Nhân dịp kỷ niệm 108 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910 – 08/3/2018) và 1978 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày 03/3/2018, Công đoàn Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ trên núi Tản – Ba Vì và tham quan, tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Việt Nam tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. TS. Chu Xuân Khánh – Chủ tịch Công đoàn Học viện làm Trưởng đoàn.
Tham dự đoàn công tác có: TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện; các Phó Giám đốc Học viện: PGS.TS. Lương Thanh Cường; TS. Nguyễn Đăng Quế; nguyên Phó Giám đốc Học viện – PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh; đại diện Đảng ủy, BCH Công đoàn, Ban Nữ công Học viện, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Học viện; đại diện Hội Cựu Chiến binh Học viện; lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị và hơn 200 công đoàn viên của Học viện tại Hà Nội.
Tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, đoàn đã được hướng dẫn viên du lịch giới thiệu cụ thể và chi tiết về văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam. Đây là một trung tâm hoạt động văn hóa mang tính quốc gia, được xây dựng trên một ngọn đồi nhỏ với nhiều thung lũng và hồ nước bao quanh. Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam được chia làm nhiều khu khác nhau, trong đó nổi bật nhất là Khu các làng dân tộc với diện tích gần 200 ha, được chia làm 4 cụm làng tương ứng với từng vùng miền, được xây dựng thành quần thể tái hiện cấu trúc của làng, bản các dân tộc Việt Nam với kiến trúc dân gian nhằm giới thiệu, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc anh em.
Trong những năm gần đây, quán triệt phương thức thực hiện là “Để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình”, nhiều hoạt động, lễ hội đặc sắc, hấp dẫn được tổ chức thường xuyên và định kỳ tại Làng đã thu hút đông đảo du khách đến khám phá và trải nghiệm. Đặc biệt, hiện đã có 11/54 hộ gia đình các dân tộc anh em đến sinh hoạt tại ngôi làng độc đáo này, góp phần làm phong phú và sinh động thêm nét văn hoá trong đời sống và phong tục, tập quán của các dân tộc Việt Nam.
Tới điểm du lịch này, các cán bộ, công đoàn viên của Học viện không chỉ được tham quan và ngắm nhìn các hiện vật trong các khu làng và khuôn viên Làng, mà còn được trực tiếp hòa mình vào các hoạt động ca múa mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Nam, như: nhảy sạp, múa xòe, ném còn (của dân tộc Thái); múa xoang (của dân tộc Tà Ôi)… bằng sự trải nghiệm chân thực nhất.
BCH Công đoàn, Ban nữ công Học viện đã tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ (08/3) ngay tại khuôn viên Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, TS. Đặng Xuân Hoan đã biểu dương và đánh giá cao những đóng góp của phụ nữ Học viện trong suốt thời gian qua, đồng thời bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của phụ nữ Học viện trong quá trình công tác. Giám đốc Học viện đã động viên các chị em khắc phục khó khăn, tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống của người phụ nữ Việt Nam nói chung và của phụ nữ Học viện nói riêng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp thiết thực và xứng đáng với vai trò, vị trí của mình vào thành tích chung của Học viện cũng như trong cuộc sống.
Chiều cùng ngày, đoàn đến dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh non thiêng Ba Vì – nơi được coi là ngọn núi tổ của nước Đại Việt. Dãy núi Ba Vì có ba ngọn, trong đó đỉnh núi cao nhất là đỉnh Vua, cao 1.296m (nơi đặt Đền thờ Bác Hồ). Đỉnh núi ở giữa là đỉnh Tản Viên, cao 1.281m (có đền Thượng thờ Thánh Tản – một trong “tứ bất tử” theo tín ngưỡng của người Việt) và đỉnh núi thứ ba là đỉnh Ngọc Hoa, cao 1.120m.
Tại đây, đoàn đã thành kính dâng hương trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn tới công lao trời biển của Người. Trên đỉnh non thiêng Ba Vì cao sừng sững, dưới mây ngàn lộng gió, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên và được ngắm hình ảnh thật gần gũi, bình dị và thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thành viên trong Đoàn càng thấm thía hơn về đạo đức, tác phong của vị Cha già kính yêu của dân tộc và nguyện suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người./.
Kim Huy – Hoài Thu