(napa.vn) – Chiều ngày 31/01/2024, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học: “Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp – Luật Hành chính của Học viện Hành chính Quốc gia”. PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng khoa, Khoa Nhà nước và Pháp luật và TS. Lê Thanh Huyền, Trưởng ban, Ban Quản lý đào tạo đồng chủ trì Hội thảo. Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến.
PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia dự và phát biểu khai mạc Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; Vụ Công chức, viên chức, Văn phòng Chính phủ; Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra; Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính, Bộ Tư pháp; Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật – Bộ Tư pháp; Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội; Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ; Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; lãnh đạo các khoa, ban đơn vị của Học viện cùng đông đảo giảng viên, sinh viên Khoa Nhà nước và Pháp luật.
PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện cho biết, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, cả hệ thống chính trị đang đẩy mạnh việc nghiên cứu, xây dựng cơ sở khoa học lý luận pháp lý, đẩy mạnh việc thực thi pháp luật nghiêm minh, tích cực; hình thành một môi trường pháp lý tốt nhất cho mọi hoạt động của xã hội. Việc triển khai nghiên cứu, đào tạo ngành Luật ở trình độ cao tại các cơ sở đào tạo theo hướng chuyên sâu là một nhiệm vụ thiết thực góp phần hiện thực hóa đường lối của Đảng. Đào tạo tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính là chủ trương lớn được Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia quyết định dựa trên thế mạnh và phù hợp với sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và chiến lược phát triển của Học viện trong giai đoạn mới. Việc nghiên cứu xây dựng và mở mã ngành đào tạo tiến sĩ Luật Hiến pháp và Luật Hành chính là một nhu cầu tất yếu, nằm trong lộ trình phát triển của Học viện, thể hiện đặc thù về đối tượng đào tạo của Học viện trên nền tảng hệ thống cơ sở khoa học, nghiên cứu có trình độ cao về lý thuyết, ứng dụng, năng lực nghiên cứu độc lập, sáng tạo phát triển và giải quyết những vấn đề mới trong khoa học hành chính, khoa học luật, khoa học xã hội mang tính chất đa ngành, liên ngành, tham mưu trong xây dựng, hoạch định chính sách pháp luật để giải quyết những vấn đề phát sinh trong xã hội, đáp ứng mục tiêu quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Tiếp nối Tọa đàm khoa học “Mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính tại Học viện Hành chính Quốc gia” được tổ chức ngày 26/9/2023, Hội thảo khoa học “Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính của Học viện Hành chính Quốc gia” với mục đích bổ sung thêm luận cứ và làm tường minh hơn những vấn đề liên quan đến việc triển khai chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính tại Học viện trên cơ sở sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và chiến lược phát triển của Học viện giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến mong muốn, các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận, cho ý kiến, làm rõ hơn về các nội dung sau:
(1) Cơ sở khoa học, thực tiễn, pháp lý xây dựng Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính của Học viện Hành chính Quốc gia.
(2) Tính thống nhất, phù hợp giữa mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính của Học viện Hành chính Quốc gia.
(3) Mối quan hệ giữa các học phần trong chương trình đào tạo với mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính của Học viện Hành chính Quốc gia.
(4) Tính hiệu quả khi tổ chức thực hiện chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính của Học viện Hành chính Quốc gia.
(5) Giải pháp bảo đảm triển khai chất lượng chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính của Học viện Hành chính Quốc gia.
(6) Kinh nghiệm đánh giá, phát triển chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Luật tại các cơ sở giáo dục đại học.
(7) Vị trí và mối quan hệ giữa các học phần trong chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính của Học viện Hành chính Quốc gia.
(8) Các nội dung khác liên quan trực tiếp đến chủ đề Hội thảo.
PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng khoa, Khoa Nhà nước và Pháp luật báo cáo tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh đã báo cáo dự thảo Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính của Học viện Hành chính Quốc gia. Hiện nay, Học viện Hành chính Quốc gia đang tổ chức đào tạo trình độ Tiến sĩ Quản lý công; đào tạo trình độ Thạc sĩ với các chuyên ngành: Quản lý công; Tài chính – Ngân hàng; Chính sách công; Quản lý kinh tế; Quản lý văn hóa và Thạc sĩ chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính; đào tạo Đại học hệ chính quy với 14 ngành và 13 chuyên ngành, Đại học hệ liên thông chính quy, Đại học liên thông hệ vừa làm vừa học. Tiếp nối hành trình ấy, Học viện Hành chính Quốc gia đang nghiên cứu xây dựng và mở mã ngành đào tạo Tiến sĩ Luật Hiến pháp và Luật Hành chính và yêu cầu đặt ra cần phải xây dựng chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính không những đáp ứng được nhu cầu xã hội mà còn phải phù hợp với sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và chiến lược của Học viện.
Trên cơ sở Kế hoạch số 2038/KH-HCQG của Học viện Hành chính Quốc gia ban hành ngày 17/8/2023, Kế hoạch xây dựng Đề án, lập hồ sơ mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính. Học viện Hành chính Quốc gia đã tiến hành xây dựng dự thảo chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính với 6 nội dung: (1) Căn cứ xây dựng chương trình; (2) Mục tiêu đào tạo; (3) Tiêu chuẩn đầu vào; (4) Khối lượng kiến thức toàn khóa; (5) Đánh giá kết quả học tập; (6) Các chương trình đào tạo trong nước và nước ngoài được tham khảo, đối sánh khi xây dựng chương trình đào tạo.
TS. Lê Thanh Huyền, Trưởng ban, Ban Quản lý đào tạo phát biểu.
Báo cáo tổng thể Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính của Học viện Hành chính Quốc gia, TS. Lê Thanh Huyền, Trưởng ban, Ban Quản lý đào tạo nêu căn cứ xây dựng chương trình (vị trí, chức năng của Học viện Hành chính Quốc gia, nhu cầu của xã hội, cơ sở pháp lý); mục tiêu đào tạo; tiêu chuẩn đầu vào; khối lượng kiến thức toàn khóa; đánh giá kết quả học tập; các chương trình đào tạo trong nước và nước ngoài được tham khảo, đối sánh khi xây dựng chương trình đào tạo: các chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo trong nước và các chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo nước ngoài.
GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày tham luận.
GS.TS. Võ Khánh Vinh tham luận tại Hội thảo với chủ đề: “Triết lý và cách tiếp cận xây dựng chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp – Luật Hành chính”. GS.TS. Võ Khánh Vinh đặt câu hỏi: cần có xác định triết lý về mở mã ngành đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành luật Luật Hiến pháp và Luật Hành chính tại Học viện Hành chính Quốc gia hay không? Nếu cần thì triết lý đó là như thế nào là phù hợp?
Theo GS.TS. Võ Khánh Vinh, việc mở mã ngành đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành luật Luật Hiến pháp và Luật Hành chính tại Học viện Hành chính Quốc gia là mang tính tất yếu, rất cần thiết, cấp bách, chính muồi, hội đủ các điều kiện, đúng thời điểm, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đặc biệt yêu cầu phát triển nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho phát triển đất nước. Triết lý đó cần phải thể hiện bản sắc, thế mạnh, tính đặc thù của cơ sở đào tạo. Học viện Hành chính Quốc gia là cơ sở đào tạo đa ngành, liên ngành, gắn liền cơ bản với việc đào tạo nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực hành pháp và nền hành chính quốc gia. Trong đó có các ngành đào tạo như: Hành chính học, Luật học, Chính sách công… Triết lý đó thể hiện ở ba đặc điểm cơ bản mang tính bản sắc: (1) Tiếp cận đa ngành, liên ngành: Luật Hiến pháp và Luật Hành chính với Hành chính học, Chính sách công; (2) Bảo đảm cao nhất chất lượng; và (3) Phù hợp với xu hướng đào tạo trên thế giới trong đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính tại Học viện Hành chính Quốc gia.
TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính, Bộ Tư pháp tham luận tại Hội thảo.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng, hiện nay Học viện xây dựng chương trinh đào tạo tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính trong bối cảnh hết sức phù hợp, thuận lợi. Các văn bản pháp luật quy định rất rõ: Khoản 1, Điều 8 Hiến pháp 2013 quy định theo hướng: Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; Nghị quyết số 18 –NQ/TW 2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; Nghị quyết số 19-NQ/TW 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
GS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tham luận.
TS. Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật – Bộ Tư pháp phát biểu.
TS. Nguyễn Thị Thủy, Khoa Pháp luật hành chính nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội trình bày tham luận.
Tham luận tại Hội thảo về nội dung “Tăng cường tính liên thông trong việc xây dựng các chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ”, TS. Nguyễn Thị Thủy, Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ tính liên thông giữa các chương trình đào tạo sau đại học học của Trường Đại học Luật Hà Nội. Cụ thể: tính liên thông giữa các chương trình đào tạo thạc sĩ các ngành theo định hướng nghiên cứu với nhau; liên thông giữa các chương trình đào tạo thạc sĩ luật các ngành theo định hướng ứng dụng với nhau; liên thông các chương trình đào tạo thạc sĩ luật học theo định hướng nghiên cứu với chương trình đạo tạo thạc sĩ luật học theo định hướng ứng dụng; liên thông các chương trình đạo tạo tiến sĩ luật học các ngành với nhau và liên thông giữa chương trình đào tạo thạc sĩ với tiến sĩ.
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng khoa, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tham luận.
“Góp ý về chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia”, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng khoa, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính của Học viện Hành chính Quốc gia đóng vai trò quan trọng: với tư cách là nơi đào tạo đội ngũ công chức hành chính chất lượng cao của đất nước, những tri thức về pháp luật là nền tảng cho công chức, bộ máy hành chính trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền. Chương trình đã thể hiện những ưu điểm và bản sắc riêng có của cơ sở đào tạo trong tương quan với các Chương trình cùng tên đang tồn tại ở các cơ sở đào tạo khác trên toàn quốc. PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh góp ý các nội dung về kết cấu và các nội dung của Chương trình; về một số học phần trong Chương trình đào tạo; về chuẩn đầu ra của học phần…
TS. Vũ Xuân Thanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước – Bộ Nội vụ tham luận.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Vũ Xuân Thanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước – Bộ Nội vụ cho rằng chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia được xây dựng công phu, mang tính khoa học và thực tiễn; các học viên đánh giá cao về uy tín, năng lực đội ngũ giảng viên, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về phản biện chính sách. TS. Vũ Xuân Thanh đề xuất một số nội dung, như: cần bổ sung pháp luật về tổ chức hoạt động Chính phủ; bổ sung nghiên cứu Pháp luật về dịch vụ công, cơ sở khoa học Quản trị địa phương…
ThS. Hoàng Ngọc Ánh, cựu học viên khóa 5 lớp Luật Hiến pháp, Luật Hành chính phát biểu.
ThS. Hoàng Ngọc Ánh cho rằng, khung chương trình được dự thảo đưa ra hoàn toàn phù hợp, các môn học trong chương trình không chỉ tập trung vào những kiến thức cơ bản mà còn mở rộng ra về nhiều các lĩnh vực. Điều này giúp người học có cơ hội học tập, nghiên cứu đa chiều, phát triển kỹ năng và khả năng áp dụng kiến thức trong nhiều bối cảnh khác nhau. Khung chương trình đào tạo tại dự thảo đã bám sát đúng thực tiễn yêu cầu nghề nghiệp của bản thân. ThS. Hoàng Ngọc Ánh mong muốn sau khi chương trình đào tạo được triển khai và tổ chức đào tạo, Học viện vẫn luôn quan tâm cập nhật, đổi mới, phát triển khung chương trình đào tạo để đảm bảo phù hợp và phát triển cùng với thực tiễn, sự thay đổi và nhu cầu của ngành, lĩnh vực.
PGS.TS. Trương Hồ Hải, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tham luận.
Tại Hội thảo, PGS.TS. Trương Hồ Hải, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tham luận nội dung: “Giải pháp bảo đảm triển khai chất lượng chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính của Học viện Hành chính Quốc gia”. Theo PGS.TS. Trương Hồ Hải, việc xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính có ý nghĩa lớn nhằm mở rộng phạm vi hoạt động, nâng cao vị thế, uy tín của Học viện Hành chính Quốc gia. Chương trình được triển khai thành công sẽ góp phần quan trọng giúp Học viện từng bước hiện thực hoá mục tiêu và hoàn thành sứ mệnh của mình. PGS.TS. Trương Hồ Hải đề xuất 7 giải pháp bảo đảm triển khai chất lượng chương trình đào tạo Tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính của Học viện Hành chính Quốc gia: (1) quan tâm đầu tư, nghiêm túc nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo Tiến sĩ khoa học, hiện đại, đúng quy định; (2) tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện bộ giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của Chương trình; (3) chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ cán bộ giảng dạy; (4) tham khảo kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo khác trong xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo trình độ Tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính; đặc biệt tăng cường hợp tác, trao đổi chuyên môn, mở rộng mạng lưới quan hệ với các cơ sở đào tạo khác trong và ngoài nước; (5) đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về Chương trình đào tạo trình độ Tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính để thu hút nghiên cứu sinh cho Chương trình; (6) thúc đẩy các hoạt động như đi nghiên cứu thực tế, dự án hợp tác nghiên cứu khoa học, phối hợp tổ chức hội thảo khoa học, đặc biệt là hội thảo khoa học quốc tế, các hội nghị, toạ đàm chuyên môn ; (7) đảm bảo thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện, khai thác tiện ích của môi trường điện tử, hỗ trợ nghiên cứu sinh trong quá trình học tập, nghiên cứu tại Học viện.
PGS.TS. Đặng Minh Tuấn, Trưởng khoa, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tham luận.
PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, nguyên Q. Giám đốc Phân viện Học viện tại thành phố Hồ Chí Minh phát biểu.
Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, đây là các nội dung quan trọng góp phần hoàn thiện đề án đào tạo tiến sĩ Luật Hiến pháp và Luật Hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và trong chiến lược phát triển của Học viện Hành chính Quốc gia.
Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.
Như Ngọc