Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người vĩ đại từ những điều giản dị

(napa.vn) – Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khổ nhưng giàu truyền thống yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh được nuôi dưỡng và thấm nhuần triết lý sống của cha ông: Muốn dựng làng và giữ nước phải bắt đầu từ việc làm người một cách thành thật, đúng nghĩa. Và Người chính là tấm gương sáng để chúng ta noi theo trên mọi phương diện, đặc biệt là đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị và khiêm tốn hết mực.

Nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2021), chúng ta cùng nhìn lại chặng đường “Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng” của Người để thấy được cuộc sống riêng giản dị, trong sáng và khiêm tốn hết mực của Người.

Từ chiếc máy đánh chữ của Người đã ra đời nhiều văn kiện liên quan đến vận mệnh đất nước.

Từ chiếc máy đánh chữ của Người đã ra đời nhiều văn kiện liên quan đến vận mệnh đất nước.

Tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh được thể hiện ngay trong cuộc sống sinh hoạt và làm việc hàng ngày của Người. Người tránh lối sống xa hoa để sống một cuộc đời trong sạch, suốt đời thực hiện cần, kiệm, liêm, chính một cách cần mẫn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nói đi đôi với làm. Trong hành trình tìm đường cứu nước, dù ở đâu, làm gì, Người cũng chấp nhận mọi công việc, miễn là việc đó có lợi cho tổ chức, cho cách mạng. Người là tấm gương sáng về lãnh đạo. Là người đứng đầu một đất nước, dù trong vai trò nào, Người vẫn luôn trung thành, tận tụy vì lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân, không mưu cầu lợi ích riêng cho cá nhân và gia đình. Người tâm sự khi phải giữ trọng trách Chủ tịch nước: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác cho tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì tới vòng danh lợi”.

Tư tưởng và tấm gương “tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào” một lần nữa lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trong kì họp thứ hai Quốc hội khóa I (31/10/1946): “Lần này là lần thứ hai Quốc hội giao phó cho tôi phụ trách Chính phủ một lần nữa. Việt Nam chưa được độc lập, chưa được thống nhất thì bất kỳ Quốc hội ủy cho tôi hay cho ai cũng phải gắng mà làm. Tôi xin nhận. Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.4, tr427). Trong lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta chú ý rằng, Người nhấn mạnh việc đảm nhận chức vụ trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, đầy gian khổ khi “Việt Nam chưa được độc lập, chưa được thống nhất”. Chức vụ đó là do Quốc hội ủy thác thì phải gắng sức làm. Còn khi đồng bào đã cho lui thì lại vui vẻ trở về cuộc sống của một người dân bình thường.

Năm 1949, Đoàn đại biểu Nam Bộ từ miền Nam ra thăm miền Bắc đã tới quây quần bên Hồ Chủ tịch.

Năm 1949, Đoàn đại biểu Nam Bộ từ miền Nam ra thăm miền Bắc đã tới quây quần bên Hồ Chủ tịch.

Người luôn khẳng định: sự nghiệp anh hùng của cách mạng Việt Nam là của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; còn khuyết điểm thì Người nhận về mình. Hiếm có một lãnh tụ nào trên thế giới đứng trước toàn dân để tự phê bình, nhận lấy khuyết điểm của mình và cho rằng do mình “tài hèn, đức mọn, cho nên chưa làm đầy đủ những mong muốn của đồng bào”. Có lẽ, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ duy nhất trên thế giới có nhiều đóng góp vĩ đại cho Tổ quốc mình, nhưng khi đi vào cõi vĩnh hằng trên ngực áo không hề có bất kỳ một tấm huân, huy chương nào.

Không chỉ có đời tư trong sáng, cuộc sống riêng của Người cũng hết sức giản dị. Ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Người luôn có một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông.

Đại biểu học sinh trường trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc thọ Hồ Chủ Tịch (5.1956).

Đại biểu học sinh Trường Trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc thọ Hồ Chủ tịch (tháng 5/1956).

Theo lời kể của những người từng được sống gần Bác và qua những tư liệu còn lưu trữ được, chúng ta thấy từ việc ăn, mặc, ở đến sinh hoạt, chi tiêu hàng ngày, Bác đều hết sức giản dị, tiết kiệm. Mỗi bữa ăn, Bác quy định không quá 3 món và thường là các món dân tộc đơn giản như: tương cà, dưa, cá kho… Bác nói: “Ở đời ai chẳng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì không nên”. Trong trang phục hàng ngày, Bác chỉ có bộ quần áo dạ màu đen mặc khi ra nước ngoài; chiếc mũ cát Bác đội khi đi ra ngoài trời; chiếc áo bông, áo len Bác mặc trong mùa lạnh và một vài bộ quần áo gụ Bác mặc làm việc mùa hè. Nhưng, có lẽ ấn tượng nhất phải kể đến đôi dép cao su và bộ quần áo ka-ki. Khi nhận xét về phong cách của Bác, tuần báo DayParis ra ngày 18/6/1946 đã viết:

Chủ tịch nước Việt là một người giản dị quá đỗi. Quanh năm ông chỉ mặc một bộ áo ka ki xoàng xĩnh và khi những người cộng tác quanh ông để ý, nói với ông rằng với địa vị ông ngày nay, nhiều khi cần phải mặc cho được trang trọng, thì ông chỉ mỉm cười trả lời: “Chúng ta tưởng rằng chúng ta được quý trọng vì có áo đẹp mặc, trong khi bao nhiêu đồng bào mình trần đang rét run trong thành phố và các vùng quê”.

Hai mươi lăm năm sau bài viết trên, năm 1971, sau khi Bác mất, một người Mỹ – nhà báo, nhà văn Đây vít Hanbơcstơn – trong cuốn sách của mình, do nhà xuất bản Răng đôm Haosơ ở New York ấn hành đã viết:

Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kỳ lạ của thời đại này – hơi giống Găngđi, hơi giống Lênin, hoàn toàn Việt. Có lẽ hơn bất kỳ một người nào khác của thế kỷ này, đối với dân tộc của ông, và đối với cả thế giới, ông là hiện thân của một cuộc cách mạng. Thế nhưng đối với hầu hết nông dân Việt, ông là biểu tượng của cuộc sống, hy vọng, đấu tranh, hy sinh và thắng lợi của họ. Ông là một người Việt Nam lịch sự, khiêm tốn, nói năng hòa nhã, không màng địa vị, luôn luôn mặc quần áo đơn giản nhất – cách ăn mặc của ông không khác mấy người nông dân nghèo nhất – một phong cách mà phương Tây đã chế giễu ông trong nhiều năm, cười ông thiếu nghi thức quyền lực, không có đồng phục, không theo thời trang. Cho đến một ngày, họ mới tỉnh ngộ và nhận thấy chính cái tính giản dị ấy, cái sùng bái sự giản dị ấy, cái khả năng hòa mình vào nhân dân ấy là cơ sở cho sự thành công của ông.

Rồi nơi ở, nơi làm việc của Người cũng hết sức đơn sơ: căn nhà sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh chiếc ao như cảnh ở một làng quê quen thuộc; trong căn nhà sàn đó cũng chỉ vẻn vẹn có vài ba phòng tiếp khách, họp Bộ Chính trị, làm việc, nghỉ ngơi với những đồ đạc mộc mạc, đơn sơ.

Có lẽ xưa nay chưa có vị nguyên thủ quốc gia nào có cách sống giản dị như vậy, đó là nếp sống của các vị hiền triết xưa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tuy Người sống giản dị, đạm bạc nhưng lại vô cùng thanh cao và sang trọng. Đây không phải là lối sống khổ hạnh hay lập dị của những con người tự vui trong cảnh nghèo khó. Đây là một cách sống có văn hoá đã trở thành một quan niệm thẩm mỹ: cái đẹp là sự giản dị, tự nhiên.

Phong cách của Hồ Chí Minh cũng giống các vị danh nho xưa ở chỗ không phải tự thần thánh hoá, tự làm cho khác người, lập dị mà là cách di dưỡng tinh thần – một quan niệm đẹp đẽ về lẽ sống. Tuy nhiên, phong cách của Người cũng khác các danh nho xưa ở chỗ: đây là lối sống của một người cộng sản lão thành, một vị Chủ tịch nước, linh hồn của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Vẻ đẹp trong phong cách Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống văn hoá dân tộc và tinh hoa văn hoá nhân loại; giữa thanh cao và giản dị. Phong cách của Người đặt ra một vấn đề: cần phải hoà nhập với  khu vực và quốc tế nhưng cũng phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị của Người xứng đáng để mỗi chúng ta học tập và noi theo.

Như Ngọc

Comments are closed.