Hội thảo khoa học: Chính sách phát triển kinh tế số ở Việt Nam

(napa.vn)  Chiều ngày 25/7/2024, tại Hà Nội, Khoa Quản lý kinh tế, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học “Chính sách phát triển kinh tế số ở Việt Nam”. TS. Lê Toàn Thắng, Trưởng khoa và PGS.TS. Đỗ Thị Kim Tiên, Phó Trưởng khoa đồng chủ trì và điều hành Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Đại biểu dự Hội thảo có: ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương; bà Lala Nguyễn, CEO Công ty truyền thông Rite (Rite Agency).

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện; đại diện lãnh đạo một số khoa, ban, đơn vị thuộc Học viện cùng giảng viên, học viên, sinh viên Khoa Quản lý kinh tế. Hội thảo trực tuyến đến đại biểu tại các điểm cầu.

TS. Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng khoa, Khoa Quản lý kinh tế phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh, trong những năm gần đây, kinh tế số và xã hội số đã trở thành xu hướng phát triển chủ đạo trên toàn cầu. Các quốc gia cũng như doanh nghiệp trên thế giới đang nỗ lực thích ứng, khai thác tối đa tiềm năng công nghệ số để nâng cao hiệu quả, tạo ra nhiều giá trị mới và hướng tới sự tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong các năm 2022, 2023, Việt Nam đứng đầu trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh trong những năm tiếp theo. Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025 xác định kinh tế số sẽ chiếm trên 20% GDP cả nước, tăng trưởng từ 20% – 25% mỗi năm, gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Để đạt được mục tiêu đó, vai trò của Nhà nước là rất quan trọng nhằm tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật, qua đó tạo thuận lợi, đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

PGS.TS. Đỗ Thị Kim Tiên, Phó Trưởng khoa phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo khoa học với chủ đề “Chính sách phát triển kinh tế số ở Việt Nam” mong muốn nhận được những ý kiến tham luận, đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học về lý luận và thực tiễn nhằm tạo những luận cứ quan trọng để đề xuất những kiến nghị, giải pháp chính sách nhằm đưa hoạt động kinh tế số thực sự trở thành động lực phát triển bền vững cho kinh tế Việt Nam.

TS. Nguyễn Tất Thịnh tham luận.

Tham luận về chính sách phát triển kinh tế số ở Việt Nam – thực trạng và giải pháp, theo TS. Nguyễn Tất Thịnh, việc trước hết cần thành lập một ủy ban  quốc gia về kinh tế số và xã hội số để giải quyết những vấn đề mang tính khác biệt so với quản trị truyền thống. Đặc biệt, cần ưu tiên ngân sách cho phát triển kinh tế số để đột phá và phát triển kinh tế đất nước. Ngoài ra, cần có khu công nghệ đặc thù, đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số. Bên cạnh đó, yếu tố chất lượng nguồn nhân lực cũng là vấn đề trụ cột cần tháo gỡ để thúc đẩy phát triển kinh tế số, không gian số, đặt ra những yêu cầu cấp thiết về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tư duy hệ thống, phát triển năng lực đón đầu công nghệ, làm chủ công nghệ số.

Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham luận.

Nội dung tham luận của ông Đỗ Tiến Thịnh tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI), theo đó, AI được xem là trụ cột công nghệ quan trọng nhất tạo đột phá cho phát triển kinh tế số. Việt Nam có nhiều lợi thế trong khai thác những lợi ích to lớn mà AI có thể mang đến, gồm: (1) Cơ cấu “dân số vàng” với tỷ lệ 70% công dân dưới 35 tuổi; (2) Nền “kinh tế internet” phát triển; (3) Có chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy triển khai, cải tiến công nghệ số. Một số khuyến nghị chính sách phát triển kinh tế số dựa trên AI được đưa ra, như: định hướng xây dựng chính sách trên tư duy phát triển hệ sinh thái AI; có chính sách đào tạo, nâng cao năng lực AI trong khu vực công, người lao động và học sinh, sinh viên; hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh AI.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương tham luận.

Tham luận về“Quản lý nhà nước về thương mại điện tử ở Việt Nam”, ông Nguyễn Hữu Tuấn khái quát bức tranh tổng thể hoạt động thương mại điện tử hiện nay. Ông cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử ở Việt Nam cơ bản khá hoàn thiện. Trên cơ sở quy định của pháp luật, các chủ thể xác định được các quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời lựa chọn phương thức giải quyết phù hợp nhất với điều kiện, hoàn cảnh thực tế khi có tranh chấp xảy ra. Bên cạnh đó, pháp luật về thương mại điện tử là công cụ pháp lý bảo vệ, định hướng chủ thể kinh doanh, tạo ra môi trường kinh doanh thông qua thương mại điện tử an toàn.

Bà Lala Nguyễn, CEO Công ty truyền thông Rite (Rite Agency) tham luận.

Tiếp cận chính sách marketing của doanh nghiệp thời kinh tế số, bà Lala Nguyễn chia sẻ những kinh nghiệm trong tư duy sáng tạo, xây dựng chiến lược marketing thương hiệu trong thời đại phát triển công nghệ số với nhiều thay đổi nhanh chóng, trong đó có các yếu tố về chi phí, thời gian, sự thích ứng, các công cụ AI, xu hướng bán hàng trực tuyến…

TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đăng Quế đánh giá cao tính khoa học, tính cấp thiết của chủ đề Hội thảo. Với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số đã trở thành một phần không thể thiếu trong hầu hết các khía cạnh của cuộc sống của chúng ta. Việt Nam đã có nhiều chủ trương, định hướng lớn về phát triển công nghệ số, chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, để đề ra được đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đúng đắn, là cơ sở để xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch và những trọng tâm cần tập trung thực hiện phát triển kinh tế số thì việc đánh giá, xác định đúng cơ hội và thách thức là rất cần thiết. Bên cạnh việc xây dựng môi trường pháp lý để phát triển kinh tế số, cần giải quyết tốt các vấn đề bảo đảm an toàn thông tin mạng, kịp thời xử lý những hạn chế phát sinh. Vai trò của Nhà nước cũng cần đi đầu trong xây dựng nền tảng hạ tầng phát triển kinh tế số, tạo điều kiện cho doanh nghiệp áp dụng các chiến lược, chính sách ứng dụng công nghệ số để cải tiến sản phẩm, gia tăng doanh số, mở rộng thị trường, xây dựng vị thế, sức mạnh của doanh nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Nguyễn Toàn Thắng trân trọng cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, chia sẻ, có những góc nhìn đa chiều về kinh tế số, vai trò của kinh tế số, thương mại điện tử, đổi mới sáng tạo, cũng như chính sách của nhà nước thúc đẩy phát triển kinh tế số trên các ngành, lĩnh vực… Hội thảo đã nhận được gần 30 bài tham luận cùng các ý kiến trực tiếp trao đổi được ban tổ chức tiếp thu, tổng hợp là những kiến thức rất hữu ích trong quá trình nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong thời gian tới.

Như Ngọc 

Comments are closed.