(napa.vn) – Chiều ngày 31/7/2024, tại Hà Nội, Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Dữ liệu số trong quản lý và điều hành tổ chức công”. NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng khoa và TS. Nguyễn Thị Hà, Phó Trưởng khoa đồng chủ trì Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.
Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời có: PGS.TS. Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số; ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông; PGS.TS. Vũ Thị Phụng, nguyên Trưởng khoa, Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
TS. Nguyễn Thị Hà, Phó Trưởng khoa, Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng giới thiệu đại biểu tham dự Hội thảo.
Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện; các Phó Giám đốc Học viện: TS. Lại Đức Vượng, PGS.TS. Lương Thanh Cường, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu; PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh, nguyên Phó Giám đốc Học viện; đại diện lãnh đạo, giảng viên một số khoa, ban, đơn vị tham dự trực tiếp và trực tuyến.
NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng khoa, Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng phát biểu đề dẫn Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân khẳng định, dữ liệu số là nguồn thông tin quan trọng, đóng vai trò then chốt để nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành tổ chức. Tài nguyên dữ liệu là thành phần trọng yếu không thể tách rời của hạ tầng số cho mỗi quốc gia. Việc triển khai chính phủ số, kinh tế số, xã hội số luôn phải gắn với mục tiêu làm giàu dữ liệu, tạo ra các dữ liệu phù hợp để phục vụ cho các hoạt động chuyển đổi số trong xã hội. Để đáp ứng đòi hỏi của tiến trình chuyển đổi số ở nước ra hiện nay đặt ra yêu cầu cần tăng cường khai thác và phát huy nguồn lực thông tin, tạo thuận lợi cho việc ra quyết định dựa trên dữ liệu. Hội thảo mong muốn tạo diễn đàn để các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn cùng chia sẻ, trao đổi, luận giải các vấn liên quan tới dữ liệu số trong quản lý và điều hành tổ chức công, tập trung vào các nội dung chính sau:
(1) Cơ sở lý luận và thực tiễn về dữ liệu số;
(2) Xây dựng, quản trị và phát triển dữ liệu số, phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia;
(3) Vai trò của dữ liệu số trong hoạt động quản lý và điều hành của tổ chức công;
(4) Dữ liệu số phục vụ việc ra quyết định của các cơ quan nhà nước;
(5) Ứng dụng dữ liệu số vào hoạt động quản lý và điều hành của tổ chức công.
PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện nhấn mạnh, trong tiến trình chuyển đổi số nói chung và Học viện từng bước xây dựng Học viện số, dữ liệu số là một phần quan trọng không thể thiếu. Chủ đề Hội thảo có tính cấp thiết, là vấn đề “nóng” hiện nay sẽ đóng góp những cơ sở khoa học chung về lý luận và thực tiễn, góp phần phục vụ trực tiếp cho hoạt động giảng dạy, cung cấp những luận cứ cho hoạt động của đơn vị nói riêng và Học viện nói chung. Bổ sung thêm một số vấn đề thảo luận tại Hội thảo, Giám đốc Học viện đề nghị các nhà khoa học tập trung làm rõ: làm thế nào để có dữ liệu số? Dữ liệu số cần được luận giải rõ về khái niệm, vai trò đối với quản lý điều hành tổ chức công. Thực tiễn những rào cản hiện nay trong xây dựng dữ liệu số và những nguyên nhân, yêu cầu, đòi hỏi trong quản lý, sử dụng dữ liệu số. Đặc biệt, yêu cầu cần quan tâm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng và quản lý dữ liệu số.
PGS.TS. Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tham luận tại Hội thảo.
Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh, hiệu quả của chính quyền điện tử/chính quyền số được đánh giá dựa trên dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu lớn (Big Data). Dữ liệu là một phần quan trọng của chuyển đổi số, dữ liệu số chỉ thực sự phát huy được vai trò khi được gắn với chuyển đổi số. Chuyển đổi số thành công đòi hỏi sự hội tụ của nhiều tố: hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, cơ sở pháp lý, nguồn lực đầu tư,… trong đó, yếu tố con người mang tính quyết định. Tham luận của PGS.TS. Nguyễn Trường Thắng tập trung vào các nội dung chính: (1) Xu thế công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0; (2) Chuyển đổi số trên thế giới và tại Việt Nam; (3) Dữ liệu lớn trong hoạt động quản lý nhà nước. Trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn, tham luận phân tích những cơ hội và thách thức trong quá trình sử dụng dữ liệu số phục vụ quản lý và điều hành tổ chức công hiện nay.
PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh, nguyên Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo.
Quan tâm đến vấn đề xây dựng nguồn dữ liệu số, tích hợp và xử lý dữ liệu số, PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh cho rằng, việc tạo lập cơ sở dữ liệu, số hóa tài liệu cần thực hiện khẩn trương, tuy nhiên cũng phải có lộ trình lâu dài, trong đó, cần đặc biệt chú ý đến công tác xử lý, tinh lọc dữ liệu có giá trị, trong điều kiện tài nguyên dữ liệu số ngày một lớn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi phục vụ hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan, tổ chức.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông tham luận.
Tham luận với chủ đề: “Dữ liệu số phục vụ ra quyết định điều hành của cơ quan nhà nước”, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển Truyền thông chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về thực trạng xây dựng chính phủ điện tử/chính phủ số ở Việt Nam, gồm: thể chế, chính sách phục vụ chuyển đổi số; kết quả xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trong đó có nền tảng cơ sở dữ liệu số. Dữ liệu số có giá trị rất lớn trong hoạt động quản lý, điều hành của các tổ chức công về khả năng phân tích, dự báo, đánh giá hiệu quả hoạt động, hiện đại hóa hệ thống, tạo lợi thế cạnh tranh…
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số phát biểu.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số đóng góp tham luận về “Kiến trúc dữ liệu nền tảng cho hệ thống công vụ trực tiếp, điện tử, trực tuyến và số”, với các nội dung liên quan đến kiến trúc tổ chức, hệ thống thông tin, hệ thống ra quyết định, đồng bộ hóa ứng dụng; phân định các khái niệm hệ thống công vụ trực tiếp, điện tử, trực tuyến, số… Theo quan điểm của ông Lê Nguyễn Trường Giang, xây dựng kiến trúc dữ liệu số đòi hỏi việc chuẩn hóa dữ liệu đầu vào trên cơ sở ngôn ngữ dùng chung, hệ thống quá quy trình xử lý tác nghiệp, từ đó tạo lập kết quả quyết định đầu ra. Bản chất của tiến trình chuyển đổi số phải bắt nguồn từ cải cách hệ thống, trong đó, kiến trúc dữ liệu nền tảng sẽ giúp giải quyết những thách thức mang tính “lưỡng nan” hiện nay trong quá trình chuyển đổi số.
TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện phát biểu.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện chia sẻ một số nội dung về cách tiếp cận chính phủ số, cấp vận hành chính phủ số, vai trò dữ liệu trong quá trình chuyển đổi số; đồng thời, TS. Lại Đức Vượng cho biết, chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia với mục tiêu xây dựng Học viện số đòi hỏi thiết lập kiến trúc tổng thể, tạo dựng cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu, chức năng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học…
ThS. Trần Cao Tùng, giảng viên chính Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng phát biểu.
Bày tỏ đồng tình cao với những tham luận, trao đổi của các đại biểu tại Hội thảo, ThS. Trần Cao Tùng, giảng viên chính Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng chia sẻ thêm một số ý kiến về sự phát triển của công nghệ tạo ra những thách thức đòi hỏi thay đổi tổ chức về cách thức quản lý, phương pháp làm việc; một số vấn đề ứng dụng BigData trong điều hành tổ chức công.
PGS.TS. Vũ Thị Phụng, nguyên Trưởng khoa, Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu.
Phát biểu kết luận Hội thảo, NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân trân trọng cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu đã quan tâm tham dự, gửi tham luận và đóng góp ý kiến trực tiếp tại Hội thảo. Những thông tin chia sẻ có hàm lượng khoa học chuyên sâu, giá trị cao, làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn sẽ là cơ sở nền tảng kiến thức quý báu để Ban tổ chức Hội thảo tiếp thu nhằm tạo luận cứ khoa học góp phần tiếp tục mở rộng nghiên cứu, nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo tại Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng nói chung và Học viện nói riêng.
Đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.
Huy Tấn – Như Ngọc