(Chinhphu.vn) – Sáng 4/3, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo để triển khai công tác biên soạn.
Qua đó, rút ra những bài học và kinh nghiệm quý báu phục vụ việc nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý Nhà nước của Chính phủ, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Bộ Lịch sử Chính phủ Việt Nam là tài liệu chính thức giới thiệu về Chính phủ và nền hành chính Việt Nam với bạn bè quốc tế, phục vụ việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập của các tầng lớp nhân dân.
Những sản phẩm chính của công trình này là bộ sách Lịch sử Chính phủ Việt Nam, gồm 3 tập (1945-2005) đã xuất bản, có hiệu đính, bổ sung và tái bản; bộ Biên niên Lịch sử Chính phủ Việt Nam, gồm 5 tập cũng bổ sung tư liệu, hiệu đính và tái bản; Biên niên Lịch sử Chính phủ Việt Nam từ tháng 5/2005 đến 2015 được viết mới và xuất bản; Lịch sử Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2005-2015 được viết mới và xuất bản; Lịch sử Chính phủ Việt Nam 1945-2015 tóm lược và xuất bản.
Ngoài ra, còn có phim tài liệu về Lịch sử Chính phủ giai đoạn 1945-2015; bộ ảnh tư liệu Lịch sử Chính phủ Việt Nam cũng được bổ sung tư liệu và xuất bản.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp cùng với Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Thông tấn xã Việt Nam, Khoa Sử trường Đại học KHXH&NV, Viện Sử học Việt Nam, Viện Lịch sử Đảng, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam để tổ chức thực hiện và xuất bản vào năm 2016.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việc tổ chức chỉ đạo biên soạn và xuất bản các ấn phẩm về Lịch sử Chính phủ Việt Nam giai đoạn 1945-2015 có ý nghĩa rất quan trọng. Do đó, việc tổ chức biên soạn phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, trung thực các sự kiện lịch sử về tổ chức và hoạt động của Chính phủ Việt Nam. Những nhận xét, đánh giá lịch sử phải được thảo luận kỹ, phù hợp với đường lối, quan điểm của Đảng và sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.
Việc nghiên cứu, xem xét tổ chức và hoạt động của Chính phủ được đặt trong mối quan hệ trực tiếp với cơ quan lập pháp là Quốc hội, cơ quan tư pháp là Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân cùng bộ máy chính quyền địa phương cũng như các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.
Công trình không chỉ nghiên cứu tổ chức, hoạt động của các tổ chức này mà còn xem xét các mối quan hệ của nó với Chính phủ để làm rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, nội dung, phương thức điều hành của Chính phủ trong từng thời kỳ cụ thể.
Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình biên soạn, làm phim, in ảnh về Lịch sử Chính phủ Việt Nam.
Cần tập trung vào tập 4 về Lịch sử Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2005-2015, bởi 3 tập trước về giai đoạn 1945-2005 đã được biên soạn và xuất bản, nay cần nghiên cứu bổ sung, hiệu đính, sửa đổi các tư liệu mới cho hoàn chỉnh hơn.
Về thời gian, Phó Thủ tướng chỉ rõ, các công trình cần được cố gắng hoàn thiện để xuất bản vào năm 2016.
Lê Sơn