(Chinhphu.vn) – Tuần qua, Lãnh đạo Chính phủ có nhiều chỉ đạo quan trọng trong các lĩnh vực đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá điện, hội nhập quốc tế, tổ chức lễ hội và hoạt động tự chủ của các tổ chức khoa học, công nghệ…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh về ý nghĩa quyết định đối với phát triển KTXH của việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đang trong mùa lễ hội, Thủ tướng cho rằng nước ta còn rất nhiều lễ hội, có chuyện “mua thần, bán thánh”, mê tín dị đoan, tranh giành lộc… và cần phải phân tích rõ, cái gì tốt thì khen ngợi, những cái gì thuộc về hủ tục, không tốt cần phê phán và phải tổng kết để lễ hội nào nên giữ, nên phát huy; lễ hội nào là hủ lậu, lịch sử vượt qua rồi, thực tiễn vượt qua rồi thì loại bỏ.
* Chủ trì phiên họp toàn thể đầu tiên của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh thống nhất chỉ đạo: Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa hoạt động hội nhập quốc tế về chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng nhằm tăng cường sự ủng hộ, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và các đối tác.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo nêu rõ, sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 22, công tác hội nhập quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển nhanh chóng như vũ bão, cả thế giới là một thị trường; xu thế hội nhập là tất yếu và ngày càng sâu rộng, yêu cầu đặt ra của đất nước là phải tiếp tục tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng hơn nữa trên các lĩnh vực, trong đó lấy hội nhập kinh tế làm trung tâm; chủ động hơn trong tham gia, định hình luật chơi chung, nhằm phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia cả trước mắt và lâu dài.
Trong đối ngoại đa phương, Thủ tướng lưu ý cần hết sức chủ động, đề xuất, khởi xướng để xây dựng luật chơi chung theo mẫu số chung, theo thông lệ quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc và theo lợi ích của đất nước; tiếp tục chủ động tham gia các điều ước quốc tế, tham gia và các hoạt động ở các diễn đàn đa phương, nhất là ASEAN, Liên Hợp Quốc.
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong cuộc họp lần thứ VI của Ủy ban quốc gia về biến đối khí hậu: việc ứng phó với biến đổi khí hậu phải thực hiện liên tục, đồng bộ, đồng thời phải có trọng tâm, trọng điểm ở tất cả các lĩnh vực, ở các ngành, các cấp. Nguồn lực dành cho ứng phó với biến đổi khí hậu phải bằng nội lực là chính.
* Đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa chủ trương thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân và khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém, nhất là hạn chế về nhận thức, trách nhiệm ở một số nơi tỷ lệ đạt còn thấp trong thực hiện chủ trương này. Đây là yêu cầu mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt ra tại cuộc họp về tình hình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và “Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020”.
* Trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế sau 2 năm thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Giảm quá tải mà chỉ bằng biện pháp hành chính mà không đi liền với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến thì không đạt yêu cầu”.
Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục tăng thêm số giường bệnh tại các BV tuyến Trung ương chuyên khoa nhi, ung bướu, sản, chấn thương chỉnh hình và tim mạch. Đồng thời, dứt khoát phải phát triển mạnh hơn các BV hạt nhân, BV vệ tinh, khoa vệ tinh gắn với thực hiện đồng bộ các biện pháp như tăng cường hoạt động đào tạo tại chỗ, đưa bác sỹ về cơ cở, tăng thêm bàn khám bệnh, đẩy mạnh triển khai đề án bác sỹ gia đình, hoàn thiện mạng lưới y tế xã trong cả nước.
* Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp và nhất trí việc điều chỉnh tăng giá bán điện lên 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh từ ngày 16/3/2015.
Tinh thần việc điều chỉnh giá điện lần này để đảm bảo các yêu cầu EVN không bị lỗ (nếu không điều chỉnh, năm 2015, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng); dành một phần để giảm khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại (hiện còn khoảng 8.000 tỷ đồng); đảm bảo khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2%; và bảo đảm kiểm soát lạm phát khoảng 5%.
* Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có buổi làm việc với TP Hà Nội về phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và quy hoạch, cơ chế đầu tư trục Nhật Tân-Nội Bài.
Theo đó, Thủ tướng cơ bản đồng ý với một số kiến nghị của Hà Nội về xem xét điều chỉnh ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách 2016-2020; về cho phép Hà Nội được huy động nguồn vốn trong nước để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng; đồng ý với chủ trương để lại số tiền cổ phần hóa DN và thoái vốn DN Nhà nước để có nguồn tái cơ cấu DN và cấp vốn pháp định cho Công ty Đường sắt đô thị (đã được Chính phủ cho phép thành lập); về việc thành lập Sở Du lịch Hà Nội nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế về du lịch.
Về cơ chế chính sách đặc thù và quản lý đầu tư phát triển hai bên đường Nhật Tân, Thủ tướng nhấn mạnh phải chủ động thu hồi đất, thực hiện tốt chính sách đền bù, tái định cư để tiến tới xây dựng hạ tầng theo nguyên tắc đa dạng nguồn vốn (nguồn ODA, vốn ngân sách Nhà nước, vốn hỗ trợ, nguồn của địa phương, nguồn BOT).
* Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban đã chủ trì cuộc họp đầu tiên Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam để triển khai công tác biên soạn.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc tổ chức biên soạn phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, trung thực các sự kiện lịch sử về tổ chức và hoạt động của Chính phủ Việt Nam. Những nhận xét, đánh giá lịch sử phải được thảo luận kỹ, phù hợp với đường lối, quan điểm của Đảng và sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.
Cần tập trung vào tập 4 về Lịch sử Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2005-2015, bởi 3 tập trước về giai đoạn 1945-2005 đã được biên soạn và xuất bản, nay cần nghiên cứu bổ sung, hiệu đính, sửa đổi các tư liệu mới cho hoàn chỉnh hơn và phấn đấu xuất bản vào năm 2016.
* Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đoàn công tác Chính phủ đã đi thị sát, đôn đốc tiến độ một số công trình cầu, đường lớn ở khu vực ĐBSCL, kết nối trục dọc thứ 2 và xóa tình trạng cách trở sông nước giao thông từ TPHCM đi các tỉnh Tây Nam Bộ.
Theo đó, các cầu Vàm Cống (Cần Thơ), Cao Lãnh (Đồng Tháp), Cổ Chiên (Bến Tre), cùng các tuyến kết nối sẽ sớm được đưa vào khai thác, đảm bảo hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, phát triển để thúc đẩy phát triển KTXH một loạt các tỉnh ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng kỹ thuật này.
* Tất cả các tổ chức khoa học công nghệ không chuyển sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo đúng kế hoạch sẽ bị cắt ngân sách – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này tại Hội nghị toàn quốc về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập.
Theo đó, các Bộ ngành, địa phương phải vào cuộc quyết liệt, làm rõ nguyên nhân, nghiêm túc thực hiện tự chủ tất cả các tổ chức KHCN trực thuộc theo kế hoạch, đặc biệt là 154 tổ chức chưa phê duyệt đề án tự chủ, trên tinh thần “không gia hạn nữa, nếu tổ chức nào không chuyển sang tự chủ thì cắt ngân sách”./.