Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính tổ chức Hội thảo khoa học: “Phát triển kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế cho cán bộ, công chức, viên chức”

(napa.vn) – Thực hiện Quyết định số 1097/QĐ-HCQG ngày 05/4/2021 của Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia về việc phê duyệt Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Học viện Hành chính Quốc gia năm 2021, sáng ngày 04/10/2021, tại Hà Nội, Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính trang trọng tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế cho cán bộ, công chức, viên chức” theo hình thức trực tuyến.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng khoa, Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời có: TS. Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ; ông Chu Tuấn Tú, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; ông Nguyễn Ngọc Vân, Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước; PGS.TS. Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao; PGS.TS. Đỗ Sơn Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng, Học viện Ngoại giao.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có: TS. Đặng Xuân Hoan, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; TS. Nguyễn Đăng Quế, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh, nguyên Phó Giám đốc Học viện; lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện; các giảng viên, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

TS. Ng Thị Thu Vân 2

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân phát biểu khai mạc, đề dẫn Hội thảo.

Trong bối cảnh hiện nay, hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá mang lại cho chúng ta nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Hội nhập quốc tế, đòi hỏi mỗi quốc gia đều phải tuân thủ luật chơi chung, chuẩn mực chung trong khuôn khổ của tổ chức quốc tế. Vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu của hội nhập ngày càng sâu rộng, đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước cần phải nâng cao năng lực để đáp ứng được nhu cầu hội nhập, làm việc được trong môi trường quốc tế cả trước mắt cũng như lâu dài. Hội thảo khoa học của Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính được tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi giữa các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thực tiễn với đội ngũ giảng viên về cơ sở lý luận và thực tiễn năng lực làm việc trong môi trường quốc tế, từ đó có những định hướng, giải pháp phát triển khả năng làm việc trong môi trường quốc tế cho cán bộ, công chức, viên chức thời gian tới, phục vụ tốt hơn cho hoạt động thực tiễn, nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Để Hội thảo diễn ra thành công, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học tham dự tập trung thảo luận một số vấn đề sau:

- Những vấn đề chung về năng lực và năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của cán bộ, công chức, viên chức.

- Sự cần thiết nâng cao năng lực làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức trong môi trường quốc tế.

- Kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế của cán bộ, công chức, viên chức

- Những kỹ năng cần thiết cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong môi trường quốc tế

- Giải pháp nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế cho cán bộ, công chức, viên chức.

- Những yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng các nội dung chuyên đề và giảng dạy cho cán bộ, công chức, viên chức về kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế trong các chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

- Phương pháp giảng dạy kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế cho cán bộ, công chức, viên chức .

TS. ĐXH1

TS. Đặng Xuân Hoan, Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo.

Khẳng định, muốn hội nhập được thì phải đủ năng lực, đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế và xuất phát từ quan điểm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt từ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 Hội nghị Trung ương lần thứ bảy (Khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, TS. Đặng Xuân Hoan cho rằng: trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước cũng như các cơ sở giáo dục, đào tạo, các bộ ngành và địa phương đều rất quan tâm nội dung này nhưng kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu. “Nhiều cán bộ, trong đó có cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế”.

Trên tinh thần Hội nghị TW lần thứ bảy, TS. Đặng Xuân Hoan đã nêu 05 quan điểm để khắc phục hạn chế và 05 kết quả đã đạt được. Trên cơ sở đó, TS. Đặng Xuân Hoan đã chỉ ra 05 hạn chế còn tồn tại: (1) nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chỉ dừng ở việc cập nhập, bổ sung các nội dung về hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa mà chưa có chuyên đề riêng biệt về lý luận về mô hình quản lý, về cơ chế vận hành, về công cụ, phương pháp và sự điều tiết của nhà nước, phân tích sự tác động trong phạm vi quốc gia và quốc tế của lĩnh vực quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, chính trị… của các quốc gia trên thế giới; (2) để mở rộng khả năng, kỹ năng làm việc, cán bộ, công chức, viên chức cũng được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu, khảo sát ở nước ngoài nhưng chưa hiệu quả; (3) việc bồi dưỡng về kiến thức, văn hóa, lịch sử của các dân tộc, các quốc gia trên thế giới, phương pháp, phong cách đối ngoại, kỹ năng đàm phán, kỹ năng ứng xử, kỹ năng thuyết trình trong môi trường quốc tế chưa được chú trọng, thậm chí còn lạc hậu; (4) năng lực sử dụng ngoại ngữ thấp, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tốn kém nhưng chưa thiết thực, chưa mang lại kết quả mong muốn; (5) cơ sở vật chất, kỹ thuật, hình thức đào tạo bồi dưỡng kiến thức đối ngoại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn lạc hậu, chưa có khả năng để họ tự học, tự nghiên cứu (chưa kể đến việc ý thức tự học, tự nghiên cứu của cán bộ, công chức, viên chức chưa cao).

Để nâng cao năng lực làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức trong môi trường quốc tế, theo TS. Đặng Xuân Hoan có 05 nhóm giải pháp sau: (1) bồi dưỡng kiến thức quan hệ quốc tế, đối ngoại, nghiệp vụ ngoại giao, ngoại ngữ cần được nhìn nhận, xác định như một nhiệm vụ quan trọng để triển khai tổng thể các chương trình bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức; (2) các chương trình bồi dưỡng trong lĩnh vực đối ngoại dành cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược phải được điều chỉnh theo các giai đoạn khác nhau; (3) tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cấp chiến lược trong lĩnh vực đối ngoại; (4) đổi mới phương pháp theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự học của học viên, tạo cơ sở vật chất và những điều kiện về tư liệu, phim ảnh, sách vở, tình huống để học viên tự nghiên cứu; (5) phải có tăng cường giao lưu, trao đổi hợp tác giữa các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng với cơ quan chuyên trách về đối ngoại.

Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học tham dự đã có nhiều ý kiến đóng góp chuyên môn sâu sắc và gợi mở.

1. PGS.TS. Quảng

PGS.TS. Dương Văn Quảng, Nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao tham luận tại Hội thảo.

Tham luận tại Hội thảo với chủ đề “Kỹ năng tổ chức và điều hành hội nghị, hội thảo quốc tế”, PGS.TS. Dương Văn Quảng, Nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao nêu quan điểm trong một số nội dung, như: Xuất xứ và ý nghĩa hội nghị quốc tế; Thực hiện vai trò người chủ trì; Những thách thức đối với người chủ trì và các giải quyết; Những kỹ năng cần thiết của người chủ trì để đảm bảo hội nghị quốc tế thành công… Đồng thời, PGS.TS. Dương Văn Quảng cũng nêu một số lưu ý về ứng xử khi giao tiếp quốc tế.

2. Đỗ Sơn Hải

PGS.TS. Đỗ Sơn Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng, Học viện Ngoại giao phát biểu tại Hội thảo.

Với nội dung “Kỹ năng giao tiếp, ứng xử; kỹ năng phát biểu trong các hội thảo và xây dựng hình ảnh trong môi trường quốc tế”, PGS.TS. Đỗ Sơn Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng, Học viện Ngoại giao đã nêu các hạn chế của cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia vào các hoạt động đối ngoại. Đặt vị trí là người tham gia trực tiếp vào các hội thảo quốc tế, PGS.TS. Đỗ Sơn Hải đã chia sẻ những khó khăn, lúng túng và các vấn đề thường gặp phải cùng kinh nghiệm của bản thân khi tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế, đồng thời chia sẻ các kỹ năng cần có và việc đưa các kỹ năng đó vào trong thực tế, trở thành bản năng của mỗi cá nhân, như: kỹ năng diễn thuyết, kỹ năng giao tiếp – tương tác, kỹ năng ngôn ngữ…

3. PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh

 PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh – Nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu tại Hội thảo.

Chia sẻ “Những yếu tố giúp cán bộ, công chức, viên chức tự tin khi làm việc trong môi trường quốc tế”, PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh – Nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia nhấn mạnh đến tính chuyên nghiệp về sự hiểu biết, tự tôn, lạc quan, tự chủ, được công nhận; quy tắc thuyết phục: tự tin, tin tưởng, thích thú, chứng cứ, cân nhắc, chia sẻ; tâm thế: lắng nghe, phản hồi… của cán bộ, công chức, viên chức khi làm việc trong môi trường quốc tế.

4. TS. Trịnh Thanh Hà

TS. Trịnh Thanh Hà - Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính chia sẻ tại Hội thảo.

Đặt câu hỏi thảo luận tại Hội thảo, TS. Trịnh Thanh Hà băn khoăn về nguyên nhân, lý do đằng sau những hạn chế của cán bộ, công chức, viên chức khi tham dự các hội thảo, hội nghị quốc tế là gì? Lý giải những hạn chế và khắc phục những hạn chế đó như thế nào?

5. ThS. Phạm Thị Quỳnh Hoa

ThS. Phạm Thị Quỳnh Hoa, Trưởng ban, Ban Hợp tác quốc tế phát biểu tại Hội thảo.

Chia sẻ kinh nghiệm làm công tác hợp tác quốc tế trong nhiều năm qua, ThS. Phạm Thị Quỳnh Hoa, Trưởng ban, Ban Hợp tác quốc tế nhấn mạnh các nội dung để góp phần thành công và đạt hiệu quả cao trong quá trình làm việc trong môi trường quốc tế, như: cá nhân mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần hiểu ý thức và có tư duy toàn cầu: giá trị bình đẳng và dân chủ, biết cách lắng nghe và ứng xử; giá trị công bằng và công lý; các giá trị chân – thiện  – mỹ, làm việc trên tinh thần chân thành, tôn trọng sự thật; ứng xử nhã nhặn, kết hợp hài hòa giữa các yếu tố Á Đông và quốc tế…

6. TS. Lê Ngọc Hồng

TS. Lê Ngọc Hồng – Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lê Ngọc Hồng – Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính chia sẻ những đề xuất của cá nhân đối với các giảng viên và các cơ sở đào tạo trong quá trình cung cấp thông tin, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia làm việc trong môi trường quốc tế.

7. ThS. GVC Hoàng Xuân Tuyền

ThS.GVC. Hoàng Xuân Tuyền – Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính tham luận tại Hội thảo.

ThS.GVC. Hoàng Xuân Tuyền – Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính chia sẻ: “Sự cần thiết của năng lực làm việc cơ bản, để làm việc trong môi trường quốc tế”. Theo ThS.GVC. Hoàng Xuân Tuyền các yếu tố đó bao gồm: Năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của nguồn nhân lực Việt Nam (Năng lực làm việc trong môi trường quốc tế; Phát triển năng lực làm việc trong môi trường quốc tế ở Việt Nam); Năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của cán bộ, công chức, viên chức – Nhu cầu phát triển và một số vấn đề cần giải quyết để phát triển (Nhu cầu phát triển năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của cán bộ, công chức, viên chức Việt Nam hiện nay; Một số vấn đề cần giải quyết để phát triển năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của cán bộ, công chức, viên chức Việt Nam hiện nay).

8. PGS.TS. Ng Văn Hậu

PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu – Chánh Văn phòng Học viện phát biểu tại Hội thảo.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong đàm phán quốc tế, nhấn mạnh đến vấn đề “Văn hoá – yếu tố nâng cao hiệu quả làm việc trong môi trường quốc tế”, PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu – Chánh Văn phòng Học viện Hành chính Quốc gia khẳng định việc tận dụng tối đa các yếu tố đa dạng, khác biệt về văn hóa, về các lĩnh vực trong đời sống (khám chữa bệnh, ẩm thực, văn hóa duy tình…) và điều chỉnh sự khác biệt đó phù hợp với đối tác, chuyển hóa sự khác biệt ấy vào chính văn hóa của đối tác để tạo sự gắn kết và trân quí lẫn nhau chính là yếu tố giúp tăng sự ủng hộ, đồng thuận, đồng cảm, chia sẻ nhằm đạt hiệu quả cao như mong muốn trong giao tiếp quốc tế nói chung, đàm phán ngoại giao nói riêng. PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu cũng đã minh chứng hiệu quả của việc tận dụng các yếu tố đa dạng về văn hóa đó thông qua những sự kiện đối ngoại lớn, cụ thể.

9. TS. Ng Thị Thu Cúc

TS. Nguyễn Thị Thu Cúc, Phó Trưởng ban, Ban Hợp tác quốc tế phát biểu tại Hội thảo.

TS. Nguyễn Thị Thu Cúc, Phó Trưởng ban, Ban Hợp tác quốc tế chia sẻ những kiến thức, kỹ năng cần có khi làm việc trong môi trường quốc tế. Các vấn đề như: hiểu chuyên môn, nghiệp vụ, có kiến thức về các vấn đề thảo luận; có kiến thức về đối ngoại, hợp tác quốc tế; những kiến thức chung, kiến thức nền tảng về phông văn hóa; những kỹ năng cần có khi làm việc trong môi trường mạng, trực tuyến; có văn hóa ứng xử, tôn trọng sự khác biệt.

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân chân thành cảm ơn những đóng góp, những chia sẻ, những kinh nghiệm quý báu của các giảng viên, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện đã phát biểu tại Hội thảo; cảm ơn sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia đối với Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính. Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính sẽ nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện Kỷ yếu Hội thảo và sử dụng làm tài liệu trong nghiên cứu, giảng dạy./.

TS. Hà

TS. Nguyễn Thị Hà, Phó Trưởng khoa, Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

Đại biểu

Đại biểu 1

Các đại biểu tham dự Hội thảo theo hình thức trực tuyến.

Như Ngọc

Comments are closed.