và có hiệu lực cho đến nay, Nghị định 93/2013/NĐ-CP đã cơ bản khắc phục được các quy định về hành vi chung, thiếu cụ thể, khó xác định như các Nghị định trước đây; được sự ủng hộ, đánh giá cao của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giao thông và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải và đường thủy nội địa.
Có thể nói, sau thời gian triển khai thực hiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính nói chung và Nghị định 93/2013/NĐ-CP nói riêng đã có những tác động nhất định đối với sự phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế của ngành hàng hải và giao thông đường thủy nội địa.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc áp dụng Nghị định 93/2013/NĐ-CP đã phát sinh một số bất cập, hạn chế cần phải sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, trong năm 2014, 2015, để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành hàng hải, tăng cường hội nhập quốc tế, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được các cơ quan có thẩm quyền ban hành dẫn đến nhiều hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm trong lĩnh vực hàng hải chưa được quy định tại Nghị định số 93/2013/NĐ-CP. Ngoài ra, ngày 25/11/2015, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017, trong đó có những nội dung mới có tính đột phá nhằm thúc đẩy ngành hàng hải phát triển trong thời gian tới. Vì vậy, việc ban hành Nghị định định thay thế Nghị định số 93/2013/NĐ-CP là hết sức cần thiết.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định
Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất dự thảo Nghị định mới gồm 4 chương, 52 điều và 1 phụ lục được xây dựng phù hợp với các quy định mới của pháp luật; sửa đổi, bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc quy định chưa rõ ràng.
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đã tách riêng và đưa ra khỏi dự thảo Nghị định các quy định về: hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.
Bên cạnh đó, bổ sung 3 mục mới, gồm: Mục vi phạm quy định về hoạt động đăng kiểm của tàu thuyền; mục vi phạm quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển và hoạt động phá dỡ tàu biển; mục vi phạm quy định về kiểm tra an toàn container.
Đồng thời, bổ sung một số điều quy định hành vi vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi cụ thể trong lĩnh vực hàng hải như: Vi phạm quy định về chở quá tải trọng của phương tiện trong vùng đất cảng; vi phạm quy định về bảo vệ công trình hàng hải; vi phạm quy định về xếp, chằng buộc hàng hóa trên tàu thuyền; vi phạm quy định về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm; vi phạm quy định về niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa khi vào, rời và hoạt động tại cảng; vi phạm quy định về đăng kiểm của chủ tàu; vi phạm quy định về đăng kiểm của đăng kiểm viên…
Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Tuệ Văn
(Website Chính Phủ)