Sáng ngày 07/12/2016, Khoa Quản lý nhà nước (QLNN) về xã hội đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Phân cấp quản lý nhà nước về văn hóa“. PGS.TS. Vũ Trọng Hách – Quyền Trưởng Khoa chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo, đại biểu khách mời có: TS. Đoàn Hữu Bảy – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo, Văn xã, Văn phòng Chính phủ; ông Hoàng Đức Hậu – nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Bùi Nguyên Hùng – Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa và bà Nguyễn Thu Trang – đại diện Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Thế Chính – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang; PGS.TS. Phạm Ngọc Trung – nguyên Trưởng Khoa Văn hóa phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; TS. Giang Thị Huyền – Phó Trưởng Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Khu vực I; đại diện một số cơ quan bộ, ngành, viện, học viện, trường đại học…
Về phía Học viện, có: PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh – Phó Giám đốc Học viện; lãnh đạo các khoa, ban; cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh của Khoa và đại diện các sinh viên chuyên ngành cùng tham dự.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Vũ Trọng Hách nhấn mạnh, trong điều kiện hiện tại ở Việt Nam, đặc biệt là kể từ khi thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, quá trình phân cấp trong quản lý được triển khai mạnh mẽ với quy mô lớn và toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có phân cấp QLNN về văn hoá. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động này vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu và xem xét để phân tích và làm rõ nguyên nhân của thực trạng phân cấp trong lĩnh vực văn hóa. Các đại biểu sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung cụ thể của chủ đề này cũng như một số nội dung có liên quan tới lĩnh vực QLNN về văn hóa nói chung.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh khẳng định: văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và cũng là động lực của sự phát triển. Đây là lĩnh vực rất rộng lớn và có vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người và bản sắc của mỗi quốc gia, dân tộc. Do đó, trong điều kiện ở nước ta hiện nay, QLNN về văn hóa nói chung và phân cấp QLNN về văn hóa nói riêng là việc làm cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, giúp hiện thực hóa các chủ trương, đường lối phát triển văn hóa của Đảng và Nhà nước, góp phần định hướng, điều chỉnh sự phát triển của văn hóa quốc gia. PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh đề nghị các đại biểu tích cực trao đổi các vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ đề này. Qua đó, giúp cung cấp thêm những luận cứ khoa học, thiết thực phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Hành chính Quốc gia.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận, như: “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ đổi mới” của TS. Giang Thị Huyền; “Đánh giá hoạt động QLNN về văn hóa từ kết quả thực tế 9 tháng đầu năm 2016” của TS. Đoàn Hữu Bảy; “QLNN về văn hóa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan” của ông Bùi Nguyên Hùng; “Phân cấp QLNN về văn hóa ở nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay” của PGS.TS. Phạm Ngọc Trung; “Thực trạng và một số vấn đề đặt ra trong phân cấp QLNN về văn hóa tại tỉnh Bắc Giang” của ôngNguyễn Thế Chính; “Phân cấp QLNN về văn hóa – xã hội” của PGS.TS. Hoàng Văn Chức; “Vai trò của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế – xã hội” của TS. Lương Minh Việt,…
Các tham luận đã góp phần làm rõ hơn những vấn đề lý luận về văn hóa, QLNN về văn hóa, đồng thời giúp các đại biểu có cái nhìn khách quan, toàn diện về quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý văn hóa nói chung cũng như thực trạng của hoạt động phân cấp QLNN về văn hóa ở nước ta hiện nay nói riêng. Đặc biệt, nhiều vấn đề còn hạn chế, bất cập của công tác QLNN về văn hóa ở trung ương và địa phương, như: công tác quản lý lễ hội; lĩnh vực bản quyền tác giả; xây dựng văn hóa cơ sở; quản lý văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi,…cũng được tập trung trao đổi làm rõ.
Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Vũ Trọng Hách trân trọng cám ơn các đại biểu đã dành thời gian tham dự và tham luận tại Hội thảo. Đồng thời, nhấn mạnh, Hội thảo là dịp để cán bộ, giảng viên của Khoa lắng nghe những quan điểm và ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm từ phía các nhà khoa học, các nhà quản lý về lĩnh vực văn hóa và phân cấp QLNN về văn hóa cả ở phương diện lý luận và thực tiễn. Qua đó, giúp Khoa có thêm những căn cứ khoa học để tiếp tục hoàn thiện giáo trình, tài liệu QLNN về văn hóa nhằm phục vụ trực tiếp cho công tác nghiên cứu, giảng dạy các môn học chuyên ngành dành cho các hệ đào tạo của Học viện Hành chính Quốc gia trong thời gian tới./.
Đoàn Kim Huy