Tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị EROPA -2014, hôm nay, ngày 22/10/2014, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, các phiên hội thảo với các tiểu chủ đề 2, 3 và 4 nằm trong khuôn khổ chủ đề chính của Hội nghị “Hành chính công và Quản trị công trong bối cảnh hội nhập khu vực và toàn cầu” đã diễn ra dưới sự điều hành của các nhà khoa học: TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, TS. Maria Faina Diola, PGS.TS. Thái Thanh Hà, TS. Choi Heungsuk, TS. Ngô Thành Can, TS. Juvy Lizette Gervacio, TS. Jonel Lanada, TS. Etin Indrayani, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải và TS. Slamet Widodo.
Số đại biểu đến tham dự các phiên hội thảo khoảng gần 240 người.
Tiểu chủ đề 2 tiếp nối ngày 21/10/2014 với 6 tham luận của các diễn giả đến từ Việt Nam, Indonesia và Philippines.
Thông qua tham luận: “Đánh giá chất lượng quản trị đô thị ở các đô thị trung bình của Việt Nam – Sử dụng phương pháp tiếp cận tổng hợp” của TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, Phó Trưởng Khoa Quản lý Nhà nước về Đô thị và Nông thôn, Học viện Hành chính Quốc gia, Việt Nam đã mô tả cách thức đo lường chất lượng quản trị đô thị ở Việt Nam sử dụng cách thức tiếp cận tổng hợp. Tiến sĩ đề xuất cách thức đo lường các nỗ lực của chính quyền thông qua hệ thống các dữ liệu kết hợp không chỉ từ các báo cáo của chính quyền mà còn cả sự phản ánh từ phía người dân. Nội dung đề xuất xoay quanh việc sử dụng bộ tiêu chí với 50 chỉ số được gộp trong 4 chiều đánh giá về quản trị. Phần trình bày của TS. Nguyễn Ngọc Hiếu đã giúp cho các vị đại biểu hình dung triển vọng sử dụng cách tiếp cận những đánh giá này trong tương lai.
TS. Nguyễn Ngọc Hiếu trình bày tham luận
Với tham luận “Quan hệ đối tác trong dự án bảo tồn đa dạng sinh học II (PBC II)” của PGS. Crescencio Velasco, Hiệu trưởng Đại học Mở phía Bắc Philippines đã nói rõ về mức độ vi phạm pháp luật về môi trường ở quốc gia Đông Nam Á này, từ thực trạng đó, các cơ quan chức năng thực thi pháp luật và xử lý các vấn đề về môi trường của Philippines đã hợp tác cùng với chính phủ Hoa Kỳ để thực hiện chương trình quan hệ đối tác trong dự án bảo tồn đa dạng sinh học. Chương trình kéo dài ba năm (2004 – 2007) nhằm hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học bằng cách tăng năng lực của các cơ quan trung ương và địa phương thông qua việc thực thi pháp luật môi trường và thúc đẩy quản trị tốt – tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc thực thi pháp luật môi trường. Tham luận đã đánh giá và xem xét tính hiệu quả của chương trình này và đề xuất việc tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của chương trình tại Philipppines.
Cũng đến từ Philippines, tham luận “Uỷ quyền trong cung cấp dịch vụ y tế ở Philippines” của ông Paulito Nisperos – Trưởng khoa Sau đại học, Đại học Quốc gia Don Mariano Marcos Memorial, Philippines đã nghiên cứu và xem xét việc cung cấp dịch vụ y tế ở vùng Ilocos trong bối cảnh tản quyền cho các cơ quan chính quyền địa phương. Cụ thể, tham luận nghiên cứu một chương trình chính sách và đưa ra các vấn đề xuất dựa trên phân tích khả năng và hạn chế khi sử dụng một số chỉ số đánh giá. Mục tiêu của nghiên cứu cũng tập trung vào việc đề xuất việc phân quyền, phân cấp trong việc cung cấp dịch vụ y tế nhằm đưa nó đến gần với người dân hơn, tuy nhiên, những khó khăn trong việc đề xuất một chính sách cho vấn đề này thực sự là một vấn đề nan giải.
Diễn giả Paulito Nisperos trình bày tham luận
Tham luận “Đo và lập bản đồ vốn xã hội thông qua việc đánh giá hành động tập thể để bảo vệ hệ thống tưới tiêu của một số làng ở quận Lakbok, hạt Ciamis” của diễn giả Tomi Setiawan – giảng viên khoa Hành chính công, Đại học Padjaran, Indonesia. Nghiên cứu này sẽ kiểm tra mối quan hệ giữa các thước đo vốn xã hội với việc bảo vệ hệ thống tưới tiêu ở 5 làng thuộc quận Lakbok, hạt Ciamis bằng cách tiến hành các nghiên cứu tập trung vào một làng có phần diện tích lúa được tưới tiêu nhiều nhất. Tham luận cho thấy rằng việc bảo vệ hệ thống tưới tiêu là trách nhiệm của chính phủ vì vậy cần phải có các chính sách của chính phủ để tối ưu hóa các nguồn vốn xã hội ở tầm vi mô.
Các đại biểu tham dự phiên Hội thảo
Với đề tài tham luận “Quản lý rủi ro môi trường tại các khu công nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu” của TS. Nguyễn Việt Hùng, Khoa Quản lý Nhà nước về Đô thị và Nông thôn, Học viện Hành chính Quốc gia, Việt Nam đã phản ánh việc khí công nghiệp và các hoạt động công nghiệp đang là một trong những nhân tố chính gây nên cạn kiệt và suy giảm tài nguyên thiên nhiên, hủy hoại môi trường sống, làm suy giảm tính đa dạng sinh học, chất thải… gây ô nhiễm môi trường dẫn đến những tổn hại không thể tính toán được. Tham luận cũng chỉ rõ Việt Nam là nước đứng ở vị trí thứ hai thế giới về mức độ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu. Việc phát triển công nghiệp dẫn đến vấn đề phân bố lại dân cư, điều này gây xáo trộn đời sống và làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội khác. Từ những thực tế đó, tham luận đã phân tích và nêu bật tầm quan trọng của giải pháp thích ứng quản lý môi trường và giảm thiểu rủi ro công nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, trên cơ sở đó đưa ra một số kiến nghị về chính sách.
Các diễn giả giải đáp thắc mắc của các đại biểu
“Chương trình 4P của Phòng Phúc lợi xã hội và Phát triển ở Quận 1 Ilocos Sur” là tham luận của PGS. Agustin Guinid, Khoa Hành chính, Đại học Bắc Philippines. Tham luận tập trung vào nghiên cứu thực trạng của chương trình 4P ở Quận 1 Ilocos Sur, đối tượng nhận được trợ cấp của chương trình hầu hết là các bà nội trợ, những người thất nghiệp, có nhiều con nhỏ sống phụ thuộc và phù hợp với điều kiện của chương trình. Những vấn đề mà các đối tượng này gặp khó khăn là: việc cắt giảm hỗ trợ về tài chính, chậm trễ trong việc hỗ trợ tiền mặt, khó khăn trong việc sử dụng thẻ ATM… và có rất nhiều trẻ em thuộc đối tượng này không được khám sức khỏe một cách thường xuyên. Từ việc nghiên cứu vấn đề này, tham luận đưa ra một số khuyến nghị: thực hiện các chương trình, dự án bổ sung giúp các đối tượng này có khả năng làm việc; xác định các vi phạm chung và áp dụng các chiến lược nhằm cải thiện việc tuân thủ các quy định của chương trình…
Tiếp theo phiên hội thảo hôm qua (21/10) tiểu chủ đề 3 diễn ra với 7 tham luận của các diễn giả đến từ Philippines, Indonexia, Thái Lan, Hàn Quốc và Việt Nam.
GS. Byeong-soo Yoon – Viện đào tạo cán bộ Trung ương (COTI) “Chương trình đào tạo dựa trên năng lực của Ban Công vụ Hàn Quốc nhằm hỗ trợ Chiến lược Cải cách quản lý nhân sự”. Bài tham luận này nhằm phân tích kết quả đầu ra của chương trình đào tạo dựa trên năng lực được áp dụng đối với các công chức cao cấp, trưởng ban, trưởng phòng dưới các nội dung: Xây dựng chiến lược quản lý dựa trên năng lực; chế độ quản lý nguồn nhân lực dựa trên năng lực; đánh giá chương trình đào tạo năng lực. Từ đó, nêu ra một số khó khăn cần giải quyết, các nhân tố thành công chủ yếu và lợi ích đạt được.
TS. Nguyễn Thị Thúy – khoa Lý luận cơ sở, Học viện Hành chính Quốc gia với tham luận“Sự tham gia và quyền quyết định của nữ công chức nông thôn trong hệ thống chính trị cơ sở ở Việt Nam hiện nay”. Bài viết đã nêu lên những thực trạng, tìm hiểu các nhân tố và rào cản xã hội ảnh hưởng đến sự tham gia và quyền quyết định của nữ giới trong hệ thống chính trị cơ sở ở Việt Nam. Đó chính là những cơ sở quan trọng đề hoàn thiện chính sách xã hội liên quan đến phụ nữ và chính sách bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay.
PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, “Hợp tác công – tư trong cải cách khu vực công ở Việt Nam”. Bài viết tập trung vào xem xét vai trò của hợp tác công – tư trong cải cách khu vực công ở Việt Nam. Thực trạng pháp lý và thực tế triển khai các dự án hợp tác công – tư hiện nay và đưa ra đề xuất nhằm đẩy mạnh hợp tác công – tư trong thời gian tới.
GS. April Dream Rico, khoa Xã hội học, Đại học công lập Tây Visayas, Philippines với bài tham luận“Sự hài lòng của khách hàng đối với cung ứng dịch vụ của các phòng ban thuộc chính quyền Iloilo” đã tập hợp các nghiên cứu của diễn giả về sự hài lòng của người dân với việc cung cấp các dịch vụ của chính quyền; hoạt động của các cơ quan chính quyền trong việc cải thiện sự cung ứng các dịch vụ công; các hoạt động đổi mới trong cung cấp dịch vụ công bị hạn chế do thiếu sự giám sát và đánh giá đối với các chương trình được khởi xướng và thực hiện…
Diễn giả trình bày tham luận của mình
“Áp dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong hệ thống thu phí dịch vụ: Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của chính quyền địa phương Philippines” là bài tham luận củaPGS.TS. Joyce Cuaresma, Đại học Quốc gia Hành chính công và Quản trị công, Philippines. Bài viết đề cập đến vấn đề: liệu việc áp dụng GIS có thực sự dẫn đến sự gia tăng thu ngân sách cho chính quyền địa phương hay không? Để trả lời câu hỏi, bài viết đặt ra ba mục tiêu nghiên cứu: thứ nhất, là kiểm tra việc thực hiện tạo ra doanh thu của các đơn vị chính quyền địa phương đã lựa chọn hệ thống thu thuế qua trên cơ sở GIS; thứ hai, đánh giá cải cách hành chính liên quan đến GIS và thứ ba là đánh giá các vấn đề và mối quan tâm liên quan đến thể chế hóa GIS vào hệ thống thuế bất động sản.
Ông Slamet Widodo, giảng viên đại học Sriwijaya Indonexia với nội dung “Cải cách chiến lược để nâng cao độ tin cậy và tính liêm chính của chính quyền địa phương: Nghiên cứu so sánh về cải cách ở Thành phố Palembang và vùng Organ Ilir, miền Nam Summatera, Indonesia” đã tham luận những cải cách được chính quyền thành phố Palembang và chính quyền vùng Ogan Ilir thực hiện, phân tích những cải cách đó và đưa ra một số khuyến nghị cho các giải pháp nhằm nâng cao độ tin cậy và tính liêm chính của các cơ quan nhà nước.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm
Tham luận của bà Chanathip Wangworang và GS.TS. Ponlaphat Buracom, Đại học Hành chính, Thái Lan với nội dung “Quản trị nhà nước và tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển”. Mục đích của bài viết nhằm phân tích ảnh hưởng của quản trị đối với tăng trưởng kinh tế tại các nước đang phát triển. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp phân tích dữ liệu theo chuỗi thời gian và thực nghiệm giữa các quốc gia từ đó giúp cho chúng ta tìm hiểu về những quyết định chính sách liên quan đến quản trị.
Tiểu chủ đề 4 với nội dung “Tương lai của hành chính công và quản trị công trong một thiết chế khu vực và toàn cầu” gồm có 6 bài tham luận của các diễn giả đến từ Philippines, Thái Lan, Nhật Bản và Indonesia.
Với tham luận “Khóa học qua mạng cho chính quyền địa phương: Ý tưởng về việc xây dựng năng lực cho khu vực công trong tương lai” của bà Juvy Lizette Gervacio – phụ trách chính chương trình Thạc sỹ Quản lý công, khoa Nghiên cứu Quản lý và Phát triển, Đại học Mở Philippines đã chia sẻ kinh nghiệm về khóa học qua mạng về Quản lý chất thải rắn, đề cập khái quát đến vấn đề xây dựng năng lực cho khu vực công ở Philippines và Asean trong tương lai.
Bà Juvy Lizette Gervacio trình bày tham luận tại phiên Hội thảo
Đến từ Viện Phát triển Hành chính Quốc gia, Đại học Hành chính Quốc gia Thái Lan nghiên cứu sinh Gopi KrishnaP.V đã mang đến hội thảo bài viết với nội dung “Cải cách hành chính: Chuyển đổi mô hình hướng tới quản trị dựa trên xã hội dân sự” nhằm nỗ lực tìm hiểu nền cải cách hành chính và sự liên quan của nó trong thế giới toàn cầu hóa ngày hôm nay. Bài tham luận cũng đưa ra những phương pháp tiếp cận tối ưu nhất cho việc cải cách nền hành chính hiệu quả và sự chuyển giao của nền hành chính hướng tới thúc đẩy thay đổi mô hình. Bài tham luận còn đưa ra các khuôn khổ khái niệm cần thiết hướng tới sự chuyển giao có hiệu quả trong cải cách nền hành chính và làm nổi bật việc định hướng lại bộ máy hành chính, yếu tố cần thiết cho sự theo đuổi thành công cải cách hành chính quốc gia.
Diễn giả Gopi KrishnaP.V. trình bày tham luận
Tham luận “Chuẩn bị cho Hội nhập ASEAN: Chương trình giáo dục chính thức đầu tiên của Philippines về định giá và quản lý tài sản” của ông Cesar Luna – khoa Nghiên cứu về Quản lý và phát triển, Đại học mở Philippines đã trình bày về quá trình phát triển của chương trình đào tạo đại học chính thức đầu tiên về định giá và quản lý bất động sản dưới hình thức đào tạo từ xa qua mạng của Đại học mở Philippines triển khai năm 2011 – động thái để chuẩn bị cho hội nhập ASEAN. Hơn nữa, tham luận đã đánh giá những đóng góp thực tế và tiềm năng của chương trình đào tạo đại học nhằm góp phần cải thiện nguồn nhân lực.
Diễn giả Cesar Luna trình bày tham luận
Tham luận với nội dung “Mô hình bền vững cho sự tích hợp về mặt địa lý của các chính sách phúc lợi, năng lượng tái tạo và lương thực: Trợ cấp của chính phủ là công cụ quản trị cho sự sáng tạo chính sách” của bà Kyoko Ohta – Đại học tổng hợp Tokyo, Nhật Bản đã đề cập đến các vấn đề xã hội cấp bách như già hóa dân số, môi trường, năng lượng và phi tập trung hóa ở các nhà nước hậu phúc lợi như Nhật Bản. Từ đó, hướng tới việc tập trung xem xét quy trình đổi mới chính sách công trong một xã hội già hoá dân số, với sự quan tâm đặc biệt tới khía cạnh “địa phương hoá” dịch vụ y tế chăm sóc cho dân số ngày càng già hoá ở Nhật Bản.
Các diễn giả chụp hình lưu niệm
Bài tham luận của ông Andries Lionardo, Giảng viên khoa Xã hội và khoa học chính trị, Đại học Sriwijaya, Indonesia với nội dung“Chiến lược đổi mới bộ máy hành chính nhằm gia tăng dịch vụ công ở Indonesia” đã chỉ rõ ra bốn chiến lược nhằm cải cách nền hành chính công và rất nhiều các mô hình trách nhiệm giải trình hành chính của Indonesia. Bài tham luận đã tìm kiếm từ quan điểm lý thuyết tổ chức, những thích ứng của tổ chức trước những áp lực của cải cách hành chính.
Các đại biểu đến tham dự các phiên Hội thảo
Kết thúc các nội dung tham luận tại Hội nghị EROPA 2014 là tham luận của PGS. Wilhelmina Cabo, Giám đốc Trung tâm Lãnh đạo, công dân và dân chủ, Trường Hành chính và quản trị quốc gia, Philippines với chủ đề “Thanh niên và sự tham gia vào chính trị”. Bài viết này được rút ra từ một dự án nhỏ về dân chủ với sự tham gia của sinh viên một số trường đại học ở các vùng trong cả nước như những tình nguyện viên giám sát tài chính chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên trong cuộc bầu cử địa phương và quốc gia năm 2013. Việc huy động và lôi cuốn thanh niên tham gia vào các tiến trình chính trị khẳng định rằng thanh niên có thể cung cấp nguồn dự trữ sức trẻ và sự nhiệt thành, tinh thần dân tộc và lí tưởng chủ nghĩa để thúc đẩy một nền dân chủ thực sự.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm
Trong 2 ngày làm việc (21 và 22/10), các phiên hội thảo của EROPA – 2014 đã hoàn thành xuất sắc các nội dung, yêu cầu đề ra. Những tham luận, những nghiên cứu chuyên sâu, giá trị cả thực tiễn và khoa học xoay quanh 4 tiểu chủ đề, bám sát chủ đề chính của Hội nghị EROPA – 2014: “Hành chính công và Quản trị công trong bối cảnh hội nhập khu vực và toàn cầu”. Hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp.
Ngày mai, 23/10/2014 tổng kết và bế mạc Hội nghị EROPA – 2014 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Buổi chiều cùng ngày các đại biểu sẽ tham quan Thủ đô Hà Nội và ngày 24/10 sẽ làm việc và tham quan tại tỉnh Quảng Ninh.