Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội tổ chức Hội thảo khoa học: “Quản lý nhà nước về Tài nguyên biển”

(napa.vn) – Thực hiện kế hoạch công tác năm 2021, sáng ngày 14/10/2021, tại Hà Nội, Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội trang trọng tổ chức Hội thảo khoa học “Quản lý nhà nước về Tài nguyên biển” theo hình thức trực tuyến.

PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng khoa, Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời có: TS. Phan Thanh Tùng, Đại diện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường; ThS. Nguyễn Công Minh, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam ; ThS. Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; ông Hoàng Nhất Thống, Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có: PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện; các giảng viên, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

TS Ánh 1

PGS.TS. Đặng Khắc Ánh phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng khoa, Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội khẳng định tầm quan trọng của biển, đảo và các nguồn tài nguyên biển đối với cuộc sống của con người. Trong bối cảnh tăng cường toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, vận tải biển, du lịch biển và các nguồn tài nguyên từ biển, đảo càng thể hiện vị trí đặc biệt quan trọng. Do vậy, để bảo vệ, khai thác có hiệu quả nguồn lực biển, cần tăng cường hoạt động quản lý nhà nước đối với tài nguyên biển. Quản lý nhà nước về tài nguyên biển ở Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đất nước, các vấn đề về biển nói chung, trong đó có quản lý nhà nước về tài nguyên biển đang đòi hỏi phải được đổi mới một cách toàn diện.

Nghiên cứu về biển và hải đảo nói chung và quản lý nhà nước về tài nguyên biển nói riêng là một nội dung quan trọng trong nội dung giảng dạy của Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội. Nhằm bổ sung kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn cho giảng viên, qua đó nâng cao chất lượng giảng dạy nội dung này trong các chương trình đào tạo và bồi dưỡng của Học viện là một yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Tiếp tục tinh thần của các Hội thảo khoa học trước đây bàn về vấn đề này, cuộc Hội thảo khoa học được tổ chức tại Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội lần này nhằm mục đích trao đổi thông tin góp phần vào việc tăng cường Quản lý nhà nước về tài nguyên biển nói riêng và các giải pháp phát triển kinh tế biển bền vững gắn liền với sự nghiệp vảo vệ an ninh, an toàn biển ở Việt Nam nói chung…

Để Hội thảo diễn ra thành công, PGS.TS. Đặng Khắc Ánh mong nhận được nhiều ý kiến của các nhà quản lý thực tiễn, trực tiếp thực hiện quản lý nhà nước về biển và hải đảo; các nhà quản lý có quan tâm tới các khía cạnh khác nhau của quản lý nhà nước về biển và hải đảo; các đồng nghiệp giảng dạy và nghiên cứu về biển và hải đảo tham gia Hội thảo.

TS. Lương Thanh Cường

PGS.TS. Lương Thanh Cường phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện khẳng định biển đảo nói chung và tài nguyên biển đảo nói riêng có một vị trí quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước. Đây là một trong những bộ phận cấu thành không gian sinh tồn của con người; tài nguyên biển là một trong những nguồn lực rất lớn và đặc biệt quan trọng cần được quản lý, khai thác, phục vụ cho quá trình phát triển đất nước nói chung cũng như bảo vệ chủ quyền quốc gia nói riêng. PGS.TS. Lương Thanh Cường cho rằng đây là một chủ đề Hội thảo hay, cần thiết và cấp thiết, có ý nghĩa về mặt khoa học và thực tiễn. Hiện tại, những nghiên cứu về biển đảo nói chung, nghiên cứu về tài nguyên biển nói riêng ở Học viện tương đối mỏng, chưa tương xứng với tính chất quan trọng khách quan của vấn đề. Vì vậy PGS.TS. Lương Thanh Cường đề nghị Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội trên cơ sở Hội thảo này sẽ xác định đây là một trong những hướng nghiên cứu và giảng dạy quan của Khoa trong tất cả các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, cũng như đưa ra các định hướng nghiên cứu cho các đề tài cao học, đề tài nghiên cứu sinh. Để kết quả của Hội thảo được lan tỏa, PGS.TS. Lương Thanh Cường mong các nhà khoa học tiếp tục hoàn thiện tham luận để biên tập thành kỷ yếu hoặc đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành. Đồng thời, đứng trước những cơ hội mới, không gian mới, thách thức mới, PGS.TS. Lương Thanh Cường đề nghị Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội chủ động nghiên cứu những vấn đề mới để có sự chuẩn bị sẵn về nhân lực, về chương trình, giáo trình, tài liệu, hướng nghiên cứu để tiếp nhận thêm những nhiệm vụ được mở rộng, bên cạnh những nhiệm vụ truyền thống hiện nay.

Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học tham dự đã có nhiều ý kiến đóng góp chuyên môn sâu sắc và gợi mở.

Tùng 3

TS. Phan Thanh Tùng phát biểu tại Hội thảo.

Tham luận tại Hội thảo, đại diện Tổng cục Biển – Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, TS. Phan Thanh Tùng đã có những ý kiến về: “Quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo”, trong đó, TS. Phan Thanh Tùng trình bày: một số yếu tố trong quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; nội dung quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (thể chế, chính sách; chiến lược, quy hoạch, chương trình; cấp phép, thông tin, cơ sở dữ liệu; tổ chức, bộ máy; hợp tác quốc tế); các vấn đề về quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong tình hình mới.

Ng Công Minh 1

ThS. Nguyễn Công Minh phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Công Minh, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tham luận các vấn đề về “Quản lý biển và hải đảo của Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”. Trong đó, ThS. Nguyễn Công Minh nêu các nội dung về: quản lý tổng hợp; chính sách pháp luật; hệ thống tổ chức và phân công trách nhiệm; các tồn tại, hạn chế (về tổ chức thực hiện và bộ máy; về khung pháp lý) và một số đề xuất kiến nghị. Theo ThS. Nguyễn Công Minh, cần kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, giữa trung ương với địa phương, kiện toàn cơ quan điều phối liên ngành, tăng cường cơ sở vật chất, năng lực quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất; cần rà soát, đánh giá tổng thể hệ thống chính sách, pháp luật về biển và hải đảo; xây dựng và đưa vào vận hành ổn định, thông suốt cơ chế phối hợp, liên thông; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách; đa dạng hóa hình thức và nội dung tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước; xây dựng và thực hiện các kế hoạch đào tạo dài hạn và chuyên sâu cho cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo ở trung ương qua các chương trình, dự án trọng điểm…

TS. Hoàng Sỹ Kim

TS. Hoàng Sỹ Kim phát biểu tại Hội thảo.

Với vấn đề “Tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên và môi trường biển, hải đảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về biển và hải đảo trong tình hình mới”, TS. Hoàng Sỹ Kim, Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội nhấn mạnh các vấn đề về tình hình mới hiện nay, đó là vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo liên quan đến rất nhiều quốc gia trên thế giới, đặt ra vấn đề cần ban hành kịp thời các văn bản pháp luật quy định về vấn đề này một cách thống nhất về yêu cầu, quan điểm, tư tưởng, chỉ đạo, mục đích, cách thức, tổ chức.

Ng Ngọc Sơn 1

ThS. Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu tại Hội thảo.

ThS. Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo trình bày vấn đề “Triển vọng hình thành một thỏa thuận toàn cầu giải quyết các vấn đề rác thải nhựa đại dương” với các nội dung: Khái quát chung về nhựa, rác thải nhựa đại dương và hạt vi nhựa; Chính sách của Hội đồng môi trường Liên Hợp Quốc và nguồn lục tài chính giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương; Các tuyên bố cấp khu vực đối với vấn đề rác thải nhựa đại dương; Dự kiến chung cấu trúc của một thỏa thuận toàn cầu do Na Uy và các nước Bắc Âu khởi xướng; Chính sách của Việt Nam đối với việc hình thành thỏa thuận toàn cầu; đồng thời chỉ ra một số rào cản khó có thể giải quyết được trong phạm vi quốc gia (nhưng có thể thực hiện được khi có một Thỏa thuận toàn cầu), như: huy động nguồn lực tài chính, các khuôn khổ pháp lý cần thiết ở cấp độ quốc tế, cần có cam kết quốc gia thực hiện mục tiêu 14.1, kêu gọi sự tham gia của các ngành, lĩnh vực…

Hoàng Nhất Thống

Ông Hoàng Nhất Thống phát biểu tại Hội thảo.

Ông Hoàng Nhất Thống, Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ vấn đề “Phát huy vai trò của cộng đồng trong tham gia quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển” với các nội dung: vai trò của tài nguyên biển đối với kinh tế cộng đồng (tài nguyên biển là nền tảng để khai thác, sử dụng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, là không gian sống gắn liền với đời sống của cộng đồng, là nguồn sinh kế quan trọng trong đời sống cộng đồng); sự tham gia của cộng đồng dân cư trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; phát huy vai trò của cộng đồng tham gia quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Ông Hoàng Nhất Thống nhấn mạnh đến các vấn đề về hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật; kiện toàn thiết chế quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; bảo đảm nguồn lực tài chính cho sự tham gia của cộng đồng trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển; đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tận dụng nguồn lực cần thiết, tạo đà cho sự tham gia của cộng đồng trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển; tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của tài nguyên, môi trường biển, về sự cần thiết khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển.

Tại Hội thảo, các giảng viên Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội (TS. Trần Thị Thoa, ThS. Đỗ Thị Hải Yến, TS. Trịnh Đức Hưng, TS. Nguyễn Viết Định, TS. Vũ Xuân Thanh) đã đặt câu hỏi với các đại biểu tham dự Hội thảo về các vấn đề: quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển ở Việt Nam so với các nước trên thế giới; cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý đa dạng các hệ sinh thái, đa dạng sinh học biển; giải quyết mẫu thuẫn giữa bảo tồn và khai thác tài nguyên biển; các loại nhựa độc hại và khó phân hủy nhất; phân biệt nhựa độc hại và không độc hại; cách thức giúp ổn định và duy trì sinh kế đã có một cách bền vững và tạo ra sinh kế mới… Những thắc mắc này đã được ThS. Nguyễn Công Minh, ThS. Nguyễn Ngọc Sơn và ông Hoàng Nhất Thống, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam giải đáp.

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Đặng Khắc Ánh chân thành cảm ơn những đóng góp, những chia sẻ, những kinh nghiệm quý báu của các giảng viên, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện đã phát biểu tại Hội thảo; cảm ơn sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia đối với Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội. Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội sẽ nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện Kỷ yếu Hội thảo và đưa vào sử dụng làm tài liệu trong nghiên cứu, giảng dạy./.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

TS. Đặng Thị Minh

TS. Đặng Thị Minh tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

Trần Thị Thoa

TS. Trần Thị Thoa phát biểu tại Hội thảo.

Đỗ Thị Hải Yến

ThS. Đỗ Thị Hải Yến phát biểu tại Hội thảo.

Trịnh Hưng

TS. Trịnh Đức Hưng phát biểu tại Hội thảo.

Ng Viết Định

TS. Nguyễn Viết Định phát biểu tại Hội thảo.

TS Vũ Xuân Thanh

TS. Vũ Xuân Thanh phát biểu tại Hội thảo.

Đb

đại biểu 1

Các đại biểu tham dự Hội thảo theo hình thức trực tuyến.

Như Ngọc

Comments are closed.